Không có gì mà ầm ĩ cả

Tiền và cảm xúc đẹp

Thứ Ba, 14/03/2017, 20:28
Bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” đã chính thức trở thành tác phẩm điện ảnh có doanh thu ngày khởi chiếu cao nhất tại thị trường Việt Nam, đây là cơ hội có tiền từ cảm xúc đẹp cho các nhà kinh doanh nội địa.


Sự kiện to, ngày 10-3-2017, phim "bom tấn" “Kong: Skull Island” của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts (sản xuất 190 triệu USD) đã chính thức trở thành tác phẩm điện ảnh có doanh thu ngày khởi chiếu cao nhất tại thị trường Việt Nam từ trước tới nay. Ngay ngày đầu tiên đã thu 18,2 tỷ đồng.

Trong rừng lời khen thì cũng không ít lời chê. Sự háo hức bị một gáo nước lạnh khi người hiếu kỳ biết tiền đoàn làm phim trả cho một diễn viên quần chúng chỉ là 350 nghìn đồng một ngày. Món cát sê nhỉnh hơn tiền vé chút ít.

Đã có khán giả thất vọng muốn từ chối mua vé xem phim. Dường như đó là một sự tự ái khi nhìn thấy nhà kinh doanh đang bóc lột quá quắt người lao động. Nhưng tại sao không thấy, cùng với việc họ thu lãi thì họ đã cho ta cơ hội miễn phí để thu bội tiền?

Việc kinh doanh ăn theo phim ảnh nổi tiếng đâu có gì xa lạ. Ngay lập tức các hãng du lịch lữ hành đã mở tua ăn theo như Kong: Skull Island Halong Bay; Kong: Skull Island Ninhbinh…
Minh họa của Lê Tâm.

Tại kinh đô điện ảnh Mỹ, Hãng phim Universer không chỉ sản xuất phim mà thu lời từ chính các xưởng sản xuất phim của mình. Họ bán vé cho du khách hiếu kỳ xem làm phim. Trường quay vẫn tiếp tục diễn, quay, còn du khách có thể ghé vào xem và trải nghiệm. Họ có thể nhìn thấy các đạo cụ cảnh trí cho phim lừng danh "Công viên kỷ Jura", tham gia trò chơi thót tim khi bị những con khủng long dồn đuổi. Những con khủng long máy tuy công nghệ đã cũ vẫn thu tiền đều đều.

Giá vé vào cửa mỗi người là hơn 100 USD, nhưng không hề đắt. Với số tiền đó, họ có thể chơi bất kỳ trò gì từ sáng đến chiều. Họ có thể ở lại khách sạn ngay trong khu trường quay để mai lại tiếp tục thưởng thức những trò chơi tân kỳ. Có những trò chơi chờ đến lượt thì phải xếp hàng rồng rắn hàng giờ đồng hồ, nhưng chẳng ai tiếc thời gian.

Thí dụ như trò thâm nhập vào không gian ảo của những người máy khổng lồ trong phim "Transformers" (Người máy biến hình). Một trải nghiệm có thể nói là rợn ngợp. Được vui chơi thỏa thích và được phục vụ tốt thì 100 USD/ngày là không hề đắt.

Ở Trung Quốc, ngoài những điểm đến truyền thống, như cung điện cổ thì có những điểm du lịch mới được tích cực khai thác. Thí dụ như rừng đá Quế Lâm, được khoe là nơi quay phim "Tây du ký"  cũng được quảng cáo cho khách hiếu kỳ. Phim đó đã cũ và lạc hậu nhưng vẫn thu tiền đều cho các hãng du lịch. Chỉ là nơi quay phim "Bến Thượng Hải" thôi cũng làm cho khách muốn đến với nhiều cảm xúc.

Các trường quay phim cổ trang của Trung Quốc luôn được xếp vào các tour đáng xem. Khách đến thường thích thú khoác áo cổ trang để chụp ảnh. Bỏ ra vài chục tệ mà được làm vua Càn Long hay Ung Chính thì đâu đến nỗi quá "chát", nhất là lại có dàn cung nữ vây quanh.

“Kong: Skull Island” được quay ở Việt Nam với những cảnh tượng chưa từng có trên thế giới và phim cũng cho Việt Nam cơ hội thu tiền chưa từng có từ trước tới nay. Vấn đề là chúng ta đã nhìn thấy những cơ hội tích cực hiếm hoi này chưa?

Ngay đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cũng bày tỏ rằng ông chưa từng được ngắm cảnh nơi nào độc đáo như ở Việt Nam. Ông có kế hoạch sống và làm việc lâu dài ở Việt Nam. Đạo diễn này tuyên bố đã rao bán nhà mình ở Los Angeles để sang Việt Nam sống. Ngay điều đó cũng là một màn quảng cáo miễn phí cho Việt Nam rồi.

Các nhà hàng đâu rồi, các nhà sản xuất đồ lưu niệm đâu rồi, các nhà in áo phông đâu rồi? Vẫn là con Kingkong thôi, nhưng lần này, tiền thuộc về chúng ta. Hãy thu tiền đi! Cơ hội luôn xuất hiện với những con mắt rộng mở. Nói trắng ra đây là cơ hội có tiền từ cảm xúc đẹp.

Còn bạn. Bạn đã bao giờ từ chối tiền cũng cảm xúc đẹp chưa?

Lê Tâm
.
.
.