Tìm vợ bằng quảng cáo và tiền

Thứ Bảy, 20/04/2013, 15:53

Chưa bao giờ, thế giới lại chứng kiến nhiều chuyện cười chảy nước mắt trong các màn "tuyển vợ" của các đại gia như hiện nay. Chỉ cần tiền và những lời quảng cáo chân thực là những người đàn ông lắm tiền nhiều của có thể vớ ngay cho mình không chỉ một mà hàng tá cô gái đang mong ngóng một ngày được làm vợ đại gia.

Tin từ hãng Telegraph hồi đầu tháng 4 cho hay, triệu phú Dinshah Vimadalal, người có thời từng làm mưa làm gió trong làng du lịch Ấn Độ mới đây đã chấp nhận chi tới 23.000 USD để mua một quảng cáo toàn trang mục hôn nhân trên tờ The Times.

Trong quảng cáo, đại gia 70 tuổi này đã tâm sự rằng ông ao ước một cuộc sống gia đình đầm ấm bên người vợ yêu thương. Và sau cái chết của người vợ trong một tai nạn ôtô cách đây 3 năm, giờ đây người đàn ông cô đơn này mong ước tìm được một cô vợ ở độ tuổi không quá 40, dáng đẹp, chưa có con, biết nói tiếng Anh và thích phiêu lưu.

Chưa hết, triệu phú Dinshah Vimadalal còn cụ thể mong ước của mình bằng một hình mẫu cho người vợ tương lai với dáng vẻ cao, gầy, mông nhỏ và biết chiều chuộng chồng. Dinshah Vimadalal tâm sự, hơn 40 năm sống ở Mỹ, ông đã hiểu rõ phụ nữ Mỹ và Mexico. Vì thế lần này, người vợ tương lai mà ông muốn nhắm tới là những phụ nữ Ấn Độ sống ở Mumbai.

Điều đáng chú ý là trường hợp của Dinshah Vimadalal không hề hiếm. Ở Ấn Độ, đàn ông vẫn có thói quen đăng quảng cáo tìm vợ trên báo. Còn tại Trung Quốc, nơi có mức độ chênh lệch giới tính cao thì việc tìm một người vợ càng không đơn giản chút nào, kể cả khi người đàn ông đó là người giàu có, đẹp trai, tài giỏi. Thêm vào đó, ý thức được lợi thế của mình, các cô gái Trung Quốc cũng ngày càng thoải mái, thậm chí là vui thích hơn với việc tham gia vào các cuộc thi sắc đẹp tuyển chọn vợ coh các đại gia hơn là tìm kiếm một ý trung nhân nghèo khó.

Đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của cả đôi bên, nhiều công ty môi giới và các chương trình truyền hình hẹn hò đã mọc lên như nấm và đưa ra nhiều tư vấn cho các chàng trai độc thân, giàu có. Chẳng hạn như hồi tháng 12 năm ngoái, một cuộc thi tuyển vợ đã được tổ chức tại hồi trường gần trung tâm triển lãm quốc tế với sự tham gia của gần 600 phụ nữ. 8 thí sinh xuất sắc nhất đã được chọn vào vòng chung kết và gặp mặt 3 đại gia nổi tiếng ở Trùng Khánh hồi tháng 1. Nhưng cho đến nay, dường như chưa ai trong số 8 người nói trên lọt vào mắt xanh của 3 đại gia này.

Còn ở Nam Kinh, có tới 60.000 cô gái đã ứng tuyển khi một đại gia tuyên bố muốn tìm người vợ còn trinh. Những người này đã phải trải qua nhiều thử thách như phỏng vấn và thể hiện trình độ nấu nướng…

Các cuộc chọn vợ tương tự cũng được tổ chức ở Quảng Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải, nơi mà số nam thanh niên trẻ tuổi, giàu có mọc lên như nấm. Các đại gia này thường phải chi khoản chi phí từ 15.000 USD đến 80.000 USD cho mỗi một lần tuyển vợ. Bên cạnh đó, họ còn phải trình một bản chứng minh tài sản sở hữu trị giá trên 4,5 triệu USD, cộng thêm thu nhập cá nhân hàng năm không được thấp hơn 150.000 USD…

Nghịch lý cái là tại Trung Quốc, nếu đại gia còn khó tìm vợ thì những người nghèo lại càng không có cơ hội để lấy vợ. Không có tiền để chi cho các cuộc tuyển chọn tốn kém, những chàng trai trẻ ở Bắc Kinh, Thượng Hải với khát khao cháy bỏng là được lập gia đình, đã lên mạng làm quen rồi cùng rủ nhau đeo tấm bìa cứng có ghi số điện thoại ra trước ngực rồi cùng rủ nhau xuất hiện trong một chuyến tàu điện ngầm để tìm vợ. Hồi tháng 9 năm ngoái, một người đàn ông trạc 60 tuổi cũng thản nhiên khỏa thân và chỉ đeo trên người một chiếc đai trinh tiết với lời mời gọi "tuyển vợ"…

Và chuyển tuyển vợ không chỉ có ở châu Á mà tại châu Âu, Mỹ hay châu Phi, các hình thức chọn vợ khác nhau cũng được áp dụng. Từ tháng 12 năm ngoái, cụ già McCulloch (82 tuổi) sống ở Corvallis, Oregon (Mỹ) đã lang thang khắp chốn với tấm biển đeo bên người cùng dòng chữ "tìm vợ". Tiêu chuẩn chọn vợ của ông là cụ bà trên 60 tuổi, sống cùng thành phố, thích đọc sách và có khiếu hài hước.

Hay như ở châu Phi, 7 năm sau khi lấy người vợ thứ 13, vua Swaziland lại quyết tâm cưới thêm người vợ nữa. Màn tuyển chọn được dựng lên theo kiểu thổ dân với sự góp mặt của 100.000 cô gái đến từ khắp mọi miền của đất nước. Các cô gái đều chỉ vận trên mình trang phục là chiếc váy ngắn sặc sỡ và đồ trang sức bắt mắt, ngực thì để trần. Sau đó, họ không chỉ phải múa trước mặt vua mà còn phải chịu qua đợt kiểm tra "khám trinh" trước thanh thiên bạch nhật.

Dẫu vậy, những cô gái này vẫn vui lòng thực hiện bởi đối với họ, việc trở thành vợ của vua chẳng khác gì trúng vé số độc đắc vì họ sẽ có ngay một tòa lâu đài, một siêu xe BMW và một cuộc sống nhung lụa

Khánh Chi
.
.
.