Tìm lại hồn cốt trang phục người Việt xưa

Thứ Năm, 27/11/2014, 10:10

Không văn hoa, màu mè, một góc triển lãm "Yếm - nét đẹp trang phục Việt" được bố trí tao nhã tại một góc đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, Hà Nội. Triển lãm trưng bày, giới thiệu sưu tập gần 30 ảnh tư liệu, tranh vẽ về hình ảnh người phụ nữ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 mặc yếm. Kèm theo có phần trưng bày về các loại nguyên liệu: kén tạo ra sợi dệt vải, công cụ dệt vải: sa quay sợi, khung cửi. Ngoài ra còn trưng bày sưu tập các loại yếm xưa...

Có ai đó đã nói rằng, người phụ nữ Việt Nam đẹp nhất là khi mặc áo yếm. Quả thật, chiếc áo yếm nửa kín, nửa "hờ hững" tôn lên tấm lưng trần nhỏ nhắn của người phụ nữ xưa khiến bao chàng trai phải ngẩn ngơ nhìn theo. Biết bao thế hệ vẫn mê mẩn nét đẹp của chiếc yếm thắm, và hôm nay, vô tình được biết đến triển lãm "Yếm - nét đẹp trang phục Việt" do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức, những người trẻ tuổi như tôi lại được sống lại trong một không gian văn hoá rất xưa của người Việt, mà ở đó, hồn cốt trang phục Việt được khơi gợi lại rất đẹp, rất tình.

Không văn hoa, màu mè, một góc triển lãm "Yếm - nét đẹp trang phục Việt" được bố trí tao nhã tại một góc đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, Hà Nội. Triển lãm trưng bày, giới thiệu sưu tập gần 30 ảnh tư liệu, tranh vẽ về hình ảnh người phụ nữ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 mặc yếm. Kèm theo có phần trưng bày về các loại nguyên liệu: kén tạo ra sợi dệt vải, công cụ dệt vải: sa quay sợi, khung cửi. Ngoài ra còn trưng bày sưu tập các loại yếm xưa.

Theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, triển lãm diễn ra từ ngày 20/11 đến ngày 31/12/2014 nhằm giới thiệu đến người dân Hà Nội, đặc biệt là thế hệ trẻ cùng khách quốc tế gần xa về một trong những trang phục cổ của kho tàng trang phục truyền thống dân tộc Việt. Từ đó góp phần giữ gìn và bảo tồn giá trị trang phục yếm. Đây cũng là một trong những hoạt động văn hóa để chào mừng Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IX (23/11).

Tranh vẽ về phụ nữ xưa.

Điểm nhấn gây ấn tượng nhất với du khách trong và ngoài nước đó chính là những bức ảnh chụp những người phụ nữ Việt xưa duyên dáng trong tà áo yếm, gợi nên một không khí rất cổ kính của những vùng nông thôn thuần Việt, mà ở đó, người phụ nữ Việt Nam dù đang làm việc, hay đang đi dạo chơi cũng đều toát lên một vẻ đẹp rất tình tứ.

Yếm xuất hiện từ bao giờ không ai rõ, chỉ biết rằng nó có mặt trong cuộc sống của người dân miền Bắc xưa kia ở mọi tầng lớp. Sự tồn tại của chiếc áo yếm cũng song hành cùng nghề dệt lụa của Việt Nam, chính vì vậy chiếc áo yếm mang một nét đẹp hết sức tinh tế. Dù người phụ nữ có xuất thân từ thân phận nghèo khó, hay quý tộc, vương giả, nhưng khi khoác lên mình chiếc áo yếm mỏng manh thì họ đều đẹp và gợi cảm một cách lạ lùng.

Vào thế kỷ 18-19, chiếc áo yếm có hình vuông vắt chéo trước ngực, góc trên khoét tròn làm cổ yếm đính mẩu dây để cột ra sau gáy. Bước sang thế kỷ 20, yếm càng được sử dụng phổ biến với nhiều kiểu dáng và mẫu mã phong phú. Trong những ngày vui hoặc hội hè, đình đám, các cô gái trẻ thường mặc yếm đào, yếm hồng hay yếm thắm, yếm đỏ… khoác bên ngoài là chiếc áo cánh, rồi đến áo tứ thân hoặc áo dài mớ ba, mớ bảy. Còn trong các ngày thường, họ mặc yếm trắng, yếm nâu… và khoác bên ngoài chiếc áo nâu giản dị.

Tuy thiết kế, màu sắc đơn giản nhưng yếm đã thể hiện một cách chân thực nhất vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ Việt Nam. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà yếm trở thành một đề tài văn học, một nguồn cảm hứng dồi dào để các nhà thơ, nhà văn ca ngợi và là vật để các chàng trai mang ra tỏ tình và "thách thức" đối với các cô gái, cũng là tượng trưng cho tình cảm của các cô gái trong chuyện trao lời hẹn ước với người mình yêu.

Nhiều nhà nghiên cứu đã không ngớt lời khen yếm ra đời là để tôn vinh tấm lưng ong - nét đẹp vốn có của người phụ nữ Việt. Người Việt xưa cho rằng, những cô gái thắt đáy lưng ong không chỉ mang một dáng hình đẹp mà còn có đầy đủ tất cả những đức hạnh của một người vợ, người mẹ. Khi đi ra ngoài, người phụ nữ thường khoác thêm chiếc áo dài, chiếc váy lưỡi trai bằng lĩnh, dải lụa đào hoặc màu mỡ gà thắt ngang lưng, cái xà tích bạc lủng lẳng, bộ "đồ nghề" ăn trầu bên phía cạnh sườn, chân mang dép. Trang phục áo yếm sẽ hoàn hảo hơn nếu đi kèm hai chiếc khăn đội đầu: khăn nhiễu (quấn bên trong) và khăn mỏ quạ (quấn bên ngoài). Trong các dịp lễ hội, các cô gái thường trang bị thêm chiếc nón quai thao và tóc vấn cao cài lược.

Ngày nay, chiếc yếm đã được cải tiến gọi là áo yếm để dùng cho các em gái mới lớn. Dù không còn được sử dụng rộng rãi nhưng nét đẹp của chiếc yếm thắm vẫn làm mê đắm biết bao thế hệ người Việt và chiếc áo yếm vẫn mãi là một trang phục độc đáo, gợi hồn dân tộc của người Việt xưa

Ngọc Trâm
.
.
.