Tình yêu cồng chiêng của người nghệ nhân có bàn tay ma thuật

Thứ Hai, 01/04/2013, 14:39
Người Mường quan niệm, chiêng là vật linh thiêng, cũng có hồn như con người. Lâu ngày không sử dụng hồn chiêng sẽ ngủ, muốn đánh lại phải làm nghi thức dậy chiêng. Âm thanh của chiêng cái chính là giữ nhịp cho cả dàn chiêng và việc quan trọng của người dậy chiêng là dẫn không cho dàn chiêng loạn nhịp.

Người giữ điệu sắc bùa của một làng Mường

Người Mường biết đánh chiêng có nhiều nhưng người biết giữ phách cho giàn chiêng và làm được việc dậy một chiêng thì đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt là người có tâm huyết và quyết tâm giữ và truyền dạy cho thế hệ sau những bài chiêng cổ thì không nhiều. Một trong số đó là ông Nguyễn Văn Thực, 76 tuổi, trú tại tổ 14, phường Thái Bình, TP Hòa Bình. Ông chính là một “bảo tàng sống” về văn hóa Mường. Ông là người nghệ nhân đầu tiên của tỉnh vừa được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam.  

Làng Chăm – làng Mường nơi già Thực sinh ra và lớn lên từng là ngôi làng có phong cảnh đẹp vào bậc nhất thành phố. Một làng Mường với những nếp nhà sàn dưới tán cau từng hút hồn lữ khách mỗi khi có dịp qua đường sáu về Sơn La nay đã chỉ còn tồn tại trong tiềm thức.

Cùng với sự phát triển đô thị, những nếp nhà sàn đã bị dỡ bỏ, những thân cau bị đốn trụi gốc. Làng Chăm hóa phố Chăm. Nhu cầu được sống tiện nghi hơn là hoàn toàn chính đáng. Không giữ được nếp nhà sàn, vẻ thơ mộng, bản sắc cho một làng Mường, những người như ông Thực buồn lắm.

Ông từng học đánh cồng chiêng từ khi mới 12 tuổi. Ông yêu văn hóa dân tộc như yêu chính dòng máu dang chảy trong người mình. Cùng với sự phát triển của đời sống vật chất, ông Thực ngày ngày tận mắt  chứng kiến nét sinh hoạt văn hóa của người Mường nơi làng Chăm dần thưa vắng và có nguy cơ mất đi. Không ngồi ôn kể kỉ niệm, nối tiếc  những gì dã qua, ông Thực hơn ai hết biết rằng chính mình phải tìm cách lưu giữ lại.

Học đánh cồng chiêng từ nhỏ, tham gia các đội biểu diễn văn nghệ ở các lễ hội của người Mường từ khi còn là một chàng trai trẻ. Ông từng là Đội trưởng Đội văn nghệ xã Thái Bình trước đây và thuần thục 9 bài chiêng cổ cũng như các bài chiêng mới... Ngay từ khi còn nhỏ, già Thực đã có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong khi chúng bạn còn mải mê với trò đánh khăng thì cậu bé Nguyễn Văn Thực đã say mê chiêng.

“Tôi thường đi theo bà cô là thành viên đội văn nghệ xã Thái Bình đến những đêm diễn, hội sắc bùa để xem các bà đánh chiêng”. Ông Thực kể vì mê tiếng chiêng mà trong các đêm văn nghệ ấy, thế nào ông cũng chạy luồn ra phía sau người cô, gõ trộm bằng được vào cái chiêng peng một cái rồi chạy. Rồi tiếng cồng chiêng tự lúc nào không biết ăn sâu, ngấm chặt vào tâm hồn khiến ông cứ nằng nặc nhờ bà cô dạy cách đánh và lân la đến những người cao niên khác trong làng để học. Những ngày đầu chỉ làm quen với chiêng tủm, đánh mãi rồi mới tập sang chiêng khầm, chiêng cái, chiêng tlé.

Niềm đam mê đã sớm giúp cậu bé Thực thuần thục nhiều bài chiêng cổ. Đến năm 17 tuổi, chàng trai Mường xóm Chăm đã được vào đội văn công xã. Cho tới nay, ông không thể nhớ nổi mình đã tham gia biểu diễn bao nhiêu lần. Từ hội đánh cá, đi săn đoọc moong, kéo gỗ, đám cưới, đám ma, hội xắc bùa, mừng nhà mới đến việc tế lễ ở đình làng đều không thể thiếu vắng ông.

Sau 2 năm vào đội, đến năm 1958, ông đã được bầu làm đội trưởng. Đội của ông đã tham gia biểu diễn chào mừng Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1959 và nhiều buổi cho các đoàn khách Trung Quốc. Tâm huyết và tình yêu của ông đã được ghi nhận. Năm 2011, ông là một trong số 9 nghệ nhân trên cả nước được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức trao bằng và phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam”.

Người nghệ nhân có bàn tay ma thuật và hành trình sưu tầm chiêng cổ

Tới thăm nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Thực, khi thì gặp ông đang làm chuông gió. Những chiếc chuông gió được làm bằng thân nứa nhưng dưới bàn tay ma thuật của ông, không một chiếc chuông nào không đa thanh. Có biết những chiếc chuông gió bằng nứa, bằng trúc do người khác làm với chiếc chuông của ông mới thấy hết sự khéo léo, mầu nhiệm của đôi bàn tay nghệ nhân đất Mường.

Đội cồng chiêng do già Thực thành lập.

Thể như có ma thuật, tiếng chuông gió của ông khi thì gọi về tiếng mõ của một đàn trâu đang thủng thẳng gặm cỏ, khi lại là tiếng một đội cồng chiêng đang vọng về từ vách núi.

Hiểu chiêng, yêu chiêng nên ông thấy trăn trở khi vào những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều gia đình cứ ùn ùn bán chiêng với giá rẻ như bèo. Ông đã bàn với vợ bán trâu, lợn, gà dành tiền mua lại những chiếc chiêng cổ. Bước chân của ông in dấu khắp cả 4 vùng Bi, Vang, Thàng, Động, đến cả Đà Bắc, Mai Châu, Sơn La chỉ với mong muốn giữ lại vật báu của cha ông.

Ròng rã mấy năm, ông cũng tìm được 20 chiếc chiêng có âm vực khác nhau. Tuy nhiên, tìm mãi cũng không thấy chiếc chiêng cái - chiêng có âm vực cao nhất để dẫn nhịp cho cả dàn chiêng. Sau nhiều năm lặn lội khắp nơi, ông đoán rằng chiếc chiêng cái quý giá không còn trong bản làng của người Mường. Có người mách ở Đông Sơn (Thanh Hóa) có làng đúc là cái nôi đúc chiêng cho người Việt - Mường cổ nhưng rồi cũng chỉ có những chiếc chiêng mới.

Có lẽ bí quyết đúc chiêng cái cổ đã bị thất truyền nhưng trời đã không phụ công người tâm huyết, trên đường về đến huyện Cẩm Thủy, ông đã tình cờ gặp một người buôn chở một chiếc chiêng cái cổ. Nhưng khó khăn lại thử ông khi vào năm 1994, cái giá 1.800.000 đồng là quá lớn (tương đương 2 con trâu). Dẫu vậy ông nghĩ rằng, tiền có nhiều đến mấy thì cũng làm ra được nhưng không có chiếc chiêng cái cổ thì người Mường để mất một tài sản quý giá của cha ông. Vậy là tổng cộng ông phải bán 6 con trâu, 5 con lợn và hết đàn gà, vịt khoảng 40 triệu đồng mới mua được dàn chiêng 20 chiếc.

Điều dáng nói là ông Thực dù chưa qua một trường lớp nào về âm nhạc nhưng lại có biệt tài thẩm định âm thanh. Hồn cồng chiêng quả thực đã hòa vào máu thịt ông. Có thấy ông Thực lên chiêng, mới thấy hết sự hòa trộn máu thịt đó. Sau khi rửa tay sạch, lau khô, ông dùng lòng bàn tay xoa vào núm chiêng từ phải qua trái và ngược lại. Tư thế hơi nghiêng, mắt nhìn xuống chiêng rồi từ từ nhìn lên cao, lòng người từ tĩnh tại đến rung động và như lạc vào hồn chiêng khi âm thanh bắt đầu dậy lên.

Đánh cồng chiêng, thoạt nhìn tưởng có vẻ đơn giản nhưng đi sâu tìm hiểu nghiên cứu mới thấy để làm một người len chiêng, giữ cái cho cả dàn cồng là điều không hề đơn giản. Người Mường quan niệm, chiêng là vật linh thiêng, cũng có hồn như con người. Lâu ngày không sử dụng hồn chiêng sẽ ngủ, muốn đánh lại phải làm nghi thức dậy chiêng. Âm thanh của chiêng cái chính là giữ nhịp cho cả dàn chiêng và việc quan trọng của người dậy chiêng là dẫn không cho dàn chiêng loạn nhịp.

Một lòng gìn giữ vốn văn hóa Mường

Từ lòng say mê, tình yêu tha thiết với cồng chiêng, ông Thực lặng lẽ truyền dạy, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, bắt đầu từ những việc làm thiết thực nhất. Ông tự đứng ra thành lập đội văn nghệ để truyền dạy cho những người trong xóm cũng như những ai yêu thích.

Để tập hợp ít nhất 12 tay chiêng trong hội xắc bùa, ông phải đi vận động không biết bao nhiêu ngày. Người phản đối, người ủng hộ, cuối cùng thì ông cũng lập được một đội gồm cả vợ, cháu gái. Vợ ông, bà Đinh Thị Thiện cùng các con cháu đã đồng lòng với ông. Vậy là không chỉ vào dịp lễ tết, ngay cả ngày thường, nơi làng Chăm mà những ngôi nhà sàn đã vắng bóng lại ngân vang tiếng chiêng, tiếng hát, tiếng sáo.

Theo ông, nghệ thuật đánh chiêng, trình tấu chiêng phải rèn luyện đúng cách mới hay, tiếng mới ấm, vang xa lay động lòng người. Qua bao ngày đêm miệt mài, ông đã dạy cho nhiều người biết đánh chiêng, trong đó không ít người đã trở thành nghệ nhân giỏi như các chị: Bùi Thị Hạnh, Nguyễn Thị Bịnh, Nguyễn Thị Viền...

Ông còn dạy thổi sáo, đánh đàn tam cho hàng chục người và hiện đang tiếp tục dạy cho 10 cháu lên 10 tuổi. Tìm được người trẻ học cồng chiêng đã khó, duy trì đội còn khó hơn khi mọi chi phí từ trang phục biểu diễn cho tới nhạc cụ đều phải tự lo. Ông Thực vì thế phải đích thân tự may áo váy biểu diễn cho anh chị em trong đội.

Già Thực chính là người nghệ sĩ dân gian tài nghệ đã đảm nhiệm chính việc giữ phách cho cả dàn chiêng 1.400 chiếc tại Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh lần thứ I diễn ra tại TP Hòa Bình năm 2011. Màn biểu diễn này đã được sách kỷ lục Việt Nam công nhận là màn trình tấu cồng chiêng lớn nhất và được bè bạn gần xa nức tiếng khen ngợi.

Ông cũng chính là một trong số ít người con đất Mường còn thuộc, còn đánh được những bài chiêng cổ của người Mường: pắc pôông pắc hoa, đi đường, bến rậm sông bờ, chầm khầm, pôông trẳng pôông vèng,  pôông  hai, pôông ba, đùm đim rước đuốc.

Trong suy nghĩ của người nghệ nhân dân gian đất Mường luôn thường trực một nỗi lo lắng rằng nhịp sống hiện đại cùng sự giao lưu văn hóa sẽ khiến làng Mường của ông trong cuộc sống thường ngày mất đi tiếng nói, mất đi trang phục và cả nếp nhà ở. Vì thế, ngày ngày ông vẫn tập cho cháu mình biết nghe và nói tiếng dân tộc. Nghe con trẻ bi bô tiếng nói dân tộc mình, già Thực mừng vui lắm. Có thể nếp nhà sàn dần thưa vắng trong cuộc sống bản Mường nhưng tiếng nói, trang phục, nếp văn hóa đẹp sẽ không bao giờ mất đi.

Trước khi chia tay, già Thực dùng bàn tay ma thuật của mình xoa vào núm chiêng, dậy lên tiếng ping pong êm ái, luyến lưu trong tất cả chúng tôi

Vũ Nguyên
.
.
.