Tình mẫu tử trong chiếc giày ở trại Auschwitz

Thứ Bảy, 05/09/2020, 08:17
Đề tài Auschwitz chưa bao giờ giảm sức hấp dẫn với những ai muốn tìm hiểu về Chiến tranh thế giới thứ II. Sau mỗi năm, người ta lại khám phá ra những câu chuyện mới liên quan đến trại tập trung người Do Thái nổi tiếng nhất. Ở đó không chỉ có hố chôn người tập thể, buồng khí độc..., mà còn ẩn giấu vô vàn câu chuyện đẹp.


Dấu ấn lịch sử

Ngày 21/7, Bảo tàng Auschwitz thông báo họ sẽ trưng bày một trong những hiện vật hiếm hoi vừa được phát hiện có ghi tên tuổi và câu chuyện của một nạn nhân tại trại tập trung này. Đáng chú ý hơn, quá trình tìm thông tin liên quan đến cậu bé Amos Steinberg diễn ra vô cùng bất ngờ. Mọi người vô tình tìm thấy chiếc giày của cậu, phát hiện bên trong có một mẩu giấy được người mẹ nhét vào để hy vọng sau này đoàn tụ, họ vẫn có thể tìm thấy nhau qua chút thông tin ít ỏi kia.

Là trại tập trung Do Thái lớn nhất của phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cái tên Auschwitz luôn là nỗi kinh hoàng với bất kỳ ai may mắn sống sót và rời khỏi nơi đây. Nằm ở phía Nam Ba Lan, trại tập trung này đôi lúc còn được biết đến dưới tên Auschwitz-Birkenau. Ban đầu nó vốn chỉ được sử dụng để giam giữ tù nhân chính trị, nhưng sau đó dần mở rộng và trở thành trung tâm của một mạng lưới gồm 40 trại tập trung lớn nhỏ khắp châu Âu.

Hàng trăm ngàn người Do Thái bị đưa đến các trại tập trung đã không thể sống sót đến ngày tự do.

Ngày Hồng quân đến Auschwitz, cảnh tượng trước mắt họ khiến không ai có thể quên được: Hàng ngàn người bị bỏ lại phía sau với tấm thân da bọc xương, một số chết đã lâu và không được chôn cất. Những người còn sống sót kể họ phải làm lao động khổ sai, số khác bị đem ra làm thí nghiệm.

Nhưng trong tình cảnh nguy nan, con người luôn tìm được giải pháp. Những gia đình Do Thái làm mọi cách để thông tin về nhau luôn được mang trong mình. Nếu có một ngày gặp lại và không thể nhận ra nữa, họ sẽ tìm thấy nhau bằng những mẩu giấy viết tay.

Không phải nạn nhân nào của phát xít Đức cũng được biết đến rộng rãi như Anne Frank, thông qua cuốn nhật ký của cô bé còn sót lại sau cuộc chiến. Nhưng cũng giống như Anne và hàng trăm ngàn cô cậu bé Do Thái khác ở thời điểm đó, các ông bố bà mẹ dường như sợ hãi trước viễn cảnh con mình bị tước đi, thay tên đổi họ và trở thành một con người hoàn toàn khác. Đó là lý do đồ dùng cá nhân của chúng được nhét những mẩu giấy nhỏ chứa thông tin về mình vào đó.

Trẻ em luôn được ưu tiên hàng đầu trong những mẩu giấy như thế. Các bậc cha mẹ sẵn sàng chấp nhận việc bị lịch sử lãng quên, đổi lại con cái họ sẽ luôn được ghi nhớ. Một trong những mẩu giấy như vậy đã ghi lại chuyện đời của một cậu bé được chuyển tới Auschwitz vào tháng 10/1944, chỉ hơn 1 năm cho đến ngày cuộc chiến hoàn toàn kết thúc. Nhờ vậy người ta biết có một nạn nhân tên Amos Steinberg, và cậu từng ở đây trong bao lâu.

Hành trình trong quá khứ

Amos Steinberg sinh ngày 26/6/1938 tại Prague, nhưng những ngày yên bình của cậu bé gốc Do Thái không thể kéo dài lâu. Ngày 10/8/1942, chính quyền phát xít tống cậu cùng ông bố Ludvik và bà mẹ Ida vào trại tập trung Theresienstadt Ghetto nằm gần Prague. Sau một thời gian, họ được chuyển đến Auschwitz giống như hàng chục ngàn người khác. Đó là lúc mảnh giấy về Amos được viết ra và nhét vào trong chiếc giày của cậu bé.

"Từ những tài liệu còn sót lại, chúng tôi biết rằng Amos và mẹ đến Auschwitz theo đường tàu hỏa vào ngày 4/10/1944. Họ ghi lại thông tin về nhau bởi người bố bị tách khỏi gia đình. Ông đến trại tập trung Dachau vào ngày 10/10/1944", cán bộ Viện Bảo tàng Auschwitz chia sẻ thông tin. Họ còn biết chuyến tàu định mệnh chở Amos đến Auschwitz có ký hiệu BA 541.

Tuy nhiên, điều không may là những con người của một thời lịch sử không thể vượt qua sự tàn bạo của phát xít Đức. Không lâu sau ngày đến Auschwitz, Amos và mẹ bị đưa vào phòng hơi ngạt. Chẳng ai biết thi hài họ ở nơi đâu, có thể là một hố chôn tập thể nào đó chưa từng được khai quật. May mắn hơn người vợ và cậu con trai xấu số, ông bố Ludvik vẫn sống sót trong những ngày lao động khổ sai ở trại Kaufering thuộc Dachau.

Cùng với chiếc giày của Amos, những nhà sử học còn tìm thấy một vài chiếc giày khác có tiếng Hungary ở bên trong. Dù vậy, phần lớn thông tin chỉ là những mẩu giấy báo, chữ viết tay đã phai nhạt dần theo thời gian. Theo những thông tin còn đọc được, họ biết chủ nhân trước đây của chiếc giày này được nhét mẩu giấy chứa thông tin về mình vào khoảng giai đoạn 1941-1942, và cô/cậu bé đó từng sống ở Budapest.

Chiếc giày của Amos được tìm thấy gần như nguyên vẹn.

Phía Bảo tàng Auschwitz còn tiết lộ một chi tiết thú vị khác: Không ít gia đình nhét giấy khai sinh của con mình vào giày bằng việc đóng thêm một tấm lót chân để che đi tài liệu được giấu bên trong. Ngoài Amos, một vài cậu bé khác được xác định mang họ Ackermann, Brávermann và Beinhorn. Những người này được chuyển tới Auschwitz sớm hơn Amos một chút, vào khoảng giữa mùa xuân và mùa hè năm 1944.

Bí mật được giữ lại

Không may mắn như Amos và gia đình, hàng trăm ngàn người Do Thái bỏ mạng ở các trại tập trung trên khắp châu Âu vào Chiến tranh thế giới thứ hai cho đến nay vẫn chưa được biết tên. Chỉ tính riêng ở Hungary trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7/1944, có hơn 420 ngàn người đã phải vào các trại tập trung. Phần lớn trong số họ không bao giờ chứng kiến khoảnh khắc họ trở lại làm người tự do. Ước tính có đến hơn 300 ngàn người Do Thái bỏ mạng trong các phòng hơi ngạt.

Vì lý do đó, mọi thông tin, di vật về các trại tập trung Do Thái đều được trân trọng hơn bao giờ hết để các gia đình có thể tìm lại được nhau. Họ không thể gặp mặt người thân, nhưng chí ít có thể được thấy cái thìa, cái dĩa từng được anh chị em của mình sử dụng trước kia. Đó cũng là nguyên nhân khiến ban lãnh đạo Bảo tàng Auschwitz quyết định sẽ coi chiếc giày có thông tin về Amos như một vật phẩm đặc biệt, với phần nội dung chính bên trong được giữ kín.

Bảo tàng Auschwitz không phải nơi được mở cửa triển lãm quanh năm, vì thế ngay cả những cán bộ tại đây cũng không thể chia sẻ hết thông tin bên trong chiếc giày của Amos. Họ có lý do để làm vậy, bởi điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến lượng khách tham quan hàng năm. Thay vì mở ra, chụp toàn bộ ảnh về phần thông tin của Amos bên trong chiếc giày, phía bảo tàng muốn những ai quan tâm hãy đến chứng kiến tận mắt trong thời gian tới.

"Chúng tôi muốn giữ kín thông tin được cất bên trong chiếc giày của Amos cho đến ngày bảo tàng chính thức mở cửa trở lại", một cán bộ cho biết. Để đảm bảo quy trình đó diễn ra đúng như dự kiến, ngay cả các nhà sử học cũng không được phép tiếp cận với vật chứng lịch sử nói trên. Giống như những người có chung niềm yêu thích tìm hiểu về Chiến tranh thế giới thứ hai, họ chỉ có thể chờ đến năm tới để mua vé vào tham quan và biết thêm về Amos.

Ngày bảo tàng Auschwitz mở cửa trở lại, chúng ta sẽ biết về một cậu bé từng ở trại tập trung này có tên Amos. Cậu được ghi lại và nhớ đến bởi người mẹ không muốn con trai mình bị lãng quên. Dù họ không thể vượt qua những ngày thống khổ dưới vô vàn thí nghiệm quái đản của phát xít Đức, điều may mắn còn sót lại là Amos giờ đây được biết đến không chỉ dưới một cái tên chung là "nạn nhân ở trại tập trung Auschwitz".

Sơn Hải (tổng hợp)
.
.
.