Thương con hay hại con?

Thứ Sáu, 19/02/2016, 10:00
Xã hội phát triển, đời sống nâng cao, mỗi gia đình chỉ có một đến hai con nên càng có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc hơn. Cha mẹ nào cũng yêu chiều con, đó là lẽ đương nhiên.

Nhưng yêu chiều con và mong con khôn lớn, trưởng thành, vững vàng trước những cám dỗ của đời sống lại là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Chính vì lẽ đó, vấn đề "sống hộ con" lại nóng lên trên các diễn đàn mạng những ngày gần đây.

Tôi muốn kể cho các bạn hai câu chuyện nhỏ với mong muốn các bạn sẽ tự rút ra những điều bổ ích cho mình.

Chuyện thứ nhất. Dì ruột tôi ngoài 40 tuổi mới xây dựng gia đình. Không phải dì không có nhan sắc hay sự duyên dáng mà nói theo các cụ là duyên chưa tới. Chồng dì khi đó cũng xấp xỉ ngũ tuần. Hai năm sau, họ sinh được thằng S. Không cần nói các bạn cũng biết vợ chồng dì nuông chiều nó tới mức nào.

Minh họa của Lê Tiến Vượng

Nó chưa đói, dì đã đói hộ nó. Nó chưa rét, dì đã sửa soạn quần áo, chăn đệm cho nó. Nó chỉ hắt hơi sổ mũi là dì đã quýnh quáng, mặt mày tái mét như thể trời sắp sập. Tóm lại, vợ chồng dì luôn coi nó như một ông tướng trong nhà, chỉ cần nó yêu cầu thứ gì là đáp ứng ngay tức khắc.

Khi nó đi học, một bà bác (chị ruột chồng dì) có nhiệm vụ đưa đón nó, nghĩa là sau khi dắt tay nó vào tận lớp, bà sẽ ra một quán trước cổng trường chờ nó tan học để đón về. Khi về nhà, dì không cho nó ra ngoài chơi với bạn bè trong khu tập thể, sợ nó lây nhiễm thói hư tật xấu hay những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Nó cứ ngồi chồm hỗm trên giường xem sách, chán thì xem tivi, không thích tivi thì chơi game.

Khi nó học lớp 8 thì bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Nó không nói chuyện với bất cứ ai, thường xuyên chui vào bóng tối lẩm bẩm điều gì đó. Đêm tối, lúc mọi người đi ngủ thì nó chạy huỳnh huỵch trong nhà rồi hét toáng lên. Tất nhiên nó không thể đến lớp được nữa mà thay vào đó là nằm điều trị tại Khoa thần kinh.

Nằm viện một thời gian, thấy bệnh có vẻ đỡ nên được về nhà. Một hai tháng sau, bệnh tình lại đâu vào đấy. Rất nhiều người đã khuyên can dì không nên bao bọc nó, hãy coi nó như một thanh niên trưởng thành nhưng trong thâm tâm, lúc nào dì cũng nghĩ nó còn bé bỏng, cần che chở, bao bọc và lo sợ nếu dì chỉ không để mắt tới là tai họa sẽ ập xuống đầu nó.

Thế rồi, khi thằng S 23 tuổi, bệnh càng nặng hơn. Có lần nó đóng đinh vào trán, lần khác cho tay vào ổ cắm điện, lại có lần đạp nồi canh đang nấu trên bếp… Dì vẫn thế, vẫn nghĩ nó là đứa trẻ dù nó đã gần 30 tuổi và không hề có ý định cho nó đi làm để cải thiện tinh thần cho nó.

Còn đây là câu chuyện thứ hai. Cách đây không lâu, vợ tôi có dịp sang thăm gia đình người em sống ở một thành phố cổ Dresden thuộc Đông Đức cũ. Cô em có 2 con nhỏ, 8 tuổi và 6 tuổi. Vợ tôi kể, mỗi sáng thức dậy, hai đứa tự làm vệ sinh cá nhân, soạn sách vở tới trường, ăn sáng, thay quần áo đồng phục. Cha mẹ chúng chỉ có mỗi việc là đưa chúng ra bến xe rồi chúng tự đến trường.

Bữa tối, chúng ngồi vào bàn ngay ngắn, ăn rất nhanh rồi giúp mẹ dọn nhà, bát đĩa. Chúng kể chuyện ở trường lớp một cách vắn tắt và nếu bố mẹ có hỏi thì chúng cũng trả lời rất nhanh gọn. Cuối tuần đi chơi hay siêu thị, chúng không được phép  đòi mua nhiều đồ chơi mà bố mẹ chúng thấy cần thiết mới mua. Tối tối, chúng vào phòng đóng cửa học bài. Cha mẹ muốn vào phải gõ cửa, chúng ra mở mới được vào…

Chiều chuộng con cái, quan tâm chăm sóc chúng từ những điều nhỏ nhặt, vô hình trung cha mẹ đã tước đi những quyền tự do tối thiểu của trẻ, biến chúng thành những đứa trẻ thụ động và không có ý thức phải quan tâm đến người khác.

Mặt khác, không ít những đứa trẻ trở thành người ích kỷ, vô cảm, thiếu kỹ năng giao tiếp và hòa nhập. Những thói quen này được lặp lại nhiều lần sẽ thành tính cách khi trưởng thành. Thật buồn khi chính cha mẹ chúng đã biến chúng thành những con người như vậy.

Điều cuối cùng tôi muốn nói, đó là việc cha mẹ hãy để các con mình phát triển một cách bình thường trong những điều kiện tối thiểu. Chỉ có vậy, trẻ mới biết quý trọng những giá trị mà chúng chưa làm ra và quan trọng hơn, chúng sẽ nuôi dưỡng những ước mơ cho riêng mình. Sự bao bọc thái quá của cha mẹ đôi khi đã làm triệt tiêu những ước mơ của trẻ. Thật bi kịch cho những ai không biết ấp ủ những ước mơ trong đời, phải không các bạn?

Tuấn Nguyễn
.
.
.