Thương lắm nghề cào nghêu

Thứ Hai, 27/07/2015, 08:30
Bên cạnh những con đường, những dãy phố sầm uất, dưới chân những chiếc cầu bê tông, cầu dây võng hiện đại và đẹp đến mê hồn ở Đà Nẵng là những khúc sông, mặt Vịnh suốt bốn mùa lao xao sóng nước. Ở đó, mỗi ngày có đến hàng trăm con người đủ mọi lứa tuổi, từ sáng tinh mơ cho đến xế chiều bất luận nắng mưa, họ cần mẫn ngâm mình dưới dòng nước đục để mò nghêu kiếm sống, bất chấp mọi hiểm nguy đang chực chờ họ từ thế giới của thủy thần…
Cuối tuần vừa rồi, tôi nhận làm hướng dẫn cho mấy anh bạn đồng nghiệp ở Truyền hình Việt Nam thực hiện những cảnh quay cuối cùng cho một phim tài liệu về Vịnh Tiên Sa. Ở đây, những đồng nghiệp của tôi làm những việc họ cần phải làm, còn tôi sau khi hoàn tất nhiệm vụ hướng dẫn của mình thì được tự do loanh quanh cùng miền chân sóng. Chỉ cách chiếc cầu dây võng Thuận Phước độ vài mươi bước chân, trong cái nắng oi ả, tôi đã gặp và trò chuyện với những người ngày ngày vẫn thường đến đây, ngâm mình trong dòng nước để mò nghêu kiếm sống.

Vợ chồng chị Lê Thị Bảy, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng là một trong số những người có thâm niên làm nghề mò nghêu ở vùng đất này. Chị Bảy cho biết: Vào mùa nghêu nhiều, mỗi ngày hai vợ chồng chị chăm chỉ mò cũng được gần chục ký lô, mỗi ký nghêu thời giá hiện tại là gần 30.000 đồng (vùng Vịnh Đà Nẵng chủ yếu là nghêu non, bắt bán cho chủ bãi nghêu làm giống-NV). Những thời điểm khan hiếm nghêu non thì mỗi ngày chỉ mò bắt được đôi ba ký là nhiều.

- Ở đây có nhiều người đi mò nghêu non như anh chị không? Tôi hỏi.

- Nhiều chị Bảy đáp. Từ vùng cầu Thuận Phước này kéo dài cho đến Xuân Thiều, mỗi ngày bình quân cũng có đến cả trăm người làm nghề mò nghêu. Già, trẻ, lớn, bé đều có cả. Nói chung là những người nghèo, không có nghề nghiệp ổn định, nên phải chọn nghề này để làm kế mưu sinh…

Thấy tôi đứng nói chuyện với chị Bảy, nhiều đứa trẻ độ mười ba, mười bốn tuổi, mỗi đứa trên tay cầm một cái bao cũng hiếu kỳ chạy lại. Tôi quay sang hỏi: Các cháu cũng đi mò nghêu à? Tất cả đồng thanh trả lời: Dạ… 

Công việc nặng nhọc mỗi ngày.

Chị Bảy chỉ cho tôi từng đứa, rồi giới thiệu về gia cảnh của chúng cho tôi nghe. Nhìn những mái tóc đỏ hoe, những làn da sạm nắng của những đứa trẻ ngày ngày phải dành ttuổi thơ của mình để mò nghêu non mang bán kiếm tiền giúp gia đình chi tiêu trong cuộc sống, tự dưng tôi thấy chạnh lòng cho cái tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi chơi, tuổi học, tuổi được nâng niu chiều chuộng mà các em phải sớm dấn thân vào guồng quay kiếm sống đầy rủi may, nắng nôi cay nghiệt này…

Thấy vợ vẫy tay, chồng chị Bảy xốc lại bao nghêu non đã bắt được rồi rẽ nước lên bờ.

- Được nhiều không anh? Tôi hỏi.

Mùa này ít lắm, với lại nghêu bị chết cũng nhiều nên thấy vậy chứ đến lúc lựa lại chẳng được là bao. Vừa trả lời tôi, chồng chị Bảy vừa đưa bàn tay sũng ướt run run đón lấy điếu thuốc lá tôi mời. Tôi bật lửa cho anh châm thuốc hút. Rít một hơi thật sâu, rồi anh hướng đôi mắt mệt mỏi về phía Vịnh Đà Nẵng mênh mông sóng nước mà buồn buồn kể chuyện: Ngày trước, vợ chồng mình cũng là cán bộ công nhân viên, khi đất nước chuyển sang một thời kỳ mới với nhiều yêu cầu, đổi thay về năng lực, trình độ.

Vả lại công ty lúc đó làm ăn cũng thua lỗ kéo dài nên dần dà rồi cũng giải thể luôn, cơ quan không còn, chế độ cũng được chẳng bao nhiêu, việc làm không kiếm được nên cả gia đình mình lâm vào cảnh long đong, lận đận… cái nghề mò bắt con nghêu này cũng đến với gia đình như một tình cờ của số phận thôi.

Lúc đầu, do gia cảnh túng bấn, mình đi mò bắt nghêu về để cải thiện thêm cho các cháu trong bữa ăn. Vào vụ nghêu sinh sản nhiều, bắt về gia đình ăn không hết, mẹ chúng nó mới mang ra chợ bán cho đỡ tiếc. Thấy cũng có đồng ra, đồng vào, vậy là vợ chồng bắt tay với nghề này từ đó cho đến nay…

Ngược dòng sông Hàn một đoạn không xa, ngay khu vực dưới chân cầu Tuyên Sơn, cầu Hòa Xuân, cầu Nguyễn Tri Phương… cũng là những địa chỉ kiếm cơm của hàng trăm người dân đang cư ngụ tại quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn của TP Đà Nẵng. Cứ sáng sáng, những người dân trong khu vực này lại lục tục đạp xe, kéo nhau nhằm hướng bờ sông mà tiến. Dụng cụ hành nghề của họ cũng vô cùng đơn giản, chỉ có cái thau, cái rổ, một cái cào tay, một cái bồ hụp làm bằng thanh tre có miếng tôn mỏng uốn hình chữ U. Đến bờ sông, mỗi người chia nhau một hướng, trầm mình xuống dòng sông quê hương để kiếm tìm sự sống hằng ngày.

Những người có thâm niên mò bắt nghêu ở đây cho biết: Ngày trước, vùng này rất nhiều nghêu, mỗi ngày siêng năng có người mò bắt được cả tạ, giá cả cũng được, nên có nhiều gia đình nhờ nghề bắt nghêu này mà có cái ăn, cái mặc, có tiền để mua sắm đồ đạc, lo cho con cái học hành… bây chừ giá nghêu cao, nhưng đổi lại thì nhiều người đi bắt nên thu hoạch tính bình quân đầu người là không nhiều. Nói chung là một ngày làm chỉ đủ chi tiêu trong gia đình ở mức tiết kiệm…

Anh Nguyễn Văn Hùng, một trong số những người làm nghề bắt nghêu lâu năm ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn kể với tôi rằng: Cực chẳng đã! Chẳng biết làm chi mới chọn nghề này kiếm sống. Anh thấy đó, giữa một biển nước mênh mông như thế, có ai biết điều gì đang chực chờ để giáng xuống số phận của mình đâu.

Nhiều người ở đây, trong lúc mò nghêu đã dẫm phải dây thép gai, mảnh chai, cọc nhọn… mùa nắng thì nước nóng như nung, mùa mưa gió, có ngày con nước lên cao, dòng chảy mạnh nó lùa cả thân người mình đi ra xa trong tình cảnh chới với…

Thanh niên trai tráng như tụi em còn đỡ, chứ như cô Ba, cô Chín đang mò ở đằng kia đó, đã trên bảy mươi tuổi đầu rồi mà ngày nào cũng phải ngâm mình trong nước lạnh, dưới nắng nóng đến vài giờ đồng hồ. Có người khi đưa thân mình lên khỏi mặt sông là toàn thân tê cứng, bước đi xiêu vẹo, thậm chí là ngất lịm đi vì đói và mệt…

- Sao không chọn việc khác để làm? Tôi hỏi.

Chị Mai Thị Mỹ ở tổ 3, phường Khuê Mỹ nói rằng: Biết là nguy hiểm, biết là làm nghề này sức khỏe mình sa sút rất nhanh, nhưng không có vốn liếng trong tay thì biết làm gì bây giờ? chỉ có nghề mò bắt nghêu này là không cần có vốn, ngày nào bắt được nhiều thì được nhiều tiền, ngày nào bắt được ít thì ít tiền, những lúc đau yếu nằm bẹp dúm ở nhà thì thôi… Khổ lắm, nhưng không làm thì biết lấy gì để sống, trong khi gia đình lại có đến năm, sáu miệng ăn…

Nhiều người phải kiếm sống bằng nghề cào nghêu.

Ông Nguyễn Đức Tùng, một người có thâm niên nhiều năm làm cán bộ tổ dân phố ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho biết: Nghề cào nghêu này xuất hiện cũng đã lâu, trên địa bàn của ông cũng có một số người theo nghề này để kiếm sống. Nhìn chung, những người làm nghề này đều có gia cảnh hàn vi.

Cuộc sống khá bấp bênh vì thu nhập không đều. Một số người họ chỉ đi cào nghêu khi điều kiện thời tiết thuận lợi, còn những lúc khác thì họ lại mưu sinh bằng những nghề khác như chăm trẻ tại gia, nuôi người sinh nở, dọn dẹp nhà ở cho người khác hoặc gánh cá thuê chợ cá Thọ Quang…

Con cái họ đa số là rất nheo nhóc, không mấy chú tâm đến chuyện học hành, vì thế nhiều gia đình con cái chỉ học hết cấp 1, cấp 2 là đã nghỉ học để đi lao động kiếm sống. Có những trường hợp, con cái đã nối gót cha mẹ để theo nghề cào nghêu kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình nhỏ của mình…

Tôi đem chuyện những người phụ nữ già có, trẻ có ngày ngày phải ngâm mình trong nước để mò bắt nghêu non cũng như nghêu thương phẩm bán cho những người có nhu cầu để kiếm tiền sinh sống kể với một người bạn là bác sỹ đang công tác ở Khoa sản Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng. Như đặt vấn đề đúng chỗ, bạn tôi buồn buồn nói rằng: Đó là những người khốn khổ nhất đấy ông ạ! Đàn ông làm nghề này còn đỡ, chứ chị em phụ nữ, bất kể trẻ hay già làm nghề này đều mắc bệnh phụ khoa hết.

Có người khi đau quá mới tìm đến bệnh viện, đến lúc đó mới hay là bệnh đã quá trầm trọng... Phải nói rằng, họ là những người quá nghèo, vì thế hằng ngày, việc họ quan tâm nhất là tìm kiếm cái ăn, cái mặc, chứ thì giờ đâu để họ nghĩ đến chuyện bệnh tật, chuyện phải đi khám bác sĩ để xin lời khuyên chữa trị…

Theo số liệu thống kê (có lẽ là chưa đầy đủ) của ngành Y tế Đà Nẵng thì tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa do phải lao động trong môi trường ô nhiễm là rất đáng quan ngại. Vì vậy, ngành cũng đã chủ động giao trách nhiệm cho các tuyến y tế ở địa phương thường xuyên có kế hoạch rà soát và vận động chị em thực hiện việc thăm khám và chữa bệnh một cách thường xuyên hơn. Từ đó, có điều kiện để xử lý, chữa trị những mầm bệnh khi chưa quá mức trầm trọng. Tuy nhiên, thực tế không phải điều gì chúng ta muốn là được mà sự nghèo khó vẫn là một rào cản lớn để mối liên hệ giữa người dân với cơ sở y tế còn nhiều khoảng cách…

Chiều nay, trước lúc hoàn tất bài viết này để gửi đến tòa soạn báo, tôi cùng với con trai của mình lại dong xe một vòng đi qua những nơi tôi đã đến, đã gặp gỡ những con người lam lũ, ngày ngày phó thác phận mình cùng sông nước… Từ trên cầu Thuận Phước, hay cầu Tuyên Sơn, tôi vẫn thấy và chỉ cho con trai tôi nhìn thấy những chấm nhỏ li ti trên mặt sóng đang miệt mài lặn ngụp để kiếm tìm sự sống… Nắng vẫn đang gay gắt như thiêu đốt da người, gió thổi mạnh vào bờ từ phía khơi xa, chốc chốc lại nhấn chìm một chấm nhỏ li ti khuất mờ trong làn nước… 

Phan Bùi Bảo Thy
.
.
.