Thương lắm răng đen

Thứ Tư, 05/03/2014, 11:18

Nội tôi sống thọ, cho đến cuối đời, hàm răng đen của nội vẫn chắc chắn, bóng và đều đặn, nét cười vẫn đôn hậu, hiền lành. Nội cũng là người cuối cùng trong làng còn để răng đen, bởi nghe đâu, thời đổi mới, theo chuẩn cái đẹp mới, người ta đã nô nức đi cạo răng, để rồi có một hàm răng nhờ nhờ vàng ố. 

Một buổi trưa cuối xuân, cái nắng hanh hao xiên xiên chiếu xuống khoảng sân đất rộng trước ngôi trường làng cũ kỹ. Từ những lớp học xinh xinh quét vôi màu vàng với cửa sổ bằng gỗ màu xanh như những toa tàu cổ tích, vọng ra tiếng trẻ ê a đọc thơ:

“Hình dáng me tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa”
                          
Nắng mới – Lưu Trọng Lư

Người lữ khách dừng chân, lắng tai nghe rồi bỗng thấy lòng mình chùng xuống như gặp lại cả một quãng tuổi thơ mà tôi đã cất công đi tìm. Nhưng kết quả là nỗi tuyệt vọng vô bờ. Suốt cả cuộc hành trình rong ruổi đến miền quê xưa cũ này, tôi chưa từng được gặp lại một “nét cười đen nhánh”, dù lòng rất mong mỏi, náo nức. Tôi nhớ da diết tuổi ấu thơ của mình gắn với nụ cười của nội, nụ cười mà mỗi lúc xòa ra lại để lộ đôi hàm răng đen nhưng nhức, đều đặn như hạt na. Nội tôi rất hay cười. Tuổi xế bóng, nội đôn hậu, phúc lành như một làn nước mát. Ngày xưa nội đẹp nhất làng. Tôi vẫn hay được nghe người làng kháo nhau về nhan sắc một thời của nội. Hồi còn đi học, tôi yêu văn thơ, và tôi cứ ngỡ nhà thơ Hoàng Cầm đã viết riêng cho nội: “Những cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng”.

Ngày chuyển theo mẹ, từ làng lên phố để đi học cùng đám trẻ con thị thành, tôi vẫn chẳng làm sao quên được những trưa hè ở quê, nội ngồi trước sân chải tóc, bỏm bẻm nhai trầu, kể cho tôi nghe những câu chuyện vụn vặt đời thường về tuổi thơ của bố, của các cô, các chú, rồi về ông, người mà tôi chưa từng được gặp mặt. Thỉnh thoảng, nội lại cười, dường như những kí ức ấy tràn về, khiến nội được sống lại một quãng thời gian đẹp đẽ nào đó. Nội sinh ra trong một gia đình gia giáo đã nhiều đời làm nghề dạy học. Bởi vậy mà ngay từ tấm bé, nội đã được rèn giũa rất nhiều về công, dung, ngôn, hạnh, đã trở thành một người phụ nữ mang đậm nét truyền thống. Nội là một trong số ít những người còn giữ tục nhuộm răng đen ở làng.

Tôi đã lớn lên cùng “nét cười đen nhánh” của nội, nhưng mãi sau này, khi lớn lên, thành một cậu chàng hoài cổ, tôi mới biết cái tục ấy cũng lắm công phu. Việc nhuộm răng phải tuân theo từng giai đoạn làm sao cho răng đạt màu đen bóng. Để khởi đầu cho việc nhuộm răng, người ta phải giữ cho miệng và răng phải được làm vệ sinh cho thật sạch đến khi lấy tay sờ vào thân răng phải trơn láng.

Trong ba ngày đầu phải đánh răng, phải xỉa răng bằng vỏ cau khô với than bột trộn với muối. Một ngày trước khi nhuộm phải nhai ngậm chanh, súc miệng bằng rượu trắng pha nước chanh. Tác dụng của nước cốt làm cho lớp men ngoài răng "mềm" đi, tính axit của chanh sẽ bào mòn tạo thành những vệt lõm sần sùi trên men răng. Nhuộm răng cũng là một cách làm đẹp gây nhiều đau đớn bởi người nhuộm răng trong thời gian đầu, môi, lưỡi, lợi và niêm mạc trong vòm họng sưng tấy, hai hàm răng lung lay gần như muốn rụng. Thuốc nhuộm răng được pha chế theo công thức đặc biệt bằng nhựa cánh kiến được điều chế trước đó 7 –10 ngày với tỷ lệ bột nhựa cánh kiến và nước cốt chanh, chất sền sệt đó được trét lên một mảnh vải thô trắng hay lụa. Ở thôn quê, người ta trét lên lá dừa, cau hay lá ngái sau đó mới áp lên hai hàm răng. Việc áp thuốc nhuộm răng được thực hiện vào sau buổi ăn chiều, đến giữa đêm sẽ được thay bằng một miếng áp mới.

Đến sáng, người ta sẽ gỡ lớp thuốc ra thật nhẹ nhàng, tránh bị bong tróc lớp nhựa sơn mới phủ lên đêm trước. Sau khi lấy thuốc ra, phải súc miệng bằng nước mắm, có nơi dùng nước dưa chua để thải hết chất thuốc còn sót lại. Người nhuộm răng gần như phải ngậm miệng suốt đêm, tránh tối đa miếng thuốc nhuộm rơi bong ra, phải làm như vậy mỗi đêm 2 lần trong 7 đêm. Khoảng thời gian đó, người nhuộm răng gần như chỉ được nuốt chửng thức ăn, thông thường là ăn bún trộn với mỡ heo và nước mắm. Khi thấy răng có mầu đỏ già, mầu của cánh kiến thì việc nhuộm răng sẽ bước qua giai đoạn 2 là giai đoạn nhuộm đen răng bằng cách phết dung dịch bôi đen lên răng. Thuốc bôi đen là hỗn hợp phèn đen trộn với nhựa cánh kiến, dung dịch này được phết trong 2 ngày. Sau đó phải súc miệng bằng một thứ thuốc gọi là thuốc xỉa nước. Giai đoạn cuối cùng là cố định bằng nhựa của gáo dừa được đốt hay nấu chảy, chất nhựa này tạo thành một lớp men trên thân răng. Người ta gọi giai đoạn này là “giết răng”. Khi hoàn tất giai đoạn này người nhuộm răng sẽ có một hàm răng đen bóng như hạt na.

Tìm hiểu về tục nhuộm răng, cách thức nhuộm răng, tôi càng thấy ngạc nhiên và khâm phục hơn khả năng chịu đựng để làm đẹp của phụ nữ, mà cụ thể là nội, người đã vô cùng gắn bó với tuổi thơ tôi. Giữa một đô thị huyên náo phát triển đến chóng mặt, hiện đại hóa với tốc độ phi mã, giữa những hào nhoáng của du nhập, giao thoa văn hóa, giữa những nụ cười sáng bóng với hàm răng trắng lấp lóa của các cô gái tơ, tôi lại khắc khoải, nhớ đến nao lòng những vẻ đẹp xưa cũ và cất công đi tìm như tìm lại tuổi thơ đã trôi qua của mình. Nội tôi sống thọ, cho đến cuối đời, hàm răng đen của nội vẫn chắc chắn, bóng và đều đặn, nét cười vẫn đôn hậu, hiền lành. Nội cũng là người cuối cùng trong làng còn để răng đen, bởi nghe đâu, thời đổi mới, theo chuẩn cái đẹp mới, người ta đã nô nức đi cạo răng, để rồi có một hàm răng nhờ nhờ vàng ố. Khi ấy, nội anh giống như cái neo, níu giữ lại chút nét xưa, để mỗi lần nhung nhớ, tôi lại trở về, vùi mình vào lòng nội như vùi mình vào cả một khoảng kí ức nguyên sơ, mát lành của tuổi niên thiếu.

Rời làng ra phố, trở thành một chàng trai thành thị, trong khi nhiều người xấu hổ vì xuất thân quê kiểng của mình, thì tôi lại luôn tự hào và cảm thấy may mắn vì đã có một tuổi thơ thôn dã như thế. Tôi luôn tin rằng xuất thân ấy đã bồi đắp cho tâm hồn tôi giàu có, nhạy cảm, biết yêu, biết xúc động trước những vẻ đẹp tinh tế, giản dị, mộc mạc. Tôi vẫn nhớ, những ngày còn cắp sách, anh hay “cúp học” trốn về thăm nội. Đó là những buổi trưa hè nồng nực, tôi mướt mải về đến nhà, bước vào đến khoảng sân gạch rêu phong nhà nội, đã nghe bình yên, dịu dàng đến xao xuyến. Mọi lo lắng, bon chen, vội vã đều dừng lại ở ngưỡng cửa, khoảng sân mát rượi với giàn bầu rợp bóng, tiếng guốc mộc của nội gõ xuống nền đất thân quen và an nhiên. Tôi hay sà vào lòng nội, để nội giội cho những thứ nước giếng mát lành bằng cái gáo dừa như một lần rửa tội, cuốn trôi những bụi bặm đường xa. Tôi vẫn gọi đó là “nơi trú ẩn” bí mật của riêng mình.

Nhưng giờ thì nội không còn nữa. Ngày nội mất, tôi cảm giác như mình đã mất cả một nơi nương náu tâm hồn, cảm giác như nội mang theo cả những vẻ đẹp của thời quá vãng mà tôi nâng niu, trân quý. Làng quê rồi cũng đổi mới với nhà lầu, xe hơi, đường nhựa, cơ khí hóa… căn nhà của nội thì vẫn thế, vẫn bình yên và an lành thế, nhưng đã chẳng còn người giữ hồn cho nó. Nhiều năm nay, tôi vẫn tranh thủ giữa những chuyến công tác về những miền quê xa xôi, mong mỏi đến day dứt được gặp lại một “nét cười đen nhánh” hay một “cô hàng xén răng đen” có “nụ cười tỏa nắng”, nhưng dường như những nét đẹp hoài cổ ấy đã biến mất. Dù vậy, tôi vẫn đinh ninh rằng trên hành trình thiên lý của cuộc đời mình, tôi sẽ vẫn cố công đi tìm, như người ta đi tìm những thương nhớ bình yên…

Nguyên Thảo
.
.
.