Thư gửi chiều thứ Năm:

Thư gửi… Camera

Thứ Hai, 05/03/2012, 06:21

Camera ơi, tao thay mặt những con người căm ghét cướp bóc, yêu chuộng lẽ phải xin gửi đến mày lời cảm ơn chân thành. Bởi nhờ mày mà cách đây ít hôm, người ta mới có đầy đủ tang chứng vật chứng của một vụ giết người cướp của dã man tại một tiệm vàng ở ngoại thành Hà Nội.

Camera à, thực ra thì ngay cả khi mày không được "cài" vào tiệm vàng ấy thì hung thủ trước sau gì cũng bị tóm cổ - tao tin như thế, bởi nhiều vụ việc trước đã chứng minh như thế. Nhưng rõ ràng là phải nhờ có mày mà quá trình "tóm cổ hung thủ" mới diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn. Và cũng nhờ có mày mà một mảnh hiện thực tàn khốc, đáng lên án của xã hội mới được phơi bày một cách chân xác, qua đó sự căm phẫn cái ác, bênh vực cái thiện mới được đẩy lên cực điểm. Như thế, vai trò của mày, công lao và ý nghĩa của mày trong phi vụ này là điều không phải bàn cãi nữa.

Camera ơi, cũng trong tuần rồi, cả làng cả nước đang nháo nhào cả lên quanh cuộc thi "Tìm kiếm tài năng Việt Nam" trên truyền hình. Nháo nhào vì cuộc thi ấy có một cô bé nọ được bố mẹ quảng cáo là có giọng hát hay tuyệt đỉnh, nhưng sau đó lại bị đánh trượt. Và khi con mình bị đánh trượt thì bà mẹ đã chạy từ trong cánh gà ra cướp micro để lên án ban giám khảo. Thế là ngay lập tức, nhiều tờ báo liệt kê lại hàng loạt những cái mà họ gọi là "chiêu, trò, mánh, khóe" trong những cuộc thi tương tự, rồi  đặt ra câu hỏi: Có phải BTC cuộc thi đã cố tình dựng lên những "chiêu, trò, mánh, khóe" ấy để hút khách hay không?

Nói thật, tao không phải là BTC cuộc thi nên không dám trả lời chắc chắn. Nhưng riêng cái tình huống bà mẹ bất ngờ chạy ra cướp micro rồi mắng xối xả BGK thì tất cả đều thừa nhận người ta không thể dàn dựng được. Vậy thì tình huống không thể dàn dựng này nói lên điều gì? Nó nói rằng, trong xã hội, có một bộ phận người ảo tưởng thái quá về mình và về con cái, người thân của mình. Mà cũng chả riêng gì tình huống này, suốt chiều dài cuộc thi "Tìm kiếm tài năng Việt Nam" có vô số những tình huống tố cáo sự ảo tưởng như vậy.

Tới đây, tao cho rằng cuộc thi "Tìm kiếm tài năng Việt Nam" giống hệt như một chiếc Camera, phản chiếu cho người ta thấy một mảnh hiện thực ảo tưởng của những con người ảo tưởng. Nó cũng giống mày ấy - chiếc Camera được cài ở tiệm vàng trong phi vụ cướp tiệm vàng nói trên - chiếc Camera đã cho người ta thấy một mảnh hiện thực tàn khốc, đáng lên án của sự sống này.

Camera à, ở đây tao không có ý so sánh một HIÊåN THỰC ẢO TƯỞNG hay một HIÊåN THỰC TÀN KHỐC. Điều tao muốn nói là, sẽ thật bất công nếu người ta  lên án cái Camera tố cáo một hiện thực ảo tưởng và ca ngợi cái Camera tố cáo một hiện thực tàn khốc. Bởi ảo tưởng hay tàn khốc xét cho cùng đều là "bệnh", mà đã là "bệnh" thì nhất thiết cần phải được chữa trị. Và như thế, vấn đề cốt lõi nhất trong những câu chuyện kiểu này là qua mỗi chiếc Camera, con người nhìn thấy những loại "bệnh tật" nào, qua đó tìm ra những phương thuốc chữa trị nào, chứ không phải là việc hùa nhau lại để hoặc là bênh vực hoặc là lên án những chiếc Camera.

Nói cách khác, nếu cứ dồn tâm sức vào việc mổ xẻ kết cấu của Camera mà không chịu phân tích cặn kẽ những loại bệnh tật của sự sống mà từng chiếc Camera phản chiếu lại thì chắc chắn người ta sẽ đi chệch hướng!

Camera ơi, không biết là mày vui hay buồn khi tao nói ra những điều như vậy?

Phan Đăng
Ngày camera, tháng bôn ba, năm thổ tả

.
.
.