Thương hiệu du lịch quốc gia của ta là gì?

Thứ Sáu, 25/03/2016, 10:30
Thử làm một trắc nghiệm nhỏ. Có 10 người được công ty thưởng một khoản tiền tương đương một tháng lương rồi cho họ 3 sự lựa chọn: Đưa gia đình đi mua sắm; Cả nhà làm một tour du lịch cuối tuần và cất vào két dự phòng sau này có việc phải dùng. Tất nhiên, tùy điều kiện mỗi gia đình sẽ có quyết định phù hợp, nhưng tôi tin, nhiều người sẽ chọn phương án 2.


Cũng phải thôi. Xã hội phát triển, nhu cầu của con người ngày càng được nâng cao và miếng ăn, cái mặc giờ không còn là nỗi lo thường trực mỗi ngày. Thoát ra khỏi mớ lùng bùng của cuộc sống thường ngày là cách tốt nhất để người ta tạm gác những lo toan, áp lực, căng thẳng và tái tạo năng lượng mới cho hành trình tiếp theo.

Người có điều kiện thì ra nước ngoài, người ít điều kiện hơn thì đi tour trong nước. Không ít người lười biếng ra khỏi nhà vào những ngày nghỉ thường biện hộ rằng: Có chỗ nào mà đi, rằng có đi mới biết còn thua… "đồ nhà".

Minh họa của Lê Tâm.

Xin thưa quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Cách đây không lâu, một tổ chức uy tín trên thế giới có tên là Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) đã không ngần ngại xếp Việt Nam hạng 16 trong số 184 quốc gia có tiềm năng lâu dài trong phát triển du lịch.

Muốn lên rừng hay xuống biển, thích vào khu du lịch hiện đại hay hoang sơ, muốn tham gia tour du lịch tâm linh hay sinh thái…, các công ty lữ hành sẽ đáp ứng đầy đủ cho bạn,  thậm chí còn đến tận nhà tư vấn, thiết kế tour theo yêu cầu của du khách.

Song, bên cạnh những ưu điểm đó, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế, rằng du lịch của ta phát triển vẫn ì ạch, chưa chuyên nghiệp. Những số liệu thống kê mấy năm qua cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm dần. Vậy đâu là nguyên nhân?

Và đây là 7 nguyên nhân chính mà nhiều vị khách nước ngoài nêu ra trên một trang báo mạng: Thủ tục cấp visa chậm và phức tạp; Bất cập về thời gian thị thực; Phí, vé tại các điểm du lịch tăng; Cơ sở phục vụ du lịch không phát triển; Thái độ phục vụ kém; Chênh lệch trong giá cả giữa khách nội địa và khách quốc tế; Bản sắc văn hóa đang bị mai một.

Tất nhiên, trong 7 nguyên nhân trên, có nguyên nhân chúng ta sẽ cải thiện trong thời gian sớm nhất, song có nguyên nhân cần phải một quá trình lâu dài để chúng ta thay đổi nhận thức và Nhà nước đề ra những chiến lược dài hơi cho du lịch quốc gia.

TS Mathew Shafaghi - Đại học Bolton (Anh) là người rất hiểu và quá yêu mến mảnh đất hình chữ S này đã có những dòng thật tâm huyết:

“… Trên thực tế, rất khó để du khách nước ngoài có được những thông tin chi tiết về du lịch cũng như những nơi có thắng cảnh đẹp trên mạng internet, thông tin rất nghèo nàn không như Malaysia, Singpapore hay các nước mà tôi đã từng tới.

Thực tế những nơi đó không có gì ngoài các khu trung tâm mua sắm lớn, cũng không có nhiều danh lam thắng cảnh như Việt Nam, dịch vụ hay món ăn cũng không quá đặc biệt nhưng họ rất biết cách quảng bá trên khắp các phương tiện truyền thông quốc tế.

Đa số, lúc đầu du khách tự tìm đến Việt Nam như một thử thách hơn là đi du lịch hưởng thụ, nhưng sau đó họ đều nói rằng họ sẽ quay lại đây cùng gia đình một hay nhiều lần… Điều này chứng tỏ Việt Nam rất đẹp và có sức hút du khách.

Nếu hỏi tôi muốn thay đổi một điều gì đó để cải thiện du lịch Việt Nam, tôi nghĩ đó là cơ sở hạ tầng. Nạn kẹt xe hàng ngày khiến nhiều người cảm thấy đi lại bất tiện, mỗi ngày tôi phải mất đến 45 phút để di chuyển từ quận 7 về trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh dù quãng đường chỉ 7km”.

Còn đây là ý kiến của bà Donna Smith (Mỹ) sau một thời gian sống ở Việt Nam: “Người Việt Nam chưa có ý thức về việc tạo nên uy tín cho thương hiệu du lịch quốc gia. Một khi chất lượng và uy tín được khẳng định thì sẽ có sức lan tỏa trên thế giới. Khi nhắc tới công nghệ ta sẽ nghĩ tới Nhật Bản, nhắc tới giáo dục ta nghĩ tới Mỹ, nhắc tới ẩm thực ta nghĩ tới Trung Quốc...

Những thương hiệu quốc gia đó được mọi người nhớ tới bởi chất lượng của họ đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa. Việt Nam cũng nên lấy đó làm bài học cho mình”.

Một mùa hè đỏ lửa sắp đến gần. Các công ty du lịch đã mời chào nhiều tour hấp dẫn từ bây giờ, nhất là tour cho đợt nghỉ dài ngày 30-4 và 1-5 sắp tới. Còn bạn và gia đình đã chọn tour nào cho riêng mình?

Tuấn Nguyễn
.
.
.