Tiêu thổ

Thứ Sáu, 11/01/2019, 15:15
Tôn Vũ là một danh tướng vĩ đại của nước Ngô ở cuối thời Xuân Thu. Sinh thời ông nổi danh với tài điều binh khiển tướng như thần.


Khi đầu quân cho Ngô vương Hạp Lư, Tôn Vũ đã dâng lên nhà vua 13 chương binh pháp gọi là “Tôn Tử binh pháp”, được Ngô vương rất tán thưởng.

Tôn Tử binh pháp không chỉ là “lý thuyết suông”. Trong sự nghiệp quân dịch của mình, Tôn Vũ đã trực tiếp chỉ huy 5 trận đánh và dùng những binh pháp trong Tôn Tử binh pháp để giành chiến thắng vẻ vang trước quân địch, lập công lớn cho nước Ngô.

Chính 5 trận chiến "để đời" này đã góp phần đưa tên tuổi của ông bất hủ cùng thời gian. Và cũng khiến Tôn Tử binh pháp dần trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của các nhà quân sự về sau.

Theo nhận định của sĩ quan Thomas Raphael Phillips, không những là binh thư cổ nhất mà Tôn Tử binh pháp còn là binh thư kinh điển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Từ giữa thế kỷ 20, các chuyên gia quân sự phương Tây đã thường xuyên vận dụng tư tưởng Tôn Tử để nghiên cứu các vấn đề quân sự.

Trong nhiều tác phẩm nổi tiếng về quân sự, từ Chiến lược luận (Strategy) của Sir Basil Henry Liddell Hart, Đại chiến lược (The Great Strategy) của John M. Collins, cho đến Chỉ huy tác chiến (Game Plan: A Geostrategic Framework For the Conduct of the U.S-Soviet Contest) của Zbigniew Kazimierz Brzezinski, đều có thể nhận ra ảnh hưởng của tư tưởng Tôn Tử.

Một trong những chiến lược quân sự trong Tôn Tử binh pháp được nhiều người biết đến là “Tiêu thổ”. Theo đó, một đội quân trước khi rút ra khỏi một địa điểm sẽ phá hủy tất cả những thứ địch quân có thể sử dụng được.

Tuy nghĩa chính là đốt lương thực, nhưng chiến pháp này bao gồm luôn phá sạch các phương tiện trọng yếu như nhà cửa, giao thông, liên lạc, kỹ nghệ, v.v… Mục đích là tạo khó khăn cho địch quân khi vào vùng đất bị tàn phá, không đủ điều kiện đóng quân, ăn nghỉ và sửa sang dụng cụ máy móc.

Chiến lược Tiêu thổ về sau đã được ứng dụng rất rộng rãi trong giới quân sự thế giới. Ngay ở nước ta, sách lược này cũng được biết đến với tên gọi “Vườn không nhà trống”, và được các danh tướng như Hưng Đạo Vương thường xuyên sử dụng.

Tuy nhiên, kể từ năm 1977, chiến lược Tiêu thổ với việc phá hủy thức ăn và nước của dân thường trong một khu vực xung đột đã bị cấm theo Điều 54 Nghị định thư I của Công ước Geneva năm 1977.

Tôn Vũ ở dưới âm giới nghe được tin này trong lòng rất buồn rầu, đã cởi bỏ áo quan trả lại cho Diêm Vương, tìm một hang động ở ẩn.

Thời gian thắm thoắt trôi, mãi đến hơn 400 năm sau, tức hơn 40 năm ở hạ giới, một buổi sáng Tôn Vũ vừa mở mắt đã thấy trước cửa động có một đám quỉ đang đứng chờ.

Tôn Vũ ngạc nhiên:

- Lũ quỉ bọn ngươi đến đây làm gì sớm quá vậy?

- Thưa ngài, chúng tôi được lệnh của Diêm Vương đến mời ngài nhận lại chức quan.

- Chiến lược quân sự của ta đã bị cấm, ta còn mặt mũi nào làm quan nữa?

- Dạ bẩm, nghe đâu trên dương gian vừa rồi đã có người phục hồi lại được sách lược của ngài.

Tôn Vũ nghe tới đó thì sáng bừng hai mắt, hào hứng hỏi han thật kỹ về “truyền nhơn” của mình.

Thì ra, gần đây ở nước X xuất hiện 2 nhân viên kiểm lâm có tài ứng dụng Tôn Tử binh pháp như thần. Khi phát hiện lâm tặc hạ 2 cây gỗ trong khu rừng cần bảo vệ, họ đã nhanh trí vận dụng Tiêu thổ, chặt luôn 32 cây khác trong rừng.

- Nhưng Tiêu thổ đã bị quốc tế cấm? - Tôn Vũ thắc mắc.

- Dạ bẩm, họ không dùng tên Tiêu thổ cho sách lược của mình, mà giải thích là chặt cây để chặn đường lâm tặc, và gọi là sách lược... cái gì Thổ…

- Thật là Thổ tả! – Tôn Vũ than.

- Đúng rồi, chính là nó!

Út Ngông
.
.
.