Tình yêu cổ tích từ trong thế giới ảo

Thứ Hai, 11/09/2017, 10:03
Tưởng rằng, những chuyện tình qua mạng, qua thế giới ảo chỉ đầy những lừa lọc giống như tên gọi của nó, nhưng câu chuyện tình qua mạng của anh Trần Hữu Thiểm (xã Bình Nguyên, Kiến Xương, Thái Bình) và chị Nguyễn Thị Chắt (Nghệ An) đã khiến nhiều người tin rằng chuyện cổ tích là có thật….


Từ ước mong được…chết

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, anh Trần Hữu Thiểm (sinh năm 1983) từng là một chàng trai lành lặn khỏe mạnh, cao to vạm vỡ, anh từng theo học võ và trở thành một huấn viên bộ môn Teakwondo và võ cổ truyền nghiệp dư. 

Là một thanh niên trẻ tuổi, nuôi chí tang bồng, anh rời quê hương đi lang bạt khắp nơi để dạy võ, thậm chí là lên cả huyện miền núi biên giới Hữu Lũng (Lạng Sơn) để dạy võ cho một lò luyện tư nhân. Nhưng sau này, nghĩ đến bố mẹ và những rủi ro mà nghề võ đem lại, anh trở về quê hương theo học nghề lái máy xúc, nghề võ chỉ còn là một thú vui của anh những lúc thảnh thơi.

Nhiều năm lang bạt không làm anh chàng võ sư này mảy may sứt sát, nhưng lái máy xúc chưa được bao lâu thì anh gặp nạn khi chiếc xe mất phanh lao xuống vực đê. “Lúc ấy, tôi cố nhổm dậy kêu cứu nhưng toàn thân đau đớn, không thể cử động được. Cơ thể nặng nề như có cả đống đất đá đè lên trên, vô cùng tuyệt vọng”, anh Thiểm kể về tai nạn kinh hoàng đó.

Thiểm ngất lịm đi sau đó, khi tỉnh dậy thì đã thấy mình trong bệnh viện, toàn thân băng bó và anh cảm giác ở đôi chân đã không còn. Khi nghe bác sĩ nói, anh mới biết mình từ một võ sư khỏe mạnh đã trở thành một người bị liệt nửa người do chấn thương cột sống, đứt tủy. Cùng với đôi chân bị liệt, Thiểm cũng không còn khả năng làm cha, khi đó anh mới 23 tuổi.

Trong hơn 2 tháng nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, Thiểm rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý khi nghĩ mình đã trở thành một người tàn phế. Thật dễ hiểu tâm lý của Thiểm khi chỉ trước đó không lâu, anh vẫn là một chàng trai, một võ sư với biết bao hoài bão về tương lai. Nhưng giờ đây anh lại trở thành gánh nặng cho bố mẹ, cho anh trai. 

Thiểm chia sẻ: “Thời gian đầu mình chẳng thiết ăn uống, trò chuyện với ai. Bố mẹ lo lắng lắm và phải cắt cử người trông coi cả ngày vì sợ mình nghĩ quẩn. Thực sự lúc ấy mình cũng mong được chết đi để nhẹ gánh gia đình và cũng vì không còn hy vọng gì về tương lai”.

Sau một thời gian, khi tâm lý Thiểm ổn định trở lại, gia đình anh lại phải tiếp tục công việc hàng ngày để kiếm đồng ra đồng vào. Để con ở nhà không buồn, tuy gia cảnh không khá giả gì nhưng bố mẹ anh cũng cắn răng đầu tư cho con trai một bộ máy tính. 

Vào thời điểm ấy, khi công nghệ phát triển, mạng internet bắt đầu phổ cập nên anh Thiểm mới có cơ hội giao lưu với nhiều người, quên đi nỗi buồn chán thực tại. Cũng từ đó, anh tìm thấy một nửa của mình, một người vợ biết hy sinh và yêu thương anh hết mực. Đó là chị Nguyễn Thị Chắt (SN 1983, quê ở Nghệ An) khi ấy đang làm công nhân may ở thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyện tình qua internet

Theo như lời Chắt kể, chị gặp anh Thiểm một cách vô tình hay có thể nói do duyên số đưa đẩy. Thời điểm đó chị rời quê vào thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân may chưa được bao lâu. Cả một ngày làm việc rồi tăng ca trong nhà máy, buổi tối mấy chị em trong phòng trọ rủ nhau ra quán internet để tìm bạn “ảo” trò chuyện cho đỡ buồn. Bỗng dưng một ngày có một người lạ vào nói chuyện cùng chị, ban đầu chỉ là những câu xã giao bình thường rồi đến hỏi han, tán tỉnh. 

Càng nói chuyện, chị càng có cảm tình bởi sự chia sẻ của anh đầy sự chân thật. Khi anh nói thật về hoàn cảnh đặc biệt của mình, lúc đầu chị không tin, nhưng khi tin rồi lại càng thương anh hơn. Kể từ đó, mỗi tối dù có bạn đi cùng hay không, chị Chắt vẫn lên mạng để nói chuyện, tâm sự với người bạn bỗng dưng gặp ấy. Người đó chính là anh Thiểm, chồng của chị bây giờ.

Hai vợ chồng anh Thiểm đang sống những ngày hạnh phúc.

Sau một thời gian, khi cảm thấy mình đã có tình cảm với anh Thiểm, chị Chắt quyết định chủ động nói với người mình yêu. Nhớ đến hoàn cảnh khi đó, anh Thiểm chia sẻ: “Hoàn cảnh của tôi khi ấy vô cùng éo le, là một người tàn tật, ốm yếu nên mọi sinh hoạt đều phải nhờ người khác giúp. Như vậy thì làm gì đủ tự tin để nói lời yêu với cô ấy. Thế nhưng, khi nghe cô ấy chủ động nói yêu mình, quả thật tôi rất sốc và không biết nói gì hơn…”.

Anh Thiểm vẫn nhớ, trước khi đi ngủ chị Chắt thường gọi điện cho người yêu để hát cho anh nghe những bài hát mà anh yêu thích. Rồi chuyện gì cũng đến, chủ động nói lời yêu và chính chị Chắt cũng chủ động ngỏ lời muốn làm vợ anh. Bất ngờ một ngày chị bỏ hết công việc, đi xe khách từ thành phố Hồ Chí Minh về Thái Bình, tìm tới tận nhà anh. 

Lần đầu tiên gặp nhau, chị bảo nhìn anh mà xót xa vì anh quá gầy. Hai người quyết định kết hôn và bố mẹ anh khăn gói vào Nghệ An xin phép gia đình nhà gái. Ban đầu, chị Chắt cũng không kể với bố mẹ đẻ về hoàn cảnh của người yêu, nhưng khi biết chuyện, ông bà cũng không cấm cản đôi bạn trẻ đến với nhau dù biết rằng tương lai sẽ vô cùng khó khăn.

Ngày cưới đến, ai cũng khóc phần vì thương hai vợ chồng anh nhưng phần vì mừng vui cho hạnh phúc tưởng chỉ có trong truyện cổ tích của đôi bạn trẻ. Do sức khỏe không cho phép, anh Thiểm không thể đi đón dâu mà phải nhờ anh trai đi đón hộ. Rồi những ngày đầu làm dâu ở quê lúa Thái Bình, chị Chắt phải gồng gánh nhiều công việc từ chăm sóc chồng cho đến buôn bán ngoài chợ để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Nhưng điều chị Chắt nhớ nhất đó là hai tháng trời chăm nom chồng trong bệnh viện. 

Võ sư Thiểm ngày nào (trái).

Chị kể: “Sau khi cưới nhau không được lâu thì lưng anh Thiểm bị loét, vết thương khá nặng và nhiều người khi ấy còn nói rằng anh không qua khỏi làm tôi rất sợ. Hai tháng liền một mình tôi trông anh ấy ở trong viện vì bố mẹ chồng tôi sức khỏe không tốt, không thể trông ngày trông đêm được. Hai tháng đó không đêm nào tôi được chợp mắt một giấc tử tế, lúc nào cũng phải để ý xem chồng có cần gì không…”.

Rồi công sức chăm sóc chồng của chị Chắt cũng được đền đáp khi sau đó, sức khỏe của anh Thiểm dần hồi phục và được xuất viện. Trở về nhà, họ lại sống với nhau những ngày hạnh phúc. Cuộc sống của anh Thiểm đã không còn những ngày tháng đau buồn chỉ nghĩ đến cái chết nữa. Sau nhiều năm chung sống, khi cả hai đã ngoài 30, anh chị vẫn mong chờ có một đứa con trong gia đình để vui cửa vui nhà.

Do không có khả năng sinh con nên bố mẹ anh Thiểm cũng khuyên các con nên xin con nuôi nhưng hai vợ chồng vẫn còn suy nghĩ. Sau một thời gian, cả hai đành tìm đến phương pháp khoa học đó là thụ tinh ống nghiệm. “Tôi cũng mong có con, nhưng nếu xin con nuôi, đấy dù sao vẫn là con người ta. Mai ngày nó lớn, nếu nó không chăm sóc anh ấy thì ai sẽ lo cho anh. Nghĩ vậy, nên tôi lại thôi”, chị Chắt phân trần.

Sau khi lên mạng internet tìm hiểu về các cách điều trị vô sinh, chị Chắt gom góp tiền đưa chồng lên Trung tâm Nuôi cấy phôi của Học viện Quân y 103 khám và điều trị. Lần đầu thụ tinh nhân tạo thất bại đó là vào năm 2013, khi đó cả hai rất buồn chán nhưng không hề từ bỏ hy vọng. 

Rồi đến đầu năm 2016, hai vợ chồng lại vay mượn tiền đi làm lại lần nữa nhưng cũng không được. Nợ nần chồng chất, kinh tế gia đình giờ đều nằm trên vai chị bởi anh trai anh Thiểm mới mất cách đây không lâu. Thế nhưng, nhìn cách chị Chắt chăm sóc chồng, ai cũng thấy được tình cảm của họ dành cho nhau là vô cùng chân thật dù có phải trải qua bao khó khăn. 

Hy vọng rằng trong tương lai không xa, trong căn nhà này sẽ vang lên tiếng cười của trẻ thơ và hạnh phúc tưởng như chỉ có trong cổ tích này sẽ tồn tại mãi mãi.

Hải Phong
.
.
.