Tiến Sĩ đã thông nhĩ

Thứ Hai, 28/08/2017, 10:58
Tôi vừa lùa bò về đến nhà, đã thấy thằng em họ ngồi lù lù từ lúc nào không biết. Tôi và nó là anh em con chú bác ruột. Nhưng số phận lại đưa đẩy mỗi người mỗi cảnh hoàn toàn khác nhau. Người ta gọi nó là thiếu gia, còn tôi là… thiếu tiền!


Thông thường, người ta luôn ước muốn cái gì mình còn thiếu. Ba má tôi ước muốn tôi sau này trở nên giàu có, không phải lúc nào cũng thiếu thốn tiền bạc, nên đặt tên tôi là Huỳnh Tiến Đồng, hy vọng có ngày tôi sẽ ngồi trên “đống tiền”. Ngược lại, chú Ba tôi kỳ vọng thằng em tôi sẽ là một người có ăn học và trình độ, nên đặt tên nó là Huỳnh Tiến Sĩ.

Tôi chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ ở nhà làm đủ thứ để có thể kiếm tiền. Còn thằng em họ tôi thì được ba má nó “nhét chữ vào đầu”, bằng việc thuê gia sư từ hồi mẫu giáo; rồi lên lớp 6 đã tống nó vào học nội trú trong Sài Gòn. Năm nay nó học lớp 12, chú thím càng lo lắng hơn vì năm sau nó đã phải vào đại học.

Ảnh minh họa.

Dù không được học hành nhiều, nhưng quyết tâm làm giàu đã nung nấu trong lòng tôi từ nhỏ. Mà muốn làm giàu thì phải có vốn hoặc có kiến thức. Tôi thì không có vốn, nên đã đọc sách báo rất nhiều. Nhờ vậy, tôi có thể tự hào mình là người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”.

Ngoài ra, tin tức thời sự, chính trị, kinh tế trong nước hay thế giới tôi đều nắm trong lòng bàn tay. Nhiều thằng bạn trong xóm hay chọc: “Mày ăn củ mì mà toàn nói chuyện thế giới!”. Nhưng tụi nó vẫn thường nhờ tôi tư vấn chuyện này chuyện nọ, đặc biệt là các “chiến lược cua gái”. Tôi đã giúp khối thằng làm được những điều tưởng chừng không thể.

Trong những đứa hay nhờ tôi làm “quân sư quạt mo” có cả thằng em họ Tiến Sĩ của tôi! Bất cứ khi nào về quê, nó đều tranh thủ chạy sang kể cho tôi nghe đủ chuyện rồi nhờ tôi tư vấn, định hướng… Lần này ắt cũng vậy, chỉ cần nhìn thoáng là tôi biết nó đang có chuyện muốn nhờ vả.

Y như rằng, vừa thấy tôi về nó đã lật đật chạy lại: “Em tranh thủ cuối tuần về thăm nhà và nhờ anh tư vấn cho một việc”. “Ô văn kê”, tôi đáp. “Chỉ cần tối nay dẫn anh mày lên quán bà Nhựt ăn chè là được rồi”.

Ảnh minh họa.

Nghe vậy, thằng Tiến Sĩ vào chuyện luôn: “Ba má kỳ vọng em sẽ đậu đại học, nhưng mà nói thật em hồi giờ chỉ toàn đi chơi, tiền ba má gửi lên Sài Gòn em toàn dùng để ăn chơi”.

“Vậy thì cứ chơi đi, nhờ tao làm gì? Có chơi thì có chịu chớ!”, tôi làm giọng.

Tiến Sĩ nài nỉ: “Anh đừng nói vậy chết em. Ba má mà biết được chắc cạo đầu bôi vôi em luôn. Chuyến này em nhờ anh tư vấn giúp làm sao vẫn ăn chơi thoải mái cũng có thể vào đại học”.

“Mày ngon quá! Ăn chơi không học mà đòi vào đại học?! Học đại thì có chứ đại học gì!”, tôi bĩu môi.

Thằng Sĩ xuống giọng: “Năn nỉ anh mà. Em sẽ dẫn anh đi ăn nhà hàng xịn luôn!”.

Nghe tới được ăn nhà hàng là cánh mũi tôi giựt giựt liền mấy phát, tưởng tượng ra những mùi vị thơm ngon mà hiếm hoi lắm mới được ăn do nhà quá khổ. Không cầm lòng được, tôi đành chiều theo thằng em, ngoắc nó lại thì thầm: “Tao mới đọc báo, thấy ngành sư phạm chỉ cần 3 điểm mỗi môn cũng vào đại học được, mày cứ thế mà làm!”.

“Oh yeah!”, thằng Tiến Sĩ nhảy cẫng. “Tối nay đi nhà hàng nghe anh Tiến Đồng!”.

Tôi cười toe toét, tưởng tượng thấy mùi thơm món ăn ở nhà hàng rõ mồn một, bất chấp hình ảnh hàng lũ học trò ngơ ngác trước một ông thầy Tiến Sĩ dốt.

Nghĩa Nam
.
.
.