Không có gì mà ấm ĩ cả

Tiên tửu, quý tửu, xuân Ất Nhậu

Thứ Tư, 25/02/2015, 12:00
Xuân Ất Mùi đã về với tất cả chúng ta một cách khá ngọt ngào. Tiết trời đẹp, lòng người náo nức. Phong tục xin chữ ngày xuân đã chất lượng hơn khi các thầy đồ đã được qua cuộc sát hạch chất lượng. Người xin chữ có thể yên tâm mình đã không treo nhầm chữ. 

Ngày xưa thì tết đến, người ta nườm nượp đến nhà nhau chúc tết thì năm nay, lời chúc đã bay theo mọi ngả theo mạng xã hội. Không ít người đã chọn cách đón tết trên đường du lịch trong nước và nước ngoài. Lời chúc kèm theo ảnh từ những quốc gia khác xa xôi và cảm động.

Có điều lạ, nếu như mọi năm giáp tết thì người người tưng bừng lo sắm tết thì năm nay, nhà nhà tưng bừng cung ứng quà tết. Mỗi người đều tự làm lấy thực phẩm như giò chả, bánh mứt bằng tay mình và cung cấp cho người quen biết. Điều đó cho thấy người ta chỉ tạm tin vào những địa chỉ con người cụ thể, không chung chung. Người thưởng thức thì yên tâm nhưng điều này đi ngược với tinh thần kinh tế thị trường dựa theo thương hiệu.

Năm nay, các tai nạn giao thông giảm đi đáng kể nhưng vẫn còn những chuyện không vui khác. Báo cáo nhanh của Bộ Y tế cho thấy trong những ngày nghỉ Tết này, các bệnh viện tiếp nhận gần 195.000 trường hợp đến khám cấp cứu. Trong đó, có hơn 5.000 người phải nhập viện do tai nạn đánh nhau, ngày cao nhất với 900 trường hợp và 11 người tử vong.

Minh họa: Lê Tâm.

Việc ẩu đả xảy ra nói chung không từ những nguyên nhân khó giải quyết. Hầu hết các cuộc xô xát sẽ không xảy ra nếu người trong cuộc biết lựa lời, biết sống chậm lại vài giây. Sau khi xảy ra chuyện, người trong cuộc nào cũng hối lỗi. Có những ân hận có thể sửa sai, nhưng có những lỗi lầm không còn kịp nữa. Tất cả do thói quen hành động quá nhanh và suy nghĩ quá chậm. Cứ làm đi rồi tính là thói quen tệ hại.

Đôi khi chỉ là chuyện dưới không chào trên, vai nào nhường vế nào, đôi khi là câu nói kháy, là chuyện mâm trên mâm dưới, chuyện ép rượu, chuyện không đẻ được con trai, chuyện "mày không đủ tuổi"… kể cả chuyện nóng mắt vì một cái nhìn hay chuyện "quyết giữ gái làng, sẵn sàng ẩu đả"…

Trăm lý do thì vẫn có một lý do đáng kể nhất là rượu. Lý do để uống rượu thì quanh năm nhưng dịp tết thì đậm đặc. Ngồi với nhau toàn người thân mà rượu lên rồi thì vai vế đồng hạng cả. Tết thì phải uống để tiễn cái xui xẻo năm cũ và đón cái may mắn năm mới. Thế là rót phải "Cao Bằng", sau đó thúc nhau "Bắc Kạn", "Võ Nhai" là phụ thôi. Hết một lượt là bắt tay. Không bắt cũng phiền vì mang tiếng coi thường nhau.

Với bợm nhậu thì lý do để "Bắc Kạn" là tình huynh đệ thủ túc nhưng cũng có khi chỉ nhân dịp chủ nhà bưng ra một món mới. Phải uống thôi. Ngày thường thì cũng uống không kém vì 3 lý do: 1 - Uống vì cuộc đời quá vui; 2 - Uống vì cuộc đời quá buồn; 3 - Nếu không vui không buồn thì phải uống vì cuộc đời quá tẻ nhạt.

Bợm nhậu ngâm nga rằng: "Tiền nhân ân đức sinh ra rượu/Con cháu thảo hiền mặc sức phê". Rồi bợm nhậu hát: "Rượu của làng ta /gửi ra thành phố gửi tận phương xa/ Em vui em hát rượu của làng ta/ Em vui em hát… Rượu vào là lời ra"… Chính cái lời ra ấy dẫn đến những anh chàng chất phác bỗng chốc trở thành siêu sao hành động.

Rượu có thể dẫn ta đi đến những cảm xúc khó kiểm soát, có thể vui, có thể buồn và đáng sợ là xui khiến ta hành động mất kiểm soát. Lời nhắc đầu năm khe khẽ, vui xuân mới không quên nhiệm vụ. Nào cùng bắt đầu vào việc, hãy bắt tay nhau và nói "Chúc mừng năm mới!".

Còn bạn. Khi vui, bạn có uống nước khoáng không?

Lê Tâm
.
.
.