Tình người ở "xóm" phong

Thứ Năm, 21/01/2016, 11:07
Nếu không có người hướng dẫn, có lẽ chẳng ai biết được rằng ở phía sau Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Bắc Ninh có một "xóm" bệnh nhân đặc biệt. Đây là nơi sinh sống của 90 bệnh nhân phong cuối cùng của một trong những trại phong lớn nhất miền Bắc trước đây.


Có những người đã vào đây hàng chục năm, nhưng cũng có người mới chỉ vài năm. Có người chẳng còn nơi đi về, có người vẫn còn gia đình, quê hương, nhưng bị xa lánh, hắt hủi. Họ sống nương tựa vào nhau những ngày cuối đời và cái tình cái nghĩa bao nhiêu năm sống ở "xóm" phong này khiến họ gắn bó không muốn rời xa.

Thiếu hơi ấm gia đình

Tại Khoa điều trị bệnh phong, da liễu của Bệnh viện Phong & Da liễu tỉnh Bắc Ninh hiện có 90 bệnh nhân phong đang sinh sống. Đây cũng là 90 bệnh nhân phong cuối cùng của bệnh viện. Sau khi Nhà nước có chủ trương tái hòa nhập cộng đồng cho người bệnh phong thì Bệnh viện Phong & Da liễu tỉnh Bắc Ninh không tiếp nhận thêm bệnh nhân mới. Hầu hết họ tuổi đã cao. Có những người sống cùng gia đình chưa đầy 10 năm nhưng gắn bó với nơi này hơn 80 năm. 

Cả "xóm" được chia ra làm 3 tổ với nhiều khu khác nhau. Trong đó, có tổ được xem là trọng điểm, gồm những bệnh nhân bị bệnh nặng, cụt chân, cụt tay, yếu và không làm được việc gì. Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 1 triệu đồng/người nhưng đời sống của 90 bệnh nhân phong nơi này gặp rất nhiều khó khăn. Rất nhiều người trong số họ bị gia đình hắt hủi, đau đớn vật vã từng ngày vì căn bệnh phong, rồi chết đi cũng trên đất này. Người thân của họ chính là đội ngũ y, bác sỹ và những bệnh nhân cùng cảnh ngộ ở nơi đây.

Ông Thìn năm nay 68 tuổi, sống tại đây đã 35 năm. Ông bị bệnh phong lúc 7 - 8 tuổi; rồi gia đình đưa ông vào Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) - lúc đó là nơi tập trung khoảng 3.000 bệnh nhân phong của cả miền Bắc; sau đó ông được chuyển về Trại phong Quả Cảm (nay là Bệnh viện Phong & Da liễu tỉnh Bắc Ninh). Từ khi vào đây, ông vẫn lủi thủi một mình. Vợ con, cháu chắt ở quê, chẳng thấy lên thăm. 

Một góc nhà của hai cụ bị bệnh phong.

Ông kể: "Tôi có 4 đứa con, 2 trai, 2 gái; có tất cả 15 cháu, 8 chắt nhưng mà có đứa chẳng biết ông đang ở chỗ nào, mặt mũi ra làm sao? Nhiều lúc buồn tủi lắm. Những khi nhớ nhà, mình về thăm thì sáng về chiều đã lại lên đây. Ở nhà không có không khí ấm cúng của gia đình gì cả. Ngày giỗ cha giỗ mẹ, muốn về để thắp cho ông bà một nén hương nhưng chẳng có ai lên đón. Ngày cưới của thằng lớn, gia đình lên đón về nhưng đưa thẳng vào nhà trong. Rồi đến lượt thằng em cưới, gia đình lại đưa bố nó sang nhà thằng anh. Hàng xóm hỏi sao không đón bố về, chúng bảo bố ốm, không về được. Người ngoài chưa khinh mình mà vợ con mình đã khinh mình rồi". 

Cái "xóm" phong này với ông giờ đây đã quá quen thuộc, bởi ở đây ông còn có bạn bè, anh em, tuy chẳng phải máu mủ ruột già, nhưng ít ra, hằng ngày ông có người tâm sự, có người chơi thể thao cùng để cho vơi đi nỗi buồn tủi vì nhớ quê hương, con cháu.

Nhiều cụ được gia đình đưa vào đây rồi kể từ đó không thấy ai trở lại thăm nữa. Ai may mắn thì kết bạn cùng một người nào đó, gọi là vợ chồng. Còn không, sống một mình đơn độc, bạn bè, người thân chính là những bệnh nhân cùng cảnh ngộ. Cũng có một vài trường hợp tạm gọi là con cái không bỏ rơi thì cũng chẳng vui vẻ gì. Y tá Nguyễn Thị Xuân kể, có một bà đang sống tại đây, cô con gái đi lấy chồng, cô bảo với gia đình chồng rằng mẹ mình đã mất vì xấu hổ bệnh tình của mẹ. Ngày bệnh viện gọi điện báo mẹ mất, cô trốn chồng trốn con lên trại để tang mẹ, nước mắt ngắn dài xin mẹ tha tội.

Tình người nơi xóm nhỏ

Thiếu hơi ấm gia đình, người thân chăm sóc, những bệnh nhân ở đây chỉ biết sống dựa vào nhau, chia sẻ buồn vui, cay đắng cuộc đời. Với họ, trại phong này chính là quê hương, là ngôi nhà thứ hai, mà ở đó, họ tìm được niềm vui những ngày cuối đời. Trong số 90 bệnh nhân phong đang điều trị tại đây thì có nhiều hộ gia đình hai ba thế hệ tập trung sinh sống. Nhiều người may mắn vợ chồng đều còn sống, nhưng không ít người chồng hoặc vợ mất sớm, con cháu không có, phải sống thủi một mình.

Bà Hiền, 82 tuổi, quê ở Bắc Giang, bố mẹ đều mất sớm, anh chị em không có. Sau khi bà phát bệnh, bị cả làng xua đuổi, bà phải vào trại phong ở Quỳnh Lập, Nghệ An. Bà gặp ông ở Trại, cũng không gia đình, người thân. Hai con người cùng cảnh ngộ nên sống nương tựa vào nhau, được 5 năm rồi lại đưa nhau ra trại phong ngoài này. 

Ngày chúng tôi về thăm Trại, ông vừa mất, mắt kém nên bà cứ lúi cúi, dò dẫm từng bước trong căn phòng chật chội để nấu cơm cúng cho ông. Hồi ông còn sống, mặc dù bị cắt mất một chân nhưng ông còn giúp bà đôi việc lặt vặt như quét cái nhà, cái sân. Ngoài bệnh phong, ông còn bị tiểu đường. Hồi tháng 5, bụng ông trướng lên, cuối tháng đó bụng rực lên, ông thở dốc, người ta đưa ông xuống trạm xá một tuần là mất.

Giờ chỉ còn một mình bà lủi thủi. Buồn lại mở tivi ra xem, không thì lại sang "nhà" hàng xóm ngay phòng bên cạnh để trò chuyện cho đỡ buồn. May mà có cô y tá Nguyễn Thị Xuân, người đã gắn bó với bệnh nhân phong ở đây hơn 30 năm nay, ngày nào cũng đến hỏi thăm bà và các bệnh nhân nên bà cũng đỡ tủi phần nào.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa ngậm ngùi chia sẻ. Bà vốn quê Bắc Ninh cách Trại phong không xa. Từ nhỏ bà đã mắc bệnh phong, phải vào đây chữa trị. Dù gần quê, nhưng bao năm nay bà chẳng bao giờ dám về quê một lần vì bị kì thị, xa lánh. Bà gặp ông tại trại phong, cũng là bệnh nhân đến đây điều trị bệnh. 

May mắn thay hai người sinh được một cô con gái khỏe mạnh. Hiện chị đã lập gia đình và có một cậu con trai kháu khỉnh, ngoan ngoãn. Gia đình chị ở ngay khu dành cho các thanh niên, gia đình trẻ ở cổng Trại phong Quả Cảm. Chồng bà Nghĩa mất cách đây hơn chục năm, con gái ở riêng, giờ chỉ một mình bà thui thủi trong căn phòng nhỏ, nhưng bà thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều bệnh nhân khác khi có con cháu ở gần.

Bà Soạn, người gốc Hà Nội, 75 tuổi bị phong từ năm 12 tuổi.

Ở Trại phong Quả Cảm, người ta vẫn nhắc đến mối tình đẹp của chị Trần Thị Đoàn và anh Trần Đình Chất. Hai mươi năm trước, cô bé Trần Thị Đoàn (Yên Phong, Bắc Ninh) bị mắc căn bệnh phong mà người làng gọi là "tứ chứng nan y". Đi học thì bị bạn bè xa lánh, về nhà thì người thân hắt hủi, chị Đoàn phải tìm đến Trại phong Quả Cảm để nương nhờ khi toàn thân đã lở loét, bàn chân và bàn tay rụng gần hết ngón. 

Năm 2001, bệnh của chị hoàn toàn khỏi hẳn. Khi ấy chị đang sinh sống ở Trại phong Sóc Sơn (Hà Nội). Trong một buổi tối sang giao lưu với Trại phong Quả Cảm thì chị gặp anh Đoàn. Dù mới gặp nhau nhưng cả hai con người cùng cảnh ngộ nhanh chóng cảm mến nhau. Thế rồi hằng tuần, hai trại phong đều thấy anh Chất tập tễnh với cái chân còn lại, đạp xe gần 30km đến thăm chị Đoàn đều đặn. 

Một đám cưới hạnh phúc, nhưng giản dị diễn ra ngay tại Trại phong Quả Cảm trước sự chúc phúc của các bác sĩ và bệnh nhân nơi đây. Giờ đây vợ chồng anh chị đã có một cậu con trai ngoan ngoãn, học giỏi, là niềm tự hào không chỉ của gia đình, mà của cả Trại phong Quả Cảm. Hằng ngày, anh chị lo trồng rau, nuôi lợn, tăng thêm thu nhập gia đình. Ngoài công việc nhà, anh Chất còn rất tích cực công việc chung của bệnh viện, cùng y tá Nguyễn Thị Xuân giúp đỡ các cụ già, bệnh nhân yếu hơn ở Trại phong.

Chuyện tình của vợ chồng anh Lý Văn Sanh (Lai Châu) và vợ là chị Nguyễn Thị Hà (Thái Nguyên) cũng nên duyên từ sự ủng hộ, giúp đỡ của những y, bác sĩ ở Khoa Phong. Chị Hà vốn là người khoẻ mạnh, nhưng trong một buổi giao lưu tại Trại phong Quả Cảm, chị tình cờ được gặp anh Sanh. Cảm phục trước ý chí, nghị lực của chàng trai đến từ mảnh đất Lai Châu này, chị Hà dành tình thương yêu cho anh và họ đã nên duyên vợ chồng. Trường hợp của anh Liên (Bắc Giang) - Trưởng ban Quản lý bệnh nhân và bác sĩ H là một minh chứng. Niềm hạnh phúc càng tròn đầy khi anh chị có thêm những người con ngoan, hiện nay cháu lớn học lớp 7 và một cháu học lớp 3, đều là những học sinh tiên tiến của trường.

Hiện nay, những bệnh nhân phong không còn kì thị như trước, nhưng nhiều người chẳng muốn rời xa nơi đã gắn bó với họ hàng chục năm nay. Trại phong đã trở thành quê hương thứ 2 và bệnh nhân, y, bác sĩ nơi đây trở thành người thân của họ. Điều hạnh phúc nhất là từ Trại phong Quả Cảm này, nhiều cháu đã đỗ đại học, có công ăn việc làm ổn định, trở thành niềm tự hào của những con người một thời từng bị gia đình, xã hội kỳ thị và hắt hủi.

Ngọc trâm - Đậu Dung
.
.
.