Tình người trên đỉnh Chứa Chan

Chủ Nhật, 17/09/2017, 23:10
Là một trong hai đỉnh núi cao nhất Đông Nam bộ, núi Chứa Chan (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt người từ khắp nơi đổ về tham quan, khám phá vẻ đẹp tự nhiên nơi đây…


1. Chúng tôi có mặt tại đây trong những ngày tháng 7, từng đoàn người xếp hàng nối nhau lặng lẽ "đếm" hàng trăm bậc đá dẫn lên đỉnh. Núi cao sừng sững, mây mờ bảng lảng… vẻ đẹp thiên nhiên như làm người ta quên hết mệt nhọc trên con đường đi tìm bình an, hạnh phúc.

 Ông Lê Văn Đáy (60 tuổi), người phu khuôn có thâm niên leo núi ngót 20 năm ngồi nghỉ dưới gốc đa, lưng trần mồ hôi, không quên nở nụ cười trong tiếng thở rất nhanh với những người khách phương xa. Trên lưng ông gánh khoảng 30 ký hàng hóa gồm: gạo, mắm muối, trái cây và nhang đèn. Đây là những món đồ cúng lễ trên điện thờ cao nhất ở đỉnh núi. Thấy các bà lệ mệ đèo bòng, lưng thì còng, chân thì yếu lại leo núi cao, ông Đáy không đành lòng, ông xin giúp không công. Được làm điều đó, ông cười nói: "Ế quá cõng cho đỡ chán. Đằng nào cũng một lần đi tay không. Mình đàn ông mà, nhìn mấy bà mang vác sao chịu nổi".

Những bậc đá dẫn lên đỉnh Chứa Chan.

Ông Đáy "bén duyên" với nghề phu khuôn từ những năm tuổi 40 tràn đầy sinh lực, xuất phát từ lòng trắc ẩn với những người đàn bà "mộ đạo". Nói là nghề nhưng ai nhờ ông Đáy cũng làm, ai trả bao nhiêu thì ông lấy, không trả vẫn vui cười, uống với nhau chén nước chè là xong.

Núi Chứa Chan những năm ấy còn hẻo lánh và hoang sơ. Con đường dẫn lên núi chỉ là đường mòn, phủ ngập cỏ dại, tiềm ẩn nhiều loài rắn rết. Trên đỉnh núi cũng chỉ có mái chùa cổ, vườn trà vua Bảo Đại và một cái am cạnh cây đa ba gốc, biểu tượng tâm linh đầy bí ẩn của núi Chứa Chan.

Ông Đáy khi đó thường lên núi đốn củi về bán. Ông là người am tường mọi ngóc ngách, lối mòn dẫn lên núi, nơi nào có vực sâu, nơi nào đất dễ lở, ông đều biết và mách cho bà con né tránh. Từ ngày làm phu khuôn, ông bỏ nghề tiều phu, sớm ngày ngồi ở bậc đá dưới chân núi chờ được gồng gánh giúp bà con và cũng để kiếm vài đồng dưa muối.

Có hôm trời mưa, bậc thềm rêu xanh trơn như đổ mỡ, dù đã bấm chân đến tóe máu ông vẫn bị té ngã, lăn như cục đá cả chục mét. Gạo rơi vãi, mắm đổ bể tóe loe khắp người. Xót của, mấy bà ngồi vật ra khóc.

Ông không đành lòng, chạy về xúc đồ của nhà đi đền. Bao nhiêu năm phu khuôn, ông ngã như đập bị, từng hòn đá, bệ thềm có lẽ đã chai mòn với da thịt của ông. Ông cho đó là chuyện bình thường, vì theo nghề thì phải chịu nghiệp, không què quặt là may rồi.

Ông tâm sự: "Núi cao gần một nghìn mét so với mực nước biển, đường đi thì cheo leo, không phải ai cũng leo lên tận đỉnh được. Có người sức yếu nhưng quá thành tâm, mới leo được nửa là ngất xỉu. Có cả trường hợp tử vong vì nhồi máu cơ tim...".

Vì thế, ông tự đánh giá vai trò của mình ở đây là rất quan trọng, sẽ hạn chế được nhiều tai nạn không mong muốn. Những năm trước, khu vực núi có nhiều lối mòn, người lên núi tham quan thường bị lạc, ông là người dẫn đường.

Phu mang vác bất cứ thứ gì lên núi.

Rừng núi rậm rạp, có người bị rắn cắn đưa được xuống núi thì nguy kịch nên ông Đáy tự mày mò học bài thuốc chữa rắn cắn bằng cây lá của rừng, có tác dụng sơ cứu cho nạn nhân trước khi chuyển đến bệnh viện. Tự mình gắn trách nhiệm cho mình, bao nhiêu năm ở núi, ông Đáy hạnh phúc và yêu luôn ngọn núi này. Mỗi lần có việc phải xuống đồng bằng, là ông nôn nao khó chịu. Ông nhớ "mùi rừng" khủng khiếp.  

Cùng thời với ông Đáy có ông Tư Thuận, giang hồ khét tiếng những năm 70 của thế kỷ trước đã quay về núi Chứa Chan sám hối, trở thành người canh miếu cây đa ba gốc. Ông Đáy kể, Tư Thuận cần mẫn làm việc mỗi ngày, ít nói chuyện và giúp đỡ tất cả những ai đến núi Chứa Chan này.

Những năm tháng Tư Thuận ở đây, ngọn núi vô cùng bình yên và thanh tịnh. Rất ít người biết đến quá khứ đao búa của Tư Thuận, cho đến ngày ông ra tay "xử" một tên chuyên móc túi khách. Hôm ấy, ông Tư Thuận hóa trang thành người đi chặt củi, giắt con rựa sắc bén ngang hông. Vừa thấy tên cướp xuất hiện, ông lặng lẽ đi phía sau, quan sát mọi động thái của hắn.

Chờ cho mấy bà mệt lả không để ý đến xung quanh, hắn nhanh tay thó luôn chiếc bóp. Vì có sẵn ngón nghề, không khó khăn để Tư Thuận xử lý. Ông vung cú đá như trời giáng vào lưng tên trộm, hắn ngã chúi xuống bậc đá, Tư Thuận lao tới bẻ ngoặt tay ra phía sau, cầm con dao kề sát cổ tên cướp, ông chỉ nói một câu: "Tao là Tư Thuận".

Chiếc đòn gánh oằn cong trên lưng người.

Vụ việc xảy ra nhanh gọn, chỉ vài người biết. Sau đó một tuần, tên trộm quay lại núi Chứa Chan tìm Tư Thuận bái làm sư phụ khi đã điều tra lai lịch của ông. Hắn nguyện từ bỏ thói ăn cướp, quyết chí làm ăn lương thiện.

Sau vụ "lộ diện" bất đắc dĩ đó, nhiều người biết tiếng Tư Thuận, cảm thấy rất an tâm. Riêng ông Đáy thì càng nể Tư Thuận hơn. Nhớ đến Tư Thuận, ông Đáy thở dài: "Những ngày cuối đời, Tư Thuận sống trong nỗi cô đơn và đau đớn bệnh tật. Ông ấy ra đi trong một ngày sương núi mờ ảo". 

2. Sau khi Tư Thuận mất, Tư Hiền, tên móc túi năm xưa bị ông cảm hóa đã tình nguyện về núi Chứa Chan làm phu vác. Trải qua vài năm "gác kiếm", Tư Hiền vẫn còn đâu đó nét "bụi bặm" của "người trong giang hồ" nhưng trái tim có lẽ đã ấm nóng trở lại với cuộc đời phục thiện. Ngoài 40 tuổi, Tư Hiền khỏe như trâu, từng bước chân của anh đậm chắc bám vào bờ đá. Mỗi cuốc gánh vác, Tư Hiền có thể tải được trên 30kg, đi phăng phăng trên một nghìn bậc đá cao chót vót.

Vài năm trở lại đây, núi Chứa Chan là địa điểm du lịch có tiếng. Đường lên núi đã có cáp treo và nhiều tiện ích hiện đại. Kéo theo đó là những nhu cầu về hàng hóa, lễ vật cúng bái phong phú, đa dạng nên phu vác cũng có đất sống. Tư Hiền có ý định gắn bó luôn với nghề và đã bỏ hẳn nghề "hai ngón" trước kia.

Phải gặng hỏi mãi, Tư Hiền mới bộc bạch: "Lúc đầu đi gánh không quen hai vai sưng tấy, chân thì bong tróc, cả tuần đau nhức ê ẩm. Tính bỏ nghề nhưng cứ nhìn thấy cây đa ba gốc là nhớ tới sư phụ Tư Thuận. Cảm giác có lỗi, như có gì đó níu chân lại".

Tháng 7 vu lan, Tư Hiền ngày nào cũng thắp hương dưới gốc đa, rồi thì thầm trò chuyện vu vơ sau những cuốc "ngựa thồ" mệt mỏi. Trong tâm niệm của Hiền, sư phụ đang ở đâu đó trên đỉnh núi này, luôn dõi theo và răn đe mình. Đó chính là động lực lao động chân chính của một con người từng sa chân lầm lạc.

Tư Hiền tự hào khoe, đã mấy lần cõng người ngất xỉu từ trên đỉnh núi xuống cấp cứu. Mới đây nhất có một cụ bà tầm 70 tuổi, từ Bình Dương tới. Cụ leo lên được tới cây đa thì bị tụt huyết áp, ngất xỉu. Trong đoàn chỉ toàn phụ nữ và trẻ em nên không ai cứu giúp được.

Nghe tiếng kêu cứu, Tư Hiền thả ngay quang gánh xuống, lao tới bế thốc bà cụ lên vai. Chạy một mạch xuống núi nhờ người hỗ trợ. Xong việc, Hiền thấy đau ở chân nhìn xuống thì phát hiện một chiếc móng chân cái bay mất lúc nào, để lộ ra mảng thịt đỏ tấy, máu dính bết vào cát. Phải cả tuần vết thương mới lành nhưng vẫn sưng điếng, Tư Hiền nghỉ một tháng mới tập tễnh đi làm.

Cây đa ba gốc trên núi Chứa Chan.

 Móng chân chưa lành, Tư Hiền lại gặp thêm một pha cứu người ngoạn mục. Trong một lần gùi gạo lên núi, Tư Hiền đi sau một anh phu vác đang gánh hai bó củi to kềnh. Phía dưới Hiền là đoàn khách gần chục cô gái. Khi gần lên tới đỉnh, bất ngờ anh bạn trượt chân ngã bổ nhào về phía trước. Hai bó củi lăn rất nhanh xuống dốc. Tư Hiền phản xạ bằng cách nhoài người ra chặn củi.

Những thanh củi đâm toác bao gạo, xiên rách áo đụng tới da thịt. Một thanh đâm thẳng vào khóe mắt, kéo một vệt dài. Mấy cô gái hét toáng lên, thi nhau lấy khăn lau máu cho Tư Hiền và cảm động đến rơi nước mắt về hành động xả thân cứu nguy của anh phu vác.

Rất may vết thương chỉ xước vào da thịt, băng bó lại vẫn có thể leo núi bình thường. Ngày hôm sau, người ta lại thấy Tư Hiền gánh hai buồng chuối kĩu kịt sải những bước chân thật dài trên bậc đá…

Ngọc Thiện
.
.
.