Tình già của hai số phận đặc biệt

Thứ Hai, 16/01/2017, 13:03
Cả hai sinh ra đã phải gánh chịu nhiều bất hạnh, người thân đều bỏ xứ đi biệt tích. Đến tuổi xế chiều, không còn nơi nương tựa thì họ lại tìm được đến với nhau.


Ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Ninh chẳng ai là không biết chuyện tình cảm đặc biệt của ông Chíu Gì Tình (77 tuổi, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) người dân tộc Dao và bà Lâm Thị Bình (70 tuổi, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh).

Nó là mối lương duyên đặc biệt, cùng với hành động nhân văn của trung tâm, họ đã có hạnh phúc muộn màng tưởng chừng như cả hai chẳng bao giờ với tới.

Số phận bất hạnh

Cả cuộc đời họ chịu bao bất hạnh, lận đận nhưng nhìn cái cách mà hai người chăm sóc nhau ai cũng mừng vì hạnh phúc tuy muộn màng nhưng thật ấm áp. Chúng tôi đến trung tâm đúng vào lúc bà dắt ông từ nhà ăn về phòng.

Phút giây hạnh phúc của ông Tình và bà Bình.

Bà Bình đưa mắt về phía ông Tình rầu rầu nói: "Ông ấy vốn bị mù từ nhỏ, đi lại khó khăn lắm, cứ đến bữa là tôi lại đưa ông ấy đi ăn. Ban đầu sợ mọi người bàn ra tán vào nhưng tôi không thể cầm lòng được".

Cảm động trước hành động của bà Bình mà chẳng ai xì xèo lấy một lời. Sau này họ đã quyết định dựa vào nhau để sống, bà nguyện làm đôi mắt cho ông.

Bà Bình nổi tiếng là người phụ nữ đảm đang, bởi bà vốn là chị cả của 5 người em. Gia đình chẳng mấy khá khẩm, lại đông anh em, lớn lên bà là người chịu thiệt thòi nhất. Bà phải bươn chải từ rất sớm, làm đủ thứ nghề kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi các em.

Ngoảnh đi ngoảnh lại, khi các em đã "thành gia lập thất" thì mình đã quá lứa lỡ thì. Nghĩ đời mình sinh ra phải chịu vất vả, bà Bình ở vậy phụng dưỡng cha mẹ già. Tuy xác định cuộc đời ở vậy nhưng bà cũng không tránh được những giây phút chạnh lòng khi mà bạn bè cũng trang lứa đã con cái đề huề.

Sau nhiều lần được người thân động viên, bà quyết định "xin" lấy mụn con để dựa dẫm tuổi già. Nói đến đây, bà Bình lại khóc nức nở, bà khóc vì thương con, khóc vì thương cho số phận hẩm hiu của mình. "Tôi "xin" được 3 đứa con gái là Lâm Thị Minh, Lâm Thị Chiến và Lâm Thị Ninh. Cứ tưởng sau này được nhờ vả chúng nó nhưng ông giời lại không thương tôi" - bà Bình tâm sự.

Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi, 3 người con gái lớn lên bên cạnh người mẹ nghèo khó nhưng không thiếu tình yêu thương. Chị Minh là người may mắn nhất, bởi đã lấy chồng và sinh được ba người con. Còn chị Chiến thì bệnh tật từ khi còn nhỏ, mất cách đây 5 năm. Người con khiến bà Bình đau đáu nhất chính là chị Ninh. Vì thương mẹ, chị Ninh quyết định lên thành phố Hạ Long để làm thuê.

Trong một lần được bạn rủ sang Trung Quốc lấy hàng, không ngờ người bạn này đã bán chị ngay trong lần đó. Không thấy con gái về, bà Bình đi tìm, rồi nhờ anh em họ hàng lùng sục các tỉnh biên giới nhưng đều bất lực.

Tài sản chẳng còn gì, đến ngôi nhà cũng bán đi để lấy lộ phí tìm con, tuổi ngày một già, bà Bình đành phó mặc số phận. Buông bỏ hy vọng tìm thấy đứa con gái thất lạc.

Thấy hoàn cảnh bà quá đáng thương, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh đã bàn với gia đình đưa vào để chăm sóc. Bà Bình nhìn về ông Tình mà lòng thêm héo hắt, bà bảo: "Có lẽ tôi và ông ấy bị giời đày cô chú ạ. Ông ấy có hoàn cảnh còn đáng thương hơn tôi rất nhiều".

Ông Tình vốn bị mù bẩm sinh, cuộc sống vô cùng khó khăn, nay đây mai đó. Dù khiếm thị nhưng chàng trai ấy lại là người lợi khẩu, và thông minh. Ông kiếm được người vợ hơn mình một vài tuổi ở Hải Dương. Khi ấy họ hàng ai cũng mừng cho ông, ai nấy cũng xuýt xoa "cũng may là ông ấy kiếm được vợ, lại sinh được con nữa chứ. Đúng là ông trời không lấy đi của ai tất cả".

Hai người cưới nhau xong, vợ chồng sinh được hai người con, đủ nếp đủ tẻ. Cuộc đời không như mơ, vợ chồng ông Tình ở với nhau được 4 năm thì người vợ bồng bề con bỏ đi mất tích.

Mọi thông tin về vợ con chỉ là 1 lời nhắn lại: "Em đưa các con sang Trung Quốc làm ăn". Một thân một mình, mắt lại không nhìn thấy, ông Tình bất lực sống cảnh cô đơn. Thương con, ông chỉ biết khóc, rồi đôi lần viết thư nhờ người tìm nhưng không thấy hồi âm. Nhiều lần tuyệt vọng, ông đã định kết thúc cuộc đời nhưng rồi ông trời lại không muốn ông đi.

Ông bảo, ông trời còn muốn ông sống, muốn ông chịu thêm bất hạnh nữa mới thôi. Không vợ, không con, không gia đình, nhiều lúc ông Tình cứ thơ thẩn đi khắp nơi. Thấy hoàn cảnh quá đáng thương, anh em quyết định đưa ông Tình vào trung tâm để sinh sống và nương tựa với những người cùng cảnh ngộ.

"Vợ tôi bỏ đi có lẽ vì thấy cuộc sống quá khó khăn khi phải sống với người tàn tật. Tôi chẳng trách gì cô ấy, chỉ thương cho số phận của mình quá hẩm hiu. Rồi thương hai đứa con nhỏ phải phiêu bạt nơi xứ người, chẳng biết mặt cha nó là ai" - ông Tình ngân ngấn nước mắt.

Hạnh phúc muộn màng

Dù cả hai người đã gặp quá nhiều biến cố, quá nhiều bất hạnh nhưng họ chẳng trách ai, chỉ thương cho số phận của mình. Và đến khi tình yêu hồi sinh, họ gặp nhau thì dường như bao oán thán với số phận đã tan biến.

Cả hai chẳng thể ngờ được đến cuối cuộc đời lại tìm được nhau, dựa vào nhau để sổng, để hạnh phúc những năm tháng tuổi già. Ngày đầu vào trung tâm, người bà Bình để ý nhất lại chính là người đàn ông đặc biệt nhất. Ông Tình luôn giữ cho mình một gương mặt u sầu.

Bà Bình cười vui vẻ khi nhắc tới chuyện tình cảm với ông Tình.

Tình thương, sự đồng cảm cứ thôi thúc bà phải là đôi mắt cho người đàn ông tội nghiệp kia. Thời gian đầu bà cũng ngại ngùng, nhưng sau này bà đã quyết tâm giúp đỡ ông trong những buổi sinh hoạt hay lao động tập thể ở trung tâm. Hàng ngày bà đưa ông đến nhà ăn, rồi lại cùng nhau đi bộ quanh trung tâm.

Những lúc đó họ lại kể cho nhau về cuộc đời mình. Thế rồi họ thương mến nhau khi nào cũng chẳng hay, nhờ sự giúp đỡ của cán bộ trung tâm họ đã tìm thấy hạnh phúc ngọt ngào.

Nói về chuyện của hai người, ông Tình rưng rưng: "Tôi chỉ biết cảm ơn bà Bình thôi. Có bà ấy mà tôi đã tìm lại được những giây phút bình yên của cuộc đời. Sau quá nhiều biến cố đến giờ đây tôi mới thực sự cảm nhận được thế nào là hạnh phúc. Tôi cũng phải cảm ơn cán bộ ở trung tâm, nếu không có họ, tôi và bà Bình không thể tìm thấy được hạnh phúc".

Nguyện làm đôi mắt sáng dắt nhau đi hết những năm tháng cuối đời.

Dù không nhìn rõ mặt bà Bình nhưng chỉ cần nghe giọng nói, hành động, ông cũng cảm nhận được bà là người thế nào. Chỉ một hành động nhỏ thôi, ông cũng biết bà đang vui hay buồn. Chả thế mà những ngày lê, Tết, chỉ cần một trong hai người về quê là người kia như thể mất hồn, tìm mọi cách để gọi điện thoại, nói chuyện cho bằng được.

"Nơi đây là gia đình của chúng tôi rồi, đi đâu làm gì cũng phải có nhau. Mà ông ấy cứ như trẻ con vậy, thi thoảng tôi về thăm con cũng chẳng yên, ông ấy cứ cuống lên, gọi điện cho bằng được. Bắt tôi trở về trung tâm càng sớm càng tốt. Có mơ tôi cũng không nghĩ cuối đời mình lại có những tháng ngày hạnh phúc như vậy".

Bà Phạm Thị Thanh Ngoan, Trưởng phòng quản lý và tư vấn (Trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Ninh) cho biết: Trường hợp của ông Tình, bà Bình ở đây thì ai cũng biết. Họ đều có những hoàn cảnh hết sức đặc biệt, khi mà người thân đều bỏ đi biệt tích. Sau khi vào đây, họ có tình cảm với nhau, giúp đỡ nhau từ những việc làm nhỏ nhất. Biết được tình cảm ấy, chúng tôi đã đề xuất với Ban lãnh đạo Trung tâm để cho các cụ được ở gần nhau với mục đích giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, để các cụ sống vui tươi hơn. Đây là việc làm nhân văn và mong muốn các cụ được sống vui vẻ và hạnh phúc trong Trung tâm.
Phong Anh
.
.
.