Tiệm cắt tóc đặc biệt trong bệnh viện

Thứ Năm, 07/04/2016, 17:23
Nhiều năm nay, tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, người ta vẫn truyền tai nhau về một tiệm cắt tóc đặc biệt. Nó không chỉ đặc biệt ở vị trí, mà còn đặc biệt bởi những người thợ "bẻ đầu thiên hạ". Họ là những y bác sĩ trong Viện, họ không chỉ tận tâm cứu người, mà còn khiến bao bệnh nhân phải cảm động rơi nước mắt. Mục đích của tiệm cắt tóc miễn phí này ngoài mục đích giảm chi phí của bệnh nhân, còn là nơi các y bác sĩ có thể gần gũi, chia sẻ, gần bệnh nhân hơn.


"Bệnh viện" là hai từ chẳng ai muốn nghĩ đến, bởi ở đó là bệnh tật, là đau đớn, là sự mệt mỏi. Thế nhưng các bác sĩ tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đang tạo nên một không gian bình yên, không khí ấm áp đến lạ kỳ. Tại hành lang tầng 7 của tòa nhà, chiều thứ 5 hàng tuần lúc nào cũng có người đi lại, chờ đợi với phong thái rất vui vẻ. Những tưởng các bệnh nhân xếp hàng khám bệnh, chờ phát thuốc nhưng kỳ thực họ chờ để đến lượt cắt tóc miễn phí. Chuyện thật như đùa ấy chẳng còn lạ lẫm gì với những bệnh nhân coi viện là nhà ở đây.

"Ông chủ" của tiệm cắt tóc đặc biệt này là bác sĩ Vũ Quang Hưng - Phó khoa Điều trị Hóa chất. Để được chính tay các bác sĩ ở đây cắt tóc, các bệnh nhân chỉ cần ghi tên tuổi của mình vào cuốn sổ ghi chép của khoa, sau đó chờ đợi tên mình được gọi. Ý tưởng đặc biệt này được bác sĩ Hưng thực hiện đã 5 năm, có hàng ngàn bệnh nhận được cắt tóc và mỗi tuần lại được bổ sung thêm những cái tên mới.

Bác sĩ Hưng chia sẻ: “Họ đều mắc bệnh hiểm nghèo nên tôi muốn động viên, gần gũi ho”.

Chúng tôi không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến buổi cắt tóc của các bác sĩ ở đây. "Khách hàng" đến đây khá đông, già, trẻ, nam nữ đều đủ cả. Nhiều "khách hàng" nhí được bố mẹ đưa đến cắt tóc không hề ý thức được tình trạng bệnh của mình, chúng chẳng hiểu sao phải cạo trọc đầu như vậy.

Cắt tóc xong, các ông bố, bà mẹ chỉ biết ôm con, xoa lên đầu khóc nức nở mà chẳng nói được một lời. Bác sĩ Hưng tâm sự: "Các bệnh nhân đến đây cắt tóc đều là những người mắc bệnh hiểm nghèo. Chúng tôi tự tay cắt tóc cho họ phần vì giúp đỡ gia đình, phần vì để động viên họ. Tạo một sự gần gũi, ấm áp, họ phải ở đây điều trị dài ngày, nên chúng tôi muốn họ coi đây như là nhà mình vậy".

Bé Quỳnh (quê Nam Định) vừa mới tròn 8 tuổi nhưng em đã mắc bệnh ung thư, nhìn những người đã được cạo trọc, bé ngây thơ hỏi mẹ: "Lát nữa con cũng được cạo trọc giống các bạn hả mẹ?". Cứ thế người mẹ nước mắt trào ra, đưa tay vuốt mái tóc thưa thớt của con. Chị Hương (mẹ bé Quỳnh) kể: "Cháu bị phát hiện ung thư cách đây 3 tháng, trước mái tóc của cháu dày và đen lắm, giờ chỉ còn vài sợi thế này. Mỗi lần nhìn lên mái tóc của cháu là tôi không thể cầm được nước mắt. Biết có tiệm cắt tóc miễn phí, tôi đưa cháu đến đây, thứ nhất vì tiện lại không mất tiền, cũng muốn cháu có cảm giác đây không phải là bệnh viện, các bác sĩ cũng như người nhà, như các chú các bác thôi".

Bé Quỳnh vừa cắt xong tóc, mẹ ôm con nhẹ nhàng đùa con gái "cô sư của mẹ đẹp quá, cắt thế này cho sạch sẽ lại mốt con nhỉ". Nói xong chị quay mặt đi để giấu 2 dòng nước mắt rơi lã chã trên gương mặt bạc phếch vì thức đêm. Đứa con ngây thơ, ngơ ngác tìm đứa bạn cùng phòng cũng vừa được cắt tóc 3 phân khiến tất cả phòng cắt tóc lặng người.

Đến lượt cậu bé Hoàng (5 tuổi, quê Hưng Yên) khiến các bác sĩ ở đây gặp rất nhiều khó khăn để cắt tóc cho cậu. Có lẽ bé Hoàng vẫn còn ám ảnh những lần các bác sĩ tiêm, thăm khám nên gặp họ lại khóc ré lên vì sợ. Các bác sĩ lúc này trở thành những cô bảo mẫu bất đắc dĩ, họ phải dỗ dành, phải cưng nựng mới có thể thực hiện được.

Sau một hồi động viên, bé Hoàng cũng chịu ngồi yên để cắt tóc. Bác sĩ Hưng cười vui vẻ: "Thế đấy, các cháu nhỏ nhiều khi thấy chúng tôi như thấy cọp. Nhưng sau lần cắt tóc này chắc chắn các cháu thấy gần gũi hơn, không còn sợ chúng tôi nữa". Nhặt những cọng tóc của con, chị Hiền (mẹ bé Hoàng) nghẹn ngào: "Cháu bị xuất huyết giảm tiểu cầu". Rồi quay sang dặn bác sĩ: "Các bác cắt cho cháu nó ngắn thôi, đừng cạo trọc, nhìn tội cháu lắm". Thế rồi căn phòng ấy chẳng ai nói với ai câu nào.

Bác sĩ Hưng cùng vợ trong một lần hiến máu.

Sau khi cắt tóc cho bé Hoàng, bác sĩ Hưng nhường kéo cho một bác sĩ khác cùng khoa để chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện "tiệm cắt tóc" đặc biệt này. Mở đầu câu chuyện, bác sĩ Hưng cười nhẹ nhàng: "Anh chị biết rồi đó, nghề bác sĩ áp lực lắm. Tất cả những gì y bác sĩ ở đây làm cũng chỉ vì tốt cho bệnh nhân thôi, việc mở tiệm cắt tóc tại đây cũng không nằm ngoài mục đích ấy".

Cách đây 5 năm, bác sĩ Hưng vô tình gặp một bệnh nhân của mình ra ngoài cắt tóc nhưng bị chủ quán từ chối. Hỏi ra mới biết, họ sợ những bệnh nhân này vì những đám tóc rụng dở. Từ đó bác sĩ Hưng bàn với mọi người, phải mở một tiệm cắt tóc miễn phí để cắt cho bệnh nhân của mình. Ý tưởng được đề xuất lên ban giám đốc Viện và được ủng hộ ngay tức thì. Thế là tiệm cắt tóc đặc biệt được mở ra, hoạt động vào chiều thứ 5 hàng tuần.

Bác sĩ Hưng đùa: "Tất cả các y bác sĩ ở đây đều biết cắt tóc, đó là chưa muốn nói chúng tôi là thợ cắt tóc hết. Chúng tôi chỉ áp dụng những kinh nghiệm cắt tóc thời sinh viên, lúc đó nghèo sinh viên chỉ cắt tóc cho nhau thôi. Nay vừa giúp bệnh nhân vệ sinh, vừa giảm chi phí cho họ, việc quan trọng nhất là tạo nên một sự gắn kết giữa bệnh nhân, người nhà và các y bác sĩ ở đây. Chúng tôi biết, họ là những người bệnh, rất cần những tình cảm như thế này".

Những bệnh nhân ung thư máu, da dễ bị tổn thương, việc cầm máu là rất khó khăn. Chính vì thế để giảm chi phí, không mất thời gian đi lại, đặc biệt là đảm bảo an toàn, bệnh nhân ở đây luôn được các bác sĩ khuyến khích đến tiệm cắt tóc tại tầng 7 để được các bác sĩ phục vụ. Với bác sĩ Hưng, việc cắt tóc cho bệnh nhân như thời gian để thư giãn, để tâm sự cùng họ. Thậm chí có những lần vui vẻ, anh tự tay cắt tóc cho người nhà của bệnh nhân.

Anh kể: "Cắt tóc cho bệnh nhân cũng nhiều cảm xúc lắm. Đặc biệt là tự tay cắt những mái tóc dài đen láy của những thiếu nữ bị bệnh, hay cắt đi mái tóc còn tơ của các em nhỏ. 5 năm qua chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân khóc nấc khi cắt đi mái tóc của mình".

Là phụ nữ nhưng điều dưỡng Trần Thu Hằng lại được đánh giá là người có tay nghề cắt tóc vào loại khá ở đây. Làm việc tại Khoa Điều trị hóa chất, trước kia cô chưa từng cắt tóc cho ai bao giờ, và có mơ cô cũng không thể nghĩ một ngày mình sẽ trở thành "thợ cắt tóc".

Hành lang nơi cắt tóc miễn phí của bệnh nhân.

Nữ điều dưỡng chia sẻ: "Cũng run lắm, lần đầu tiên cầm tông đơ, tay tôi như cứng lại, người run lên cầm cập. Chỉ sợ không may cạo vào da đầu của họ. Sau vài năm cầm tông đơ, cầm kéo tôi đã quen rồi, không chỉ cắt được đầu 3 phân, cạo trọc mà tôi còn có thể tạo được một số kiểu đầu thời trang. Đúng là có cắt tóc cho bệnh nhân mới hiểu được nỗi lòng của họ, cảm thấy họ như người thân của mình vậy".

5 năm cầm tông đơ, với bác sĩ Hưng đó là thời gian đầy những kỷ niệm với bệnh nhân của mình. Mỗi bệnh nhân lại có một hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng điểm chung của họ là phải cắt đi mái tóc của mình. Điều ấy chứng tỏ bệnh của họ ngày một nặng thêm. Hàng trăm người được bác sĩ Hưng cắt tóc, là từng đó gương mặt còn in hằng trong ký ức của anh.

Năm ấy có một cô gái nhập viện khi còn là sinh viên. Cô chết đứng khi các bác sĩ chẩn đoán mình mắc bệnh ung thư. Nằm viện được vài ngày, cô gái trẻ gầy rộc đi, việc học tạm gác, tương lai dần khép lại với cô. Mỗi lần điều trị hóa chất là mỗi lần mái tóc dài đen óng ấy lại rụng đi từng mảng. Để thuận lợi cho việc điều trị, vệ sinh, các bác sĩ đã phải cắt hết mái tóc dài đen óng ấy.

"Cô gái ấy đi rất chậm đến chiếc ghế xoay cắt tóc, có lẽ cô ấy muốn kéo dài thời gian, níu lại mái tóc ấy thêm phút nào hay phút ấy. Ngoài hành lang, bố mẹ cô gái trẻ nhìn con gái, rồi họ ôm nhau khóc. Đáng thương nhất là anh chàng người yêu, úp mặt vào tường khóc nức nở. Lúc đó tất cả mọi người trong phòng lặng đi, ai cũng tránh nhìn thẳng vào mặt nhau. Là đàn ông tôi hiểu cảm giác của anh chàng người yêu. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. Mỗi sợi tóc rụng xuống là hy vọng sống của họ ngày một mỏng đi".

Phong Anh
.
.
.