Thuế tự nguyện cơ chế ưu việt của người Hy Lạp cổ

Thứ Sáu, 30/06/2017, 11:04
Người Hy Lạp xây dựng hệ thống thuế dựa trên danh dự và đạo đức. Cách họ đánh thuế không phải là điều chúng ta cần học hỏi, mà chính là cách họ không đánh thuế: Họ không có thuế thu nhập; thuế cũng không phải là phương thức để người giàu chia sẻ với người nghèo trong xã hội. Thay vào đó, việc đóng thuế dựa trên tinh thần tự nguyện: phụng vụ.


Ngày nay, thỉnh thoảng chúng ta lại nghe tin tỷ phú này né thuế, tỷ phú nọ trốn thuế; hay đại công ty này dùng ma trận trốn thuế, đại công ty kia lập đường dây né thuế...

Nhưng những điều nghe mãi thành nhàm này của người hiện đại hoàn toàn không tồn tại trong xã hội Hy Lạp cổ đại, vì hệ thống thuế của họ hoàn toàn tự nguyện, chỉ ràng buộc bằng đạo đức và danh dự. Họ đã làm điều đó như thế nào?

Giàu có là cho đi

Người Hy Lạp xây dựng hệ thống thuế dựa trên danh dự và đạo đức. Cách họ đánh thuế không phải là điều chúng ta cần học hỏi, mà chính là cách họ không đánh thuế: Họ không có thuế thu nhập; thuế cũng không phải là phương thức để người giàu chia sẻ với người nghèo trong xã hội. Thay vào đó, việc đóng thuế dựa trên tinh thần tự nguyện: phụng vụ.

Từ “phụng vụ” (liturgy) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ đại “leitourgia” - có nghĩa là “dịch vụ công” hoặc “công việc của mọi người”. Ý tưởng hành thiện giúp người đã ăn sâu trong tâm khảm người Hy Lạp cổ, và điều này được thể hiện rất rõ trong các câu chuyện thần thoại. Thần Titan Prometheus tạo ra loài người và là ân nhân vĩ đại nhất, mang lại cho họ lửa được ông lấy cắp từ núi Olympus. Nữ thần Athena đã cho người dân nơi đây cây ô-liu, biểu tượng của hòa bình và thịnh vượng. Vì thế, thành phố Athens được đặt theo tên của bà.

Triết gia Aristotle.

Triết gia Aristotle đã phát triển định nghĩa về “người tuyệt vời” trong cộng đồng. Trong cuốn “Nghệ thuật hùng biện”, ông cho rằng sự giàu có đích thực chính là làm điều tốt: thông qua việc cho đi tiền bạc và của cải, giúp đỡ người khác tồn tại. 

Bác sĩ Hippocrates, ông tổ của ngành Y, cũng là người tin tưởng điều này. Ông khuyên các bác sĩ: “Đôi khi hãy phục vụ không cần vụ lợi, hãy làm vì cứu giúp người để làm tròn trách nhiệm của mình. Và nếu phải chữa chạy cho một người xa lạ đang túng quẫn, cũng hãy phục vụ họ hết mình”.

Khi địa phương cần cải tiến một số cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như một cây cầu mới; khi chiến tranh xảy ra và quân đội cần thêm tài chính; khi cần mở một lễ hội nào đó... người ta sẽ kêu gọi người giàu ủng hộ. Họ không chỉ được kêu gọi hỗ trợ tài chính, mà còn giám sát việc thực hiện, đó được xem là trách nhiệm của họ.

Phụng vụ là vinh dự

Lý do là người giàu nên gánh vác các chi tiêu của địa phương, vì họ dư dả hơn cộng đồng. Bất kỳ đóng góp nào cũng đều dựa trên truyền thống và tình nghĩa cộng đồng, chứ không phải vì luật định hay ép buộc. Nếu động cơ của người phụng vụ là lòng nhân từ và vì trách nhiệm với cộng đồng thì điều này thật đáng ghi nhận, và phần thưởng cho họ chính là danh dự và uy tín. Và nếu công việc được thực hiện tốt, uy tín của họ trong giới thượng lưu cũng như trong xã hội ngày một tăng lên. Điều này sẽ là tấm gương sáng cho những người giàu có tự thấy mình có trách nhiệm với xã hội và sẽ tự nguyện đóng thuế mà không chịu bất cứ tác động luật định nào.

Ðền Parthenon, một công trình xây dựng bằng hệ thống thuế tự nguyện.

Trong xã hội Hy Lạp cổ đại thời kỳ đầu, chỉ có các chiến binh mới có thể trở thành “anh hùng”, sau này những “người phụng vụ” cũng có được vị thế anh hùng bằng việc tham gia các hoạt động phúc lợi xã hội. Kết quả đạt được hơn cả sự mong đợi. Số người trở thành “anh hùng” đã nhiều gấp 3-4 lần.

Đại hội thể thao Panathenaic Games cũng như Festival nhạc kịch Dionysia đều được những người giàu có tài trợ và quyên góp cho thành phố. Việc tài trợ, lựa chọn và đào tạo các đội tham gia thi đấu ở các môn thể thao, nhạc kịch và âm nhạc tại các lễ hội tôn giáo ở Athens được gọi là ‘choregy’, và những người chủ trì được gọi là ‘choregos’.

Các choregos có thể do chính quyền đề xuất hoặc tự ứng cử. Để trở thành choregos là một vinh dự lớn lao, nên đa phần họ đều cống hiến nhiều hơn mức yêu cầu tối thiểu. Choregos cùng được sự tôn vinh và giải thưởng mà các thí sinh của họ giành được. Thậm chí, họ còn được dựng tượng để ghi nhớ công lao, và nhiều tượng choregos vẫn còn tồn tại tới ngày nay.

Nhiều tòa nhà của Hy Lạp cổ đại cũng được những nhà hảo tâm xây dựng để lấy tiếng thơm. Công trình Stoa Poikile ở Athens là ví dụ cụ thể nhất. Nhiều công trình ở Acropolis, ngay cả đền thờ nổi tiếng Parthenon, cũng được nhà tài trợ xây dựng.

Việc phụng vụ quan trọng, danh giá nhất, và cũng tốn kém nhất, là tài trợ cho hải quân, được gọi là “trierarchy”, và nhà tài trợ là “trierarch”. Trierarch phải đóng cả một chiếc tàu chiến (trireme) và giữ gìn, duy trì hoạt động của nó. Những chiếc trireme giúp Hải quân Athena trở nên mạnh mẽ, đủ sức dẹp sạch cướp biển. Vì Athens là một trung tâm thương mại (thực tế, thuế đánh vào thương mại là nguồn thu khác của chính phủ), vai trò của trireme rất cần thiết. Trong nhiều trường hợp, các trierarch cũng chỉ huy tàu, trừ phi họ thuê chuyên gia để làm việc này thay mình

Vẫn có điểm yếu

Có khoảng 300-1.200 người làm công tác phụng vụ ở Athens, và những người này liên tục thay đổi. Hầu hết những nhà hoạt động phụng vụ đều tình nguyện, dù cũng có một số do nhà nước giao phó. Họ cũng được chia thành những phụng vụ cấp cao và cấp thấp, tùy theo sự giàu có của họ.

Không nghi ngờ gì về việc hệ thống đã bị khai thác vì lợi ích cá nhân, đặc biệt cho mục đích chính trị. Một trong những cách mà nhà chính trị trẻ Pericles đã tạo dấu ấn của mình trước khi trở thành Đại tướng của Athens là tài trợ cho vở “Người Ba Tư” của Aeschylus tại lễ hội Greater Dionysia, để chứng tỏ sự hào hiệp của mình. Đối thủ chính trị chính của ông, Cimon, cũng đã phân phát mạnh tay tài sản kếch xù của mình để đổi lại sự yêu mến của công chúng.

Ông tổ ngành Y Hippocrates.

Các nhà phụng vụ không muốn tham gia sẽ phải hứng chịu sự miệt thị của công chúng. Nhưng những người đã từng phụng vụ hoặc đã có những đóng góp cho thành phố thì được miễn trừ. 

Một nhà phụng vụ cũng có thể từ chối trách nhiệm bằng việc chỉ ra ai đó giàu có hơn mình, xứng đáng đảm đương gánh nặng tài chính của công tác phụng vụ đó hơn. Người bị so sánh đó sẽ có 3 sự lựa chọn: Chấp nhận phụng vụ; ra tòa để bồi thẩm đoàn xác định ai giàu có hơn; hoặc trao đổi tài sản. Đó là một hệ thống khá hiệu quả trong việc xác định một người thực sự giàu có đến đâu, không chỉ tin vào tuyên bố của anh ta trước đó.

Nhưng đó là hệ thống tốt đẹp

Vẻ đẹp của hệ thống phụng vụ là các công trình công cộng có xu hướng được tài trợ và quản lý bởi những người có chuyên môn và chuyên tâm, chứ không phải bởi các cán bộ nhà nước có trách nhiệm thấp hơn. Lợi ích là cả chuyên môn và sự giàu có cá nhân đều được chia sẻ thông qua cộng đồng, không liên quan đến chính phủ hay nhà nước. Hệ thống vận hành tốt vì người ta xem trọng danh dự và đạo đức.

Trong thời đại của những người siêu giàu ngày nay, có lẽ đã đến lúc khôi phục hệ thống phụng vụ. Nó vận hành tốt với người Athens cổ và có lẽ cũng hiệu quả trong thời đại của chúng ta.

Khoa Nguyễn
.
.
.