Tiêm thuốc độc vào sừng để cứu tê giác

Thứ Sáu, 08/05/2015, 09:22
Ít người biết rằng, sừng tê giác Nam Phi không chỉ vô dụng, mà còn chứa chất độc.

Mỗi ngày có 3-4 con tê giác bị giết để lấy sừng

Ước tính, 85% trong tổng số 25.000 con tê giác châu Phi đang sinh sống ở Nam Phi. Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), năm 2014 có hơn 1.200 con tê giác bị sát hại ở Nam Phi, một năm trước là hơn 1.000 con. Trung bình ở Nam Phi cứ mỗi ngày có 3-4 con tê giác bị giết để lấy sừng.

Từ năm 2010, tiến sĩ Lorinda Hern và bác sĩ Charles Van Niekerk đã thành lập Dự án Giải cứu tê giác (RRP) để bảo vệ loài tê giác Nam Phi trước nguy cơ tuyệt chủng.

Chuyên gia RRP khoan sừng tê giác để bơm thuốc độc.

Sinh ra và lớn lên tại Nam Phi, tiến sĩ Lorinda Hern từng tận mắt chứng kiến nhiều tê giác bị sát hại và cô quyết hành động để ngăn chặn nguy cơ tê giác tuyệt chủng. RRP lựa chọn một phương pháp "phá cách" là tiêm thuốc độc vào sừng tê để "giảm giá trị" sản phẩm gây sốt tại châu Á.

Các chuyên gia RRP đã bắn súng gây mê tê giác, khoan sừng tê, bơm thuốc độc ngấm sâu vào sừng. Chất độc này không đe dọa sức khỏe của tê giác, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu thụ sừng tê, thậm chí gây chết người.

 "Chúng tôi sử dụng các loại thuốc độc hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của tê giác, tự phân hủy sinh học và thân thiện với môi trường, nhưng có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.

Chất độc có thể gây nôn mửa, co giật, choáng váng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Chất độc duy trì hiệu quả trong 3-4 năm, một chu kỳ phát triển của sừng. Sau đó RRP lặp lại quy trình này.

Với các sừng tê giác bị cưa đi sau khi đã được tiêm thuốc thì thuốc độc sẽ tồn tại trong sừng tê giác vĩnh viễn" - Bác sĩ Charles Van Niekerk cho hay.

Hiệu quả thiết thực

Tiến sĩ Lorinda Hern cho rằng, RRP đã triển khai việc này ở hơn 25 khu bảo tồn thiên nhiên nhà nước và tư nhân tại Nam Phi. Một số lượng tê giác lớn đã được tiêm thuốc độc vào sừng. Đến nay, chưa đầy 2% tê giác đã được tiêm thuốc độc vào sừng bị săn bắn.

Một số khu bảo tồn cho biết, số vụ săn bắn trộm tại đây đã giảm đi tới con số 0 trong vòng hai năm qua (trước đó, mỗi tháng có 9 con bị sát hại). Do đó có thể khẳng định, không một sáng kiến chống săn bắn trộm nào đạt hiệu quả tương tự trong vòng năm năm qua.

­Tiến sĩ Lorinda Hern tin rằng, công chúng khi biết sừng tê không chỉ vô dụng, mà còn nguy hiểm đến sức khỏe thì họ sẽ không dại gì đùa giỡn với sự an toàn của chính mình.

Ông nhấn mạnh rằng, mục tiêu của việc làm trên không phải là làm hại người sử dụng mà nhằm bảo vệ tê giác.

Theo Bác sĩ Charles Van Niekerk: Sừng tê giác được tiêm thuốc độc đều chứa kim loại nặng và các vật liệu huỳnh quang, tỏa sáng dưới tia cực tím (UV). Các máy quét an ninh ở sân bay có thể phát hiện dấu hiệu của kim loại nặng, do đó sẽ cản trở bọn buôn lậu vận chuyển sừng tê ra nước ngoài.

Sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh

Các nghiên cứu của WWF và Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) cho thấy, sừng tê giác có kết cấu cũng giống như móng tay và tóc người, hoàn toàn không có bất kỳ tác dụng y khoa như hạ sốt, giảm đau, sát khuẩn hay kháng viêm nào cả. Sừng tê giác càng không hề có tác dụng chữa bệnh ung thư như lời đồn. 

Nguyễn Minh
.
.
.