Tiếng chuông từ Km số 0

Thứ Tư, 27/02/2013, 15:18

Các quốc gia đều lấy bưu điện trung tâm thành phố là Km số 0 để từ đó tính toán đường giao thông tỏa đi khắp thành phố, xây dựng các công trình công cộng tạo nên diện mạo cho thành phố ấy. Chính vì thế mà từ tháp chuông Bưu điện Bờ Hồ, chúng ta có thể dễ dàng tỏa đi các hướng tìm cho mình những góc rất riêng của Hà Nội.

Không biết từ bao giờ Hà Nội lại mang trong mình nhiều thang âm đến thế. Đó có thể là tiếng chổi tre của những chị lao công làm việc suốt đêm ngày trên các con đường lớn nhỏ, tiếng xe cộ qua lại ồn ã bấm còi inh ỏi chiều tan tầm không lúc nào ngơi nghỉ, tiếng giàn giáo lạch cạch đang cố nối những trụ bê tông nặng nề chạm lên trời.

Có người thích những âm thanh mới này vì nó đang góp phần tạo nên cho Hà Nội một diện mạo mới của thành phố trẻ năng động khác với vẻ thâm trầm vốn có. Nhưng số khác chỉ thích một cuộc đời gắn chặt với những điều quen thuộc như uống một tách trà ở vỉa hè trước nhà, đọc tờ báo sáng mua đầu ngõ, lắng nghe tiếng chuông đồng hồ công cộng ở Bờ Hồ gióng lên từng hồi để bắt đầu một ngày làm việc mới.

Trong tâm trí của bà, của bố mẹ và của cả tôi nữa thì tiếng đồng hồ công cộng Bờ Hồ là một người bạn quen thuộc gắn bó với chúng tôi nhiều nhất trong ngày. Mỗi một thời khắc trong ngày qua đi, tiếng chuông đồng hồ ở Bưu điện thành phố đều cho chúng tôi biết mình phải làm gì tiếp theo để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Với những người lớn thì tiếng chuông đồng hồ cho họ biết thời gian để đi làm ca, còn với lũ trẻ con lít nhít thì tiếng đồng hồ mỗi lần đổ chuông đều gắn với những thời điểm chẳng được hợp lý cho lắm. Tiếng chuông đồng hồ vang lên là đồng nghĩa sáng sáng mè nheo năn nỉ bà cho ở nhà khỏi phải đến lớp mẫu giáo lúc nào cũng cố ăn thật nhanh nếu không muốn bị bạn khác giành đồ tráng miệng, đến giờ phải lên giường ngủ trưa trong khi bên ngoài tiếng ve kêu rộn rã thật hấp dẫn, phải tắt vội chương trình thiếu nhi yêu thích để học bài cho kịp giờ mẹ kiểm tra bài tập thường xuyên.

Tiếng đồng hồ gắn bó đến như vậy đấy, kéo dài từ lúc thức dậy và đôi khi chập chờn vào trong cả giấc ngủ  khiến ta giật mình lo sợ mỗi sáng mùa đông. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in bài viết tập làm văn ngày nhỏ kể về người bạn thân thiết chính là chiếc đồng hồ. Bài văn ấy nổi tiếng đến mức đến giờ mỗi khi gặp lại, cô giáo chủ nhiệm vẫn nhắc đến nó như là một bài văn tốt nhất viết về sự tồi tệ của chiếc chuông đồng hồ trong mắt của đứa trẻ con.

Thú thực tôi ngày bé ghét chiếc đồng hồ công cộng ấy lắm, không ghét sao được khi nó chiếm hết thời gian vui chơi của tôi, chịu những hình phạt kinh khủng như đứng úp mặt vào tường vì tội đi chơi về muộn trong khi mấy đứa em của mình thì được xem phim hoạt hình cười khanh khách ngoài phòng khách.

Không thích vì bị ràng buộc về mặt thời gian vậy thôi, nhưng chỉ cần ai nhắc đến việc được lên tháp chuông Bưu điện Bờ Hồ thì tâm trạng lại thay đổi hoàn toàn. Tôi luôn thắc mắc không hiểu vì sao một chiếc đồng hồ cũng đâu quá to lại có thể phát ra âm thanh đều đặn, chính xác và không bị mưa nắng làm hư hại dù nó đứng ở vị trí ngày ấy có thể cao nhất Hà Nội.

Để biết được những thắc mắc về chiếc đồng hồ đó, gần như ngày nào trưa đi học về tôi cũng đi lại lòng vòng quanh Bưu điện Bờ Hồ để thu thập những câu chuyện xoay quanh chiếc đồng hồ và ghi lại trong cuốn sổ kẻ ô ly đã sẫm màu. Tôi thích nhất là đứng lân la quanh hàng nước gần bưu điện vì ở đây mọi người thường xuyên nói về nó. Thời điểm đó đồng hồ chưa phổ biến trong các gia đình như bây giờ nên cả con phố xung quanh đều dùng đồng hồ công cộng như một công cụ để nắm bắt thời gian.

Chính vì gắn bó sâu sắc với đời sống như vậy nên bất đắc dĩ chiếc đồng hồ như một ngôi sao của phố phường. Chỉ cần có bất kì một trục trặc nhỏ thôi cũng đủ biến chiếc đồng hồ trở thành chủ đề bàn tán rôm rả trong bữa cơm chiều, khiến hai người bạn cờ lâu năm với nhau trở nên xích mích mất mấy ngày vì lời lý giải đưa ra chẳng hợp ý nhau nghe được hồi ban sáng.

Ai cũng nói về tháp chuông bưu điện mỗi khi có người ở phương xa đến Hà Nội giống như một niềm tự hào không thể giấu nổi trên gương mặt, thậm chí là rất cụ thể tỉ mỉ về từng mét vuông trên tháp bưu điện dù số người được lên đó không phải là quá nhiều. Mà điều gì càng bí ấn, khó khăn thì càng được quan tâm, tưởng tượng và một lần mơ được đến.

“Ngôi sao của đường phố” là một tổ hợp ba chiếc đồng hồ con hoạt động tách biệt và được điều khiển bằng một chiếc đồng hồ cái đặt ở tầng một của bưu điện để điều chỉnh giờ, nhạc chuông và độ to nhỏ để chiếc đồng hồ mỗi lần gióng chuông là mọi ngả đường, ngõ ngách của Hà Nội đều vang lên tiếng chính xác của thời gian. Thậm chí ở căn phòng điều chỉnh được đặt tại tầng một còn đặt cả radio bên cạnh để điều chỉnh theo giờ nhạc hiệu của nhà đài, tạo ra một hiệu ứng âm thanh liên hoàn đồng nhất len lỏi vào đời sống của nhân dân.

Tôi và lũ bạn phố ngày ấy đã nhiều lần tiến hành đủ các hình thức từ tổ chức đột nhập đến lân la xin các chú bảo vệ, thậm chí khóc lóc ăn vạ để được một lần leo lên tháp chuông đồng hồ mùa đông thì lạnh, mùa hè thì như lò nung đồng ấy đều không thành dù vị trí của nó đứa nào cũng nằm lòng. Đến giờ ước mơ được một lần trèo lên tháp chuông bưu điện nhìn ngắm Hà Nội từ trên cao thi thoảng vẫn vọng về trong giấc mơ của tôi, dù bây giờ xung quanh nó đã mọc lên nhiều tòa nhà cao tầng gấp ba, gấp bốn lần nó.

Mỗi quốc gia đều có những quy chuẩn riêng về luật pháp, tôn giáo và giáo dục để giữ được bản sắc của dân tộc mình, nhưng lại có điểm chung là cùng nhau sử dụng những quy chuẩn đo lường để có thể kết nối nhau dễ dàng hơn trong giao lưu, hợp tác.

Các quốc gia đều lấy bưu điện trung tâm thành phố là Km số 0 để từ đó tính toán đường giao thông tỏa đi khắp thành phố, xây dựng các công trình công cộng tạo nên diện mạo cho thành phố ấy. Chính vì thế mà từ tháp chuông Bưu điện Bờ Hồ, chúng ta có thể dễ dàng tỏa đi các hướng tìm cho mình những góc rất riêng của Hà Nội.

Đầu tiên phải kể đến là con ngõ nhỏ nằm bên hông trái của bưu điện. Nhắc đến đây thì những ai yêu sách không thể bỏ qua con phố Nguyễn Xí nơi tập trung rất nhiều cửa hàng sách lớn nhỏ ở Thủ đô. Đến đây chúng ta có thể dễ dàng tìm cho mình một cuốn sách thời thượng đang được nhiều người yêu thích trên mạng, sách thiếu nhi, sách ngoại văn và cả những cuốn sách ố vàng thời gian bên trong các quầy sách cũ.

Thế là nếu đang cần gửi tặng thiệp hay cuốn sách quý cho bạn bè ở xa thì chỉ cần một thao tác rất nhanh là băng qua con đường nhỏ vào bưu điện trung tâm, bưu phẩm sẽ được chuyển đi một cách nhanh chóng và gọn gàng.

Riêng tôi thì thích cảm giác chọn được một cuốn sách hay rồi ra bậc thềm của bưu điện ngồi đọc sách trong tiếng xe ồn ã của ngã tư Tràng Tiền đang tràn xuống hơn. Sống trong một đô thị đôi khi học cách sống chung hữu hảo với chúng lại đem đến cho mình những phút giây thoải mái. Mua được cho mình một cuốn sách hay rồi thong dong ra con phố bên cạnh Tràng Tiền mua cho mình một que kem là điều mà nhiều người chắc chắn sẽ làm ít nhất một lần khi đến đây.

Trước đây Hà Nội phố vắng, người thưa, chưa bị hỗn loạn bởi những tiếng xe cộ ồn ào thì đứng mua kem ở phố Tràng Tiền là khoảng cách thích hợp nhất để lắng nghe tiếng chuông đồng hồ rung lên to và sắc lạnh. Dù lúc ấy đang phải xếp hàng để mua kem, chỉ cần một tiếng rung lên hồi đầu là tất cả như một thói quen vô hình, ngước mắt ra hướng đồng hồ để căn chỉnh lại thời gian còn lại của mình. Cũng vì thế mà nhiều người đang đứng xếp hàng mua kem nghe thấy tiếng đồng hồ gióng lên thôi là hấp tấp bỏ đi vì sợ lỡ dở công việc trong tiếc nuối.

Xem những bức ảnh chụp Hà Nội vào những năm đầu thế kỉ trước thì có thể thấy cảnh quan ở đây có sự thay đổi rõ rệt. Những tòa nhà cao tầng xung quanh dường như đã mang tới cho Hà Nội vẻ hiện đại nhưng cũng vô tình phá vỡ tỷ lệ kiến trúc đô thị, khiến những công trình kiến trúc một thời có sự gắn kết với nhau bị khuất lấp ở hiện tại.

Từ tháp chuông Bưu điện Bờ Hồ tỏa ra khắp bốn phía có thể thấy rõ sự hiện hữu những công trình xây dựng có từ thời thuộc Pháp mang đậm dấu ấn kiến trúc gothic châu Âu như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Cung thiếu nhi, Phủ Khâm sứ Bắc Kì, vườn hoa con Cóc, ga Hàng Cỏ, chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên,… Với những cái tên xung quanh tháp chuông Bưu điện Bờ Hồ đủ để thấy ý nghĩa quan trọng của nó trong đời sống của dân cư. Dù ở bất cứ địa điểm nào, khoảng cách nào đều có thể biết bây giờ là khoảng thời gian nào để tiến hành công việc của bản thân.

Có lẽ vì thế mà giờ đây cuộc sống no đủ, đồng hồ các loại đã trở nên thông dụng nhưng tôi vẫn không có chiếc đồng hồ nào của riêng mình bởi thói quen lắng nghe tiếng chuông đồng hồ công cộng đã trở thành một kĩ năng thành thục, lúc nào muốn biết thời gian thì chỉ cần ngước mắt lên chiếc đồng hồ to hơn bất cứ chiếc đồng hồ của ai đang sở hữu.

Bưu điện Bờ Hồ được xây dựng từ khá sớm. Có thể được coi là sớm nhất trong các công trình hiện đại ở Hà Nội nên nhiều người bạn của tôi lầm tưởng tháp chuông đồng hồ cũng có từ thời ấy, nhưng mỗi lần giới thiệu với bạn bè đến Hà Nội rằng nó mới chỉ ra đời cách đây hơn 30 năm, là thành quả lao động tuyệt vời của những người thợ máy Việt Nam, cơ mặt tôi không thể không giãn ra vì tự hào.

Nhà tôi nằm ở một con ngõ nhỏ trong khu phố cổ nhìn ra tháp chuông đồng hồ. Ở đây mỗi giây, mỗi phút với chúng tôi đều được tính bằng những bước đi thật chậm của thời gian nhưng góp lại đủ nhanh để cùng Hà Nội thay đổi theo bao mùa sấu rụng.

Giờ đây tôi đã trưởng thành và là bố của một đứa trẻ. Mỗi sáng thức dậy, tôi đều chỉ cho con nhìn về phía chiếc đồng hồ, để con lắng nghe tiếng chuông đồng hồ gióng như ngày xưa bố đã nuôi dưỡng cho tôi. Có thể con cũng sẽ không thích chiếc đồng hồ công cộng ấy như tôi mỗi sáng phải thức dậy sớm đến trường, ngồi vào bàn học đúng giờ khi tiếng đồng hồ điểm, phải ngủ trưa trong tiếng ve sầu bên nhành phượng đỏ.

Nhưng tôi tin rằng, khi lớn lên mỗi khi nhớ về gia đình mình, bố mẹ mình, con cũng giống như tôi, sẽ yêu từng khoảnh khắc đếm ngược để lắng nghe tiếng chuông đồng hồ đổ dài đêm giao thừa trong căn nhà của mình dù bên ngoài có nhiều thứ âm thanh tuyệt hảo thế nào

Trọng Huy
.
.
.