Không có gì mà ầm ĩ cả

Thứ nhất quận công…

Thứ Năm, 03/03/2016, 08:12
Có những thói quen ăn sâu đến nỗi đi vào cả văn học dân gian ngoài luồng như câu "Nhất quận công…". Ờ mà thôi. Nhì là gì thì ai cũng biết. Mặc cho bao cuộc vận động đời sống mới với khu vệ sinh nghiêm túc thì không ít người vẫn có cái thú trở lại ngày xưa.

Có lần xe hỏng ở miền Tây, phải vào một tiệm sửa xe Anh Sáu, tôi xin phép sử dụng nhà vệ sinh thì anh Sáu bảo không có. Hỏi rằng khi cần thì anh thể hiện ở nơi nao? Anh bảo đi cầu (đại tiện) cách đây 200m. Chỗ đó có cái hồ nuôi cá. Mỗi lần đại tiện thì đi xe máy thôi. Tiểu tiện thì vào vườn làm đại đi. Hỏi rằng sao Sáu anh không xây toilet sau nhà thì anh Sáu bảo ở miết quen rồi. Phải đi xe máy ra hồ mới khoái. Ở nhà sao ngon?

Các nhà khoa học đánh giá một trong 10 thành tựu lớn nhất thay đổi loài người là phát minh ra hố xí tự hoại. Phải đến thế kỷ thứ XVI, nữ hoàng Elizabeth lần đầu tiên được sử dụng toilet tự hoại thiết kế riêng cho hoàng gia. Trước đó thì ngay cả các tòa lâu đài tráng lệ của châu Âu cũng không tránh khỏi rắc rối về mùi hôi.

Minh họa: Lê Tâm.

Ở xứ ta thì cuộc vận động đời sống mới đã từng được ca ngợi như một sự thay đổi mạnh mẽ. Các nhà vệ sinh được xây với công dụng vừa sạch vừa phục vụ nông nghiệp. Thành tựu này từ khi nào đó đã có trong các câu văn vần dân gian: "Yêu em không lụy bạc vàng/ Yêu bởi nhà nàng hố xí hai ngăn".

Thời mở cửa thì ngay cả nông thôn cũng sử dụng hố xí tự hoại. Một ý tưởng lớn cũng được coi là thay đổi loài người khi các kiến trúc sư toàn thế giới một lòng đưa toilet vào thông với buồng ngủ. Ý tưởng này khiến con người tự do hơn và riêng tư hơn. Ở Mỹ người ta không dùng từ toilet mà dùng từ restroom (phòng thư giãn nghỉ ngơi). Cái này chắc khoái cảm quận công khó bằng được.

Thương thời lạc hậu. Xứ mình ít coi trọng cái nơi thư giãn này nên chỉ gọi nó là công trình phụ. Phụ đến nỗi mà khi các nhà vệ sinh công cộng chẳng ai quan tâm, hỏng hết cửa chẳng ai thay. Thành ra mỗi người ra đó ngồi đều cầm theo cái rổ. Xấu hổ lấy rổ mà che mà. Quý tộc hơn thì cầm theo tờ báo để thay cái rổ và tỏ ra quan tâm tình hình thế giới mỗi ngày. Nhẹ hơn là tiểu tiện thì mọi nơi có tường và gốc cây đều là điểm ưa thích cho trường phái "tiểu đường". Họ hiên ngang đến nỗi có câu "Hôn trộm, đái công khai".

Giờ đây, đô thị hóa đã đưa chúng ta vào thói quen đúng chỗ hơn, nhưng đâu đó vẫn còn những cá nhân quyết bảo tồn nền văn hóa "tiểu đường".

Hồ Thiền Quang là một hồ đẹp, có Nhà văn hóa Thanh niên, nhưng quanh hồ, các "tiểu đường viên" vẫn đứng úp mặt về hồ chân dạng chữ A một cách kiêu bạc. Cách đây vài hôm, một bậc cao niên vừa dạng chân chữ A hướng xuống hồ thì một bé nhi đồng phóng xe đạp đến nhắc nhở. Bậc cao niên nổi giận xua đuổi khiến bé nhi đồng phải lên xe mất dạng. Khi ấy bậc cao niên mới yên tâm làm nốt chỗ dở.

Cách đây vài ngày, cộng đồng mạng xôn xao khi thấy bộ ảnh trên đường phố, một chàng thanh niên ra khỏi ôtô đứng vạch quần tưới dải phân cách một cách bình thản. Anh ta thử độ bền dải phân cách chăng. Cách đây nhiều năm, công nhân rửa đường đã cho biết những cột điện bị tiểu đương nhiều đã bị ăn mòn đến xiêu đổ vì trơ lõi. Như vậy, nền tiểu đường không hề suy giảm mà vẫn được bảo tồn một cách kiên cường. Thực tế chỗ nào có biển cấm đái thì chính là chỗ người ta đái. Một số "tiểu đường viên" cho rằng thành phố không đủ nhà vệ sinh công cộng thì chớ trách họ buộc phải thân chinh lộ diện. Lý sự đủ đầy. Lỗi chẳng bao giờ do bản thân mà chỉ do khách quan. Ai cũng thẹn, chỉ một người không thẹn.

Còn bạn, bạn muốn làm người văn minh hay là cổ nhân trước thế kỷ thứ XVI?

Lê Tâm
.
.
.