Thủy Nguyên - bàn chân Giao Chỉ bám biển, giữ làng

Thứ Tư, 07/10/2020, 09:21
Có người ví huyện Thủy Nguyên như con tê giác vừa bơi từ cửa biển Nam Triệu vào với đất liền, nhưng nếu nhìn kỹ ta sẽ thấy địa bàn huyện Thủy Nguyên rất giống bàn chân người Giao Chỉ với Gia Đức, Minh Đức, Tam Hưng, Phả Lễ, Lập Lễ là những ngón chân bám biển vươn khơi, còn An Sơn là gót chân Thủy Nguyên neo vào bến bờ đất mẹ.


Thủy Nguyên, bàn chân Giao Chỉ đã bao lần làm bạt vía quân thù, Thủy Nguyên bàn chân Giao Chỉ đã đứng ở đây cả hàng ngàn, hàng vạn năm để khẳng định đất này có chủ. Từ bàn chân Giao Chỉ Thủy Nguyên đã có bao bàn chân của con dân nước Việt nối bước cha ông cắm xuống bùn sâu như cây đước, cây tràm mà giữ đất, giữ làng, vẫy vùng trên sóng nước Bạch Đằng giang mà giữ biển, giữ trời. 

Từ cửa biển Nam Triệu này đây, ngàn năm trước và ngàn năm sau đã có biết bao chiến thuyền ra khơi bám biển. Khi đất nước có chiến chinh thì nguyện làm cây cọc nhọn cắm xuống lòng sông sâu ngăn bước quân thù, khi đất nước hòa bình thì theo luồng cá mà đi khơi về lộng. Ngàn năm trước Thủy Nguyên đã vậy và ngàn năm sau Thủy Nguyên vẫn vậy, sẽ mãi vẹn nguyên và thủy chung. 

Cũng từ sông Giá, từ cửa biển Nam Triệu này, những hậu duệ của Yết Kiêu nghe theo tiếng gọi của non sông đã vào Nam chiến đấu, đã lấy máu mình tô thắm lá cờ bách chiến bách thắng của quân và dân Đại Việt truyền lại cho.

Phải chăng vì thế mà trong những câu chuyện của người xưa còn vang mãi đến hôm nay rằng: trên dãy Tràng Kênh huyền thoại, trên đỉnh U Bò xưa kia, những ngày đẹp trời người dân Thủy Nguyên vẫn thấy bóng Ngài trở về - Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - Ngài chống gươm đứng đó cho mảnh đất thiêng này càng mãi linh thiêng.

Tượng 3 vị Anh hùng dân tộc. Từ trái qua phải: Hoàng đế Lê Đại Hành, Đức vương Ngô Quyền, Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng giang, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Đất nước trải qua bao phen giặc giã thì bấy nhiêu phen đất và người Thủy Nguyên đều lấy máu của mình để mà rửa nỗi nhục mất nước, rửa mối nhục làm người dân nô lệ. Xưa đã có trận Bạch Đằng giang hiển hách, đến thời đất nước bị thực dân Pháp đô hộ thì có Thủy Nguyên quật khởi và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cửa biển Nam Triệu đã bao lần vít cổ thần sấm con ma của kẻ thù. Những cửa sông ven biển Thủy Nguyên đã từng là nơi tập kết, nơi tiễn chân những đoàn quân theo đường Hồ Chí Minh trên biển tiến về phương Nam.

Trong chiến tranh là thế, hết chiến tranh thì phải dựng xây. Thủy Nguyên có sông, có biển, có núi, có ruộng, có đồng… nên Thủy Nguyên có đủ điều kiện để lãnh đạo TP Hải Phòng chọn nơi đây mà xây dựng thành vùng kinh tế động lực của cả thành phố.

Vậy là thêm một lần nữa, Thủy Nguyên - bàn chân Giao Chỉ lại cất những bước đi vững chãi trên mặt trận kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... Nếu ai đó khoảng mười năm nay chưa quay lại Thủy Nguyên, tin chắc rằng sẽ lạc đường ngay giữa thị trấn Núi Đèo. Thủy Nguyên như cô gái xinh không còn giấu mặt. Thủy Nguyên đã phô phang vẽ đẹp hừng hực sức xuân trong công cuộc đổi mới và dựng xây. 

Nổi bật là mức độ tăng trưởng kinh tế của huyện duy trì trên 15,6% là mức cao so với toàn TP Hải Phòng và trong cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 61,5 triệu đồng/năm, gấp 1,72 lần so với năm 2015. Cơ cấu ngành nghề chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản.

Hương hỏa ông cha ngàn đời để lại cho Thủy Nguyên một vùng đất thiêng, vậy nên con cháu Thủy Nguyên ngày nay cũng phải biết phát huy và biến những giá trị lịch sử ấy trở thành giá trị văn hóa, giáo dục và kinh tế. Có thể kể đến quần thể khu di tích Bạch Đằng giang, bao gồm: Linh Từ Tràng Kênh; Đền thờ Vua Lê Đại Hành; Đền thờ Đức vương Ngô Quyền; Đền thờ Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; Đền thờ Mẫu; Đền thờ Bác Hồ; Trúc Lâm tự Tràng Kênh; Quảng trường chiến thắng Bạch Đằng; nhà trưng bày và mô hình Bãi cọc trên sông Bạch Đằng.

 Nhà trưng bày trong khuôn viên di tích với nhiều hiện vật cổ. Rồi đây bãi cọc Cao Quỳ và một giải quần thể di tích bãi cọc trải dọc theo những nhánh sông sẽ được khai quật, trùng tu, bảo quản và đi vào hoạt động trở thành một quần thể, một khu du lịch lịch sử, văn hóa, giáo dục tâm linh đặc sắc, điểm đến hấp dẫn đối với du khách thập phương cũng như các hoạt động dạy – học trải nghiệm của thầy và trò các trường trên địa bàn thành phố các tỉnh trong cả nước và thế giới.

Nhà văn Nguyễn Thế Hùng (hungbvnca@gmail.com).

Thủy Nguyên vùng đất có những con sông bao quanh, vậy nên Thủy Nguyên muốn phát triển nhanh, mạnh, vững chắc thì điều không thể thiếu đó là đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có những con đường và những cây cầu nối những bờ sông. Năm năm gần đây, huyện đã huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí trên 5 ngàn tỷ đồng, cùng với nguồn đầu tư lớn của Trung ương và thành phố cho hạ tầng giao thông đã làm thay đổi cơ bản diện mạo của huyện, tạo sự kết nối thuận lợi giữa các khu vực trong huyện cũng như giữa Hải Phòng với các tỉnh lân cận. 

Cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư, đặc biệt là các công trình đường giao thông nội đồng, nâng cấp và cải tạo hệ thống thủy lợi. Hạ tầng về văn hóa, giáo dục, y tế… cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp. 

Nhiều trụ sở các cơ quan hành chính và các công trình văn hóa như: Thư viện và phòng truyền thống huyện; 9 nhà văn hóa trung tâm xã, 102 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố… được đầu tư xây mới. Đến nay, hạ tầng cung cấp điện và nước sạch, xử lý nước thải, thu gom rác thải… đã cơ bản hoàn chỉnh. Và với sức vươn như hiện nay, chỉ khoảng năm năm nữa thôi, khi khu đô thị mới Bắc Sông Cấm đi vào hoạt động; thị trấn Minh Đức được hoàn thành, rồi thị trấn Núi Đèo lên đô thị loại IV, nâng cấp xã Quảng Thanh và xã Lưu Kiếm lên đô thị loại V… thì Thủy Nguyên sẽ trở thành một đô thị giàu, đẹp, sạch, văn minh và có thể sánh ngang với những đô thị khác trên toàn thế giới. 

Thủy Nguyên thực sự trở thành một vùng đất để cho những ai nặng lòng với lịch sử cha ông, nặng lòng với quê hương xứ sở tìm về, để được thấy vóc dáng cha ông trên vân gỗ quý truyền đời, để được tiếp thêm sức mạnh của hào khí Đông A mà bay cao, bay xa làm rạng danh Tổ quốc.

Sinh thời Bác Hồ từng nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Và Đảng ta cũng đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là động lực vừa là mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Là một huyện giàu truyền thống cách mạng, đa dạng về địa hình nên Thủy Nguyên cũng rất đa dạng về văn hóa, và đây thực sự là một thế mạnh mà lớp lớp người đi trước đã để lại cho con cháu Thủy Nguyên hôm nay. Phát triển kinh tế luôn gắn chặt và không thể tách rời với phát triển văn hóa, xã hội. 

Để quên đi cái mệt nhọc trong lao động, để tỏ tấm chân tình của nhau, người xưa đã nghĩ ra câu hát đúm. Tiếp nối người xưa hát đúm Thủy Nguyên đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; Xưa ca trù từng là loại ca hát trong cung đình, được giới quý tộc và trí thức yêu thích vì ca trù phối hợp nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc. Xưa ca trù đã đến và ở lại với đất và người Thủy Nguyên, nhưng do nhiều nguyên nhân mà ca trù đã dần bị mai một. Nay người Thủy Nguyên đã từng bước khôi phục và phát triển nghệ thuật ca trù. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa được bảo tồn, duy tu và khai thác hiệu quả. Hằng năm, huyện tổ chức các lễ hội gắn với các hoạt động văn hóa truyền thống, để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ và thu hút khách du lịch. 

Cùng đó, sự nghiệp giáo dục phát triển khá toàn diện cả về quy mô và chất lượng; là đơn vị nhiều năm liên tục dẫn đầu khối ngoại thành về thi học sinh giỏi và thi vào lớp 10; về tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông và tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học. Chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác. Phong trào đền ơn đáp nghĩa có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. 

Đến tháng 6-2020, huyện đạt tỷ lệ 5,6 bác sĩ/vạn dân và 15,2 giường bệnh/vạn dân. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,9%; tăng 18% so với năm 2015… Khi đã đứng vững trên đôi chân kinh tế và văn hóa, giáo dục thì quốc phòng và an ninh luôn được đảm bảo, Thủy Nguyên thực sự đã trở thành một vùng đất thủy chung và yên bình.

Xưa kia Thủy Nguyên đã vì sự thịnh suy của giang sơn Đại Việt mà sát cánh cùng quan quân đánh giặc giữ nước, từ ngày có Đảng, có Bác dẫn đường, đất và người Thủy Nguyên đã đồng lòng quật khởi, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” và nay Thủy Nguyên đang trên đà thay da đổi thịt dựng xây. Bàn chân Giao Chỉ Thủy Nguyên lại nguyện bám đất, bám làng, bám biển mà vươn xa. 

Thủy Nguyên rồi đây sẽ là ngôi nhà chung để cho những ai đến đây đều thấy gần gũi và ấm áp như đang ở trong nhà mình, là quê hương của mọi người con xa xứ muốn tìm về với nguồn cội ông cha trong truyền thống đánh giặc giữ nước và dựng xây. Thủy Nguyên bàn chân Giao Chỉ lấm bùn vẹn nguyên một tình yêu chung thủy.

Nguyễn Thế Hùng
.
.
.