Tiếng và chữ không phải là một

Thứ Tư, 29/11/2017, 19:27
Một “cơn bão chữ” xới tung mạng xã hội mấy ngày hôm nay bắt đầu từ nghiên cứu của Giáo sư Bùi Hiền với bộ chữ cải tiến. Giáo sư Hiền cho rằng , bộ chữ Quốc ngữ bộc lộ nhiều bất hợp lý nên bộ chữ mới giúp cho cách học dễ dàng và tiết kiệm.


Ngay lập tức, bộ chữ cải tiến này bị đông đảo cư dân mạng dành cho những lời lẽ nặng nề (gọi là “ném đá”). Người ta chê bộ chữ này phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt. Lạ quá, người chê không hề biết TIẾNG và CHỮ là hai khái niệm khác nhau. Các cụ ta xưa phần lớn mù chữ chứ chẳng ai mù tiếng Việt cả.

Votaire nói: “Tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói của anh”. Nào các anh chị em, hãy bỏ viên đá xuống để cùng phân tích từ tốn, văn minh.

Lịch sử chữ viết của nhân loại chưa bao giờ bất động. Người Hy Lạp, La Mã vay mượn chữ, số từ gốc vùng Trung Đông, Ả Rập để cải tiến thành bộ chữ ghi âm. Người Trung Hoa cũng đổi chữ nhiều lần và gần đây có chữ giản thể. 

Người Triều Tiên phát minh và chuyển sang chữ ghi âm Hangeul từ thế kỷ thứ XV. Chữ Triều Tiên không biểu ý mà biểu âm với một bảng chữ cái ghép vần ra tiếng tối giản đến mức có thể học hết cách ghép chữ trong vài giờ. Chữ Hangeul được gọi là Atsim Gul ( học xong chỉ một buổi sáng).

Minh họa của Tả Từ.

Việt Nam cũng cải tiến từ chữ Hán sang chữ Nôm nhưng không thành công. Chữ Quốc ngữ được hình thành khoảng 400 năm từ các giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Pháp như  F. De Pina, G. Amaral, A. Barbosa và A. De Rhodes. Mọi nỗ lực đại trà hóa quốc ngữ đều thất bại, kể cả chính quyền thực dân bắt buộc sử dụng cùng hoạt động của các hội truyền bá quốc ngữ đầu thế kỷ XX thì 90% dân ta vẫn mù chữ. Chỉ sau 1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành những biện pháp quyết liệt thì công cuộc xóa mù chữ mới thành công.

Tuy vậy, ta phải thừa nhận bảng chữ cái của chữ Quốc ngữ chưa hoàn hảo. Những phụ âm cùng âm thanh bị chồng chéo như C = K = Q; NG = NGH; G = GH... Chính tả, chính âm phức tạp, những người soát lỗi in ấn, báo chí khá vất vả.

Người viết bài này đã thử nghiệm một văn bản 523 từ vừa trang A4 gồm 2.395 chữ cái. Sau khi chuyển sang dạng chữ cải tiến của Giáo sư Hiền thì số chữ cái chỉ còn 2.182, bớt được 213 chữ cái. Như vậy gõ một trang ta bớt được 213 nhát gõ. Cứ thế mà nhân số trang. Thời gian là tiền bạc.

Để xóa nạn mù chữ Nho cần 3 năm. Xóa mù chữ Quốc ngữ cần vài tuần. Để làm quen với bộ chữ cải tiến của Giáo sư Hiền, cần không quá vài giờ. Trên mạng xã hội, người ta đã viết nhiều dòng trạng thái bằng kiểu chữ mới mà chẳng khó khăn gì. Anh đánh máy thì thích, nhưng hệ lụy của việc chuyển đổi không đơn giản. Toàn bộ văn bản vài thế kỷ gần đây sẽ trở thành một dạng “ngoại ngữ”. Việc làm lại từ đầu sẽ dẫn đến sự tốn kém khôn lường của toàn bộ đất nước.

Không phải nước nào cũng có chữ viết sao đọc vậy chặt chẽ như Nga hay Italia, Triều Tiên hoặc tương đối hợp lý như chữ Quốc ngữ. Chữ của nước Anh viết một đằng đọc một nẻo, buộc phải kèm bộ phiên âm mới giải quyết được. 

Người Mỹ và Anh cũng viết sai chính tả và mù chữ không ít. Tuy vậy, người Anh không thay đổi thứ chữ lủng củng của mình vì họ biết hệ lụy quá đắt. Ngược dòng lịch sử, chữ Quốc ngữ rất tốt nhưng nó cũng cắt đứt dây nối người Việt với di sản dân tộc suốt 20 thế kỷ trước chép bằng chữ Nho.Thời đó, các cụ nhìn chữ Quốc ngữ cũng rối rắm như ta nhìn chữ cải tiến thôi.

“Thánh phán” xứ ta có thói quen, điều gì không biết thì nói nó không có. Điều gì không hiểu thì phán nó vô lý. Mọi ý kiến đề xuất cần tuyệt đối tôn trọng. Việc áp dụng hay không là quyền của cơ quan quản lý. Trước Giáo sư Hiền đã có nhiều đề xuất cải tiến nhưng có được duyệt đâu.

Còn bạn. Trước khi phê phán gì, bạn có đọc nó không?

Lê Tâm
.
.
.