Thử thách dọn rác và "kỳ tích" của những "Trashpackers"

Thứ Sáu, 22/03/2019, 13:46
Trashpackers - (những người nhặt rác), vốn dĩ là từ chỉ những người nhặt rác thông thường, nhưng trong thời gian gần đây, những Trashpackers còn được biết qua thử thách nhặt rác với những thông điệp đẹp được gửi gắm qua thử thách đó. Thử thách này được thể hiện và truyền tải qua hai bức ảnh được chụp tại một bãi rác để cho thấy việc dọn rác sạch sẽ đem lại lợi ích thế nào, không chỉ là cảnh quan mà còn là môi trường sống…


Thử thách dọn rác

Trashpackers, vốn là tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu hoạt động theo nguyên tắc truyền cảm hứng và nhân rộng theo cấp số với một mục đích "Để lại những dấu chân đẹp". 

Cách đây không lâu, nhiều người đã phải ngạc nhiên trước những người nước ngoài tham gia dọn rác tại Việt Nam. Có thể họ là những Trashpackers và cũng có thể họ chỉ là những người yêu môi trường nhưng hành động của họ đã khiến chính những người Việt Nam phải nhìn lại bản thân mình?

6 tháng trước, thử thách dọn rác được chị Giang Thị Kim Yến (36 tuổi) - người đại điện cho Trashpackers tại Việt Nam tuyên truyền và nhân rộng bằng việc chia sẻ những hình ảnh đáng kinh ngạc của những địa điểm từng là bãi rác, hôi thối khủng khiếp chẳng ai muốn lại gần, nhưng nhờ những Trashpackers nó lại biến thành một khu đất, một bãi biển sạch sẽ, thơ mộng. Thậm chí có những nơi, sau khi được dọn sạch rác, người dân sinh sống còn không thể nhận ra được nó từng là một bãi rác bẩn thỉu ra sao.

Hình ảnh bãi rác tại bãi biển Vĩnh Lương được dọn dẹp truyền cảm hứng cho nhiều người.

Chia sẻ với báo chị, chị Yến cho biết: "Rác thải làm mình thấy khó chịu, đến những nơi đẹp nhưng toàn rác, mình phải bắt tay vào dọn. Dù đi nhiều nơi nhưng không phải chỗ nào cũng có thể chụp ảnh được vì địa hình nguy hiểm, ví dụ Đà Lạt, Phan Thiết...".

Được biết, hoạt động nhặt rác ở bãi biển Vĩnh Lương, Nha Trang từ ngày 14 đến 20-2 là sự kiện lớn nhất từ trước đến nay mà chị Yến cùng nhóm của mình thực hiện. Để có được số lượng tình nguyện viên đông đảo từ học sinh, sinh viên, công chức nhà nước đến khách du lịch, chị Yến cùng bạn bè phải đi từng trường học, công sở và các khách sạn để vận động. Sau khi làm sạch môi trường, họ được ủy ban xã hỗ trợ chi phí cào rác và chở rác đúng nơi quy định.

"Mình có sở thích chụp ảnh trước và sau khi dọn rác từ rất lâu, nhưng không nghĩ một ngày nó trở thành một trào lưu toàn cầu như vậy. Nhiều người nói mình khùng điên, vì nhặt xong rồi người ta cũng xả lại thôi. Nhưng dù sao đi nữa thì mình vẫn chiến đấu", chị Yến bày tỏ.

Cho đến nay, phong trào này đã lan tỏa ra đến 27 tỉnh với hơn 1.000 tình nguyện viên, ở mọi độ tuổi. Những bức hình trước-sau của bãi rác được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội trước sự trầm trồ, thán phục của nhiều bạn trẻ.

Cũng theo thông tin từ trang web của các Trashpackers, chương trình Trashpackers year Challenge - năm thử thách của những người nhặt rác, với mục tiêu nhặt được 100.000 túi rác trong năm 2019 đã được mở và bắt đầu đếm ngược từ ngày đầu tiên của năm.

Trước và sau khi con sông đầy rác bên chợ Lộc Ninh được dọn.

Người tham gia sẽ đăng kí một sự kiện tại địa điểm mình đã chọn và sau đó đăng tải thành quả lao động cùng số lượng túi rác đã dọn được lên trên mạng xã hội để tiếp động lực cho những người khác. Mặc dù đặt thử thách đến hết năm 2019, nhưng qua ghi nhận, đến trưa 20/3, số lượng túi rác mà các Trashpackers thu dọn được đã lên tới con số 74.997 túi.

Cùng với hình ảnh trước - sau, những người tham gia thử thách này còn đăng tải câu chuyện của mình tại điểm nhặt rác để kêu gọi thêm các tình nguyện viên trên khắp thế giới tham gia thử thách, để truyền tải thông điệp đẹp rằng hãy tham gia thử thách dọn rác, đừng thử sống chung với rác.

Thay đổi nhận thức

Ngoài phong trào của chị Kim Yến, phong trào dọn rác cũng được biết đến rộng rãi hơn nữa, khi một người dùng Facebook là Byron Roman đăng tải bức ảnh kèm theo tag Trashtag kêu gọi bảo vệ môi trường. Bức ảnh này đã được chia sẻ 329.000 lượt, sau đó nhờ người dùng Facebook trên khắp thế giới. Hình ảnh này đã được rất nhiều bạn trẻ đón nhận một cách đầy vui mừng.

Bởi trước đó, họ đã quá chán nản với những thử thách vô bổ, câu kéo người xem của những người làm video Youtube như "sống chung với lợn trong 24 giờ", "thử thách ngủ ngoài cánh đồng"… Có những người tỏ ra vô cùng thất vọng khi những thử thách vô bổ đó lại được nhiều người theo dõi.

Dường như nhận thức đã được thay đổi ngay sau khi những hình ảnh về "thử thách dọn rác" hay Trashtag được đón nhận. Bằng chứng là ngay sau đó, những khu vực trở thành bãi rác do vứt rác bừa bãi đã được dọn dẹp, người tham gia không giới hạn độ tuổi, từ trẻ em cho đến người lớn tuổi.

Người thực hiện "Thử thách dọn rác" gần đây nhất được ghi nhận là từ anh Hoàng Hoa Thám (SN 1995, sống tại TP Hồ Chí Minh). Thám đã cùng các bạn của mình dọn dẹp sạch sẽ một khúc sông dài 2km bên chợ Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước).

Theo như chia sẻ của Thám, trước khi được dọn dẹp, đây là một khúc sông chứa hàng tấn rác thải do người dân ném xuống, nước bị biến màu, không khí xung quanh bị ô nhiễm. Con sông này ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường sống của người dân nơi đây nên nhóm của Thám đã quyết tâm phải làm sạch con sông này, thực hiện một "thử thách dọn rác", thay đổi nhận thức của người dân.

Các bạn trẻ tham gia dọn rác.

Chia sẻ về hành động của mình và nhóm bạn, Thám cho biết: "Trào lưu này mình biết đến từ hai người chị, họ đã rủ mình đi cùng trong chiến dịch này. Ban đầu mình cũng hơi khó hiểu và cũng không biết trào lưu dọn rác này đến từ đâu. Nhưng khi bỏ công tìm hiểu, mình thấy đây là một trào lưu thực sự có ích, cần phải hành động và chia sẻ rộng ra cộng đồng.

Với sự có ích của thử thách, trong lần đầu thực hiện mình cũng dễ dàng thuyết phục các bạn cùng tham gia, chẳng ai tiếc mà không đồng ý. Khi hình và câu chuyện của bọn mình được chia sẻ trên mạng xã hội, đã có hàng ngàn người lên tiếng ủng hộ. Họ còn sẵn sàng tìm nhóm hoặc lập nhóm mới để tham gia phong trào này".

Tuy nhiên, khi bắt đầu tham gia thử thách, nhóm của Thám cũng nhận được những cái nhìn, nghi ngờ của người dân địa phương. Nhiều người tỏ ra thờ ơ, không hề đáp lại lời kêu gọi xuống giúp đỡ mặc dù hành động này đang đem lại lợi ích cho chính họ.

"Họ nhìn ghê lắm, kiểu như bọn này rảnh quá, nước bẩn thế cũng xuống… Nhưng sau đó lại là một câu chuyện khác", Thám cười, cho biết.

"Kỳ tích", đó là những gì mà Thám đã nói khi chứng kiến sự thay đổi nhận thức của người dân địa phương sau khi dọn rác đến ngày thứ 2. Mọi người đã hiểu được hành động của nhóm bạn trẻ mang lại lợi ích thế nào, tốt đẹp thế nào và nhiều người đã tự giác xuống dọn cùng. Có những người dân còn sẵn sàng gửi tặng tiền, đồ ăn, đồ uống… để hỗ trợ nhóm bạn trẻ và sau đó họ đã tự bảo nhau đừng vứt rác xuống sông nữa.

"Hạnh phúc, đó là những gì bọn mình cảm thấy. Thực sự hành động nhỏ của mình đã lan truyền, thay đổi được ý thức của cộng đồng. Sau đó vài ngày, một người bạn mình sống ở đó đã kể lại, một thanh niên đi xe qua quăng túi rác to xuống sông bị các cô bán cá, bán rau ở đó mắng té tát, bắt lội xuống sông nhặt lên", Thám vui mừng chia sẻ.

Ngoài những người dân, hành động của Thám cùng các bạn cũng thay đổi được nhận thức của chính người thân trong gia đình. Sau khi hình ảnh trước - sau tại khu vực sông bên cạnh chợ Lộc Ninh được đăng tải, anh chị em trong gia đình của Thám cũng không còn những suy nghĩ không tốt về "thử thách dọn rác" này nữa.

"Mình chỉ hy vọng là người dân ở đó sẽ không phụ công sức bọn mình bỏ ra cho lần này. Hy vọng có ý thức hơn nữa, yêu thương môi trường hơn. Sau thử thách này, bọn mình muốn đi khắp các tỉnh, thành Việt Nam để lan rộng hoạt động này. 

Hai người chị đồng đội mình đã đi khá nhiều nơi trên thế giới để dọn rác và ở Việt Nam cũng vậy. Một người trong đó còn là thành viên của Trashpacker Hà Lan

Mình muốn các bạn cùng giúp lan rộng hoạt động vì môi trường này vì thấy tình hình xả rác ở Việt Nam đang trên đà tăng và nghiêm trọng ở mức báo động đỏ. Đi đâu cũng thấy rác, nhà nhà xả rác, người người quăng rác. 

Kể cả có thùng rác ở đó cũng không bỏ vào. Có người còn ăn cắp cả thùng rác công cộng mang về nhà. Về ý thức người dân bây giờ không chỉ thay đổi ngày một, ngày hai được mà phải từ từ qua thời gian. Nhưng phải thay đổi, tuyên truyền cho họ bằng cách hành động chứ không phải là trên giấy, qua từng dòng chữ nữa", Thám chia sẻ.

Và cũng như bao bạn trẻ, Trashpackers khác trên toàn thế giới, hy vọng ý thức bảo vệ môi trường sống từ những "thử thách dọn rác" này sẽ được kéo dài và từ đó thay đổi dần ý thức của con người trong việc xả rác đúng nơi, đúng chỗ.

Tuấn Anh
.
.
.