Tổ ấm yêu thương của những mảnh đời bất hạnh

Thứ Hai, 24/12/2018, 07:13
Xót thương những mảnh đời bất hạnh không nơi nương tựa, sơ Nguyễn Thị Hiên, 57 tuổi (trú tại xã Trung Lao, huyện Trực Ninh, Nam Định) đã sáng lập ra ngôi nhà tình thương Vinh Sơn - Phaolô. Nơi đây là mái ấm của những đứa trẻ mồ côi, những người già không nơi nương tựa, những người khuyết tật hay những phụ nữ lỡ mang bầu…


Muốn bù đắp thiệt thòi cho những số phận bất hạnh

Theo lời giới thiệu của một người dân địa phương, ngôi nhà tình thương Vinh Sơn - Phaolô được xây dựng từ năm 2007. Mọi kinh phí xây dựng và sinh hoạt duy trì trong ngôi nhà đều do một tay sơ Hiên xoay xỏa.

Khi chúng tôi hỏi duyên cớ nào khiến sơ Hiên có ý tưởng thành lập ngôi nhà này, sơ Hiên chia sẻ: "Tôi đi nhiều nơi, tận mắt chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, nhiều đứa trẻ bị người thân bỏ rơi, nhiều cụ già hay những người tàn tật, thần kinh không có ai chăm sóc, tôi thấy xót xa lắm. Cũng cùng là thân phận người, chúng ta được sống vui vẻ, hạnh phúc bên người thân, còn họ thì chịu cảnh vất vưởng, cô đơn. Chính vì suy nghĩ đó nên tôi đã quyết tâm thành lập nên ngôi nhà tình thương này".

Nếu không có sự quyết tâm của sơ Hiên, có lẽ Mai Chi đã từ bỏ cuộc đời rất lâu rồi.

Những ngày đầu thành lập, đích thân sơ Hiên đã đi tìm và đón những em nhỏ bị bỏ rơi, những người già tàn tật, neo đơn về chăm sóc. Ban đầu cũng chỉ có chưa đến chục người, nhưng dần tiếng lành đồn xa, trong vùng hễ thấy có trẻ con bị bỏ rơi hay người già neo đơn là người dân lại đưa đến ngôi nhà tình thương này.

Bản thân sơ Hiên chỉ là một người nông dân, thế nên việc lo thức ăn và chi phí sinh hoạt cho vài chục người sống trong ngôi nhà tình thương quả không dễ dàng gì.

"Nếu chỉ ngồi mà nghĩ thì chắc tôi chả dám làm gì đâu. Thôi thì mưa rơi đến đâu mát mặt đến đó. Tôi vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi nên các cụ và các con có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.

Nhiều hôm nhà hết gạo, hết tiền, tôi phải chạy đôn chạy đáo đi vay nhưng rồi cũng qua" - sơ Hiên tâm sự. Chỉ tính riêng tiền ăn, mỗi ngày sơ Hiên phải bỏ ra ít nhất từ 2 đến 3 trăm nghìn đồng. Do có cả người già và trẻ nhỏ nên thực đơn phải chia thành 2 chế độ khác nhau.

Ngồi cạnh sơ Hiên, sơ Hảo - một trong những người hiện đang tự nguyện làm việc trong ngôi nhà tình thương Vinh Sơn - Phaolô chia sẻ: "Ban đầu thấy sơ Hiên làm vậy mọi người cũng dị nghị nhiều lắm. Họ bảo sơ Hiên đúng là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Thế nhưng, sau đó thấy việc làm của sơ Hiên thực sự tốt đời đẹp đạo nên tôi và một số sơ khác cũng chung tay giúp sức.

Thực ra hầu hết chúng tôi cũng đều là nông dân nên kiến thức chăm sóc thế nào cho khoa học thì không có, nhưng chúng tôi có sự nhiệt tình và lòng chân thành. Nhiều khi đi làm nông về, có con cá hay mớ rau cũng mang thẳng vào đó để làm cơm cho mọi người ăn".

Để chăm sóc các thành viên trong ngôi nhà tình thương được chu toàn, sơ Hiên phải dậy từ rất sớm. Và mỗi đêm sơ cũng thường chỉ được chợp mắt đôi ba tiếng. Lúc thì các con ốm sốt quấy khóc, lúc thì các cụ già trái gió trở trời. Bận rộn là thế, vất vả là thế nhưng chưa một lần người ta thấy sơ Hiên than thở.

Cụ Nhiệm được đón vào ngôi nhà tình thương Vinh Sơn – Phaolô đã gần 11 năm.

Sơ Hiên bảo: "Ngay từ lúc thành lập nhà tình thương, tôi đã xác định là mình sẽ phải vất vả nhưng tâm mình đã quyết thì phải làm đến cùng chứ. Chỉ cần nhìn thấy các con lớn khôn, các cụ già được sống hạnh phúc những ngày tháng cuối đời là tôi thấy vui lắm rồi".

Hơn 10 năm qua, ngôi nhà tình thương Vinh Sơn - Phaolô đã đón nhận nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi và người già không nơi nương tựa. Hiện trong ngôi nhà này, sơ Hiên cùng một số sơ khác đang chăm sóc cho 25 hoàn cảnh éo le. Trong đó có 7 người khiếm thị, 3 người bị tàn tật, 1 thai phụ, 11 trẻ em và 3 người mắc bệnh thần kinh.

Vừa làm mẹ hiền, vừa là con hiếu thảo

Không chỉ là mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh, ngôi nhà tình thương Vinh Sơn - Phaolô còn bảo vệ để 40 hài nhi được chào đời an toàn. Theo lời sơ Hiên chia sẻ thì: "Những trường hợp mang bầu đến đây tá túc cũng đa dạng lắm.

Người thì thần kinh bị cưỡng bức đến có thai, người thì đang là công nhân trót "góp gạo thổi cơm chung" đến khi người đàn ông biết họ có thai thì bỏ chạy, người đang còn là sinh viên… Có những người đẻ xong được vài ngày thì mang con theo luôn, nhưng cũng có nhiều người vì sợ mang tiếng xấu nên đành để con lại nhà tình thương".

Trong số 11 đứa trẻ hiện đang sống trong nhà tình thương Vinh Sơn - Phaolô thì Mai Chi là đứa trẻ tội nghiệp nhất. Mai Chi không phải là đứa con hoang, trái lại, bố mẹ con còn thực hiện các nghi lễ cưới hỏi rất đàng hoàng.

Khi còn là một thai nhi, các bác sĩ đã kết luận Mai Chi bị chứng não úng thủy nên sau khi sinh con được 2 tháng, bố mẹ con đã quyết định mang con đến nhà tình thương Vinh Sơn - Phaolô gửi.

Kể từ khi đó họ chưa từng quay lại thăm con một lần nào và cũng không cần biết con còn sống hay đã chết. Mai Chi giờ đã bước sang tuổi thứ 3 nhưng chỉ nặng có 6kg. Đầu con bọng nước và mắt càng ngày càng lồi ra. Cả ngày con chỉ biết nằm im một chỗ, nếu đau cũng chỉ biết kêu vài tiếng yếu ớt.

"Khi mới nhận nuôi Mai Chi, con bé yếu lắm, quấy khóc suốt đêm. Lúc tôi đưa con đến bệnh viện khám thì các bác sĩ khuyên nên đưa con về chuẩn bị lo hậu sự. Nhưng cả tôi và các sơ đều thống nhất "còn nước thì còn tát" nên quyết tâm để con điều trị. Vậy mà rồi cũng kéo dài được 3 năm. Tuy nhiên, việc con ra đi chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Cứ nghĩ vậy tôi lại thấy thương con nhiều lắm".

Bế bé Khánh Linh (6 tháng tuổi) trên tay, sơ Hảo buồn buồn nói: "Con bé này cũng tội nghiệp chả kém gì chị Mai Chi. Nó là con của một người phụ nữ bị bệnh tâm thần. Trước đó có 2 người phụ nữ lớn tuổi dắt một bà bầu đến nhà tình thương. Họ vừa khóc, vừa bảo, người mang bầu là con gái và cháu ruột của họ.

Vì bị tâm thần nên đi lang thang khắp nơi thành ra bị kẻ xấu hãm hiếp dẫn đến có thai. Giờ họ đều già cả không có khả năng nuôi đứa bé nên đến đây nhờ cậy chúng tôi. Có thể trong thời gian mang thai, người mẹ không được ăn uống đầy đủ, hợp vệ sinh nên đứa bé sinh ra yếu ớt lắm. Khánh Linh hầu như ngày nào cũng phải uống thuốc".

Có những sản phụ đến nhà tình thương sinh nở, sau một thời gian lại mang con đi. Nhưng cũng có những sản phụ lại chọn cách để lại "giọt máu" của mình rồi không bao giờ trở lại. Những em bé khoẻ mạnh trong nhà tình thương được làm thủ tục để đến gia đình mới.

Còn có những em tinh thần không ổn định sẽ mãi mãi phải nhờ cậy sự chăm lo của các sơ. Các em đến tuổi đi học đều được sơ Hiên cho đi học đàng hoàng. Sơ Hiên tâm sự: "Các con sinh ra đã thiệt thòi nhiều lắm rồi.

Giờ mình nhận nuôi thì phải có trách nhiệm với cuộc đời chúng chứ. Không thể cho chúng được sự giàu có, đầy đủ thì cũng phải cho chúng có được cái chữ để sau này chúng ra đời không cảm thấy tự ti".

Đang nói chuyện với sơ Hiên và sơ Hảo, chúng tôi chợt nghe thấy tiếng la lét cách đó mấy phòng. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, sơ Hiên giải thích: "Đó là bé gái bị thần kinh, la hét suốt ngày. Bây giờ nếu mở cửa phòng thì nó sẽ trốn ra ngoài và đi lang thang xa lắm nên chúng tôi phải nhốt cháu vào, đến bữa thì cho ăn cơm".

Ngoài những đứa trẻ bất hạnh thì trong ngôi nhà tình thương Vinh Sơn - Phaolô còn có những người già neo đơn, không nơi nương tựa. Họ dù đã chạm vào cái tuổi "gần đất xa trời" nhưng vẫn phải lang thang ngoài đường kiếm kế sinh nhai, cũng có người con cái đề huề nhưng khi về già thì lại không con nào chịu nhận nuôi.

Đó là trường hợp của cụ Vũ Thị Nhiệm (93 tuổi). Cụ Nhiệm được các sơ tại nhà tình thương Vinh Sơn - Phaolô cưu mang từ những ngày đầu thành lập đến nay. Cụ Nhiệm có con cái nhưng lúc tuổi cao sức yếu, cụ lại bị mù cả 2 mắt nên chẳng con nào nhận chăm sóc.

Bé Khánh Linh được các sơ tận tình chăm sóc.

Cảm thương trước hoàn cảnh của cụ, các sơ tại nhà tình thương đã đón cụ về chăm sóc, nuôi nấng ngót nghét 11 năm. Sơ Hiên cho biết: "Cụ Nhiệm chỉ bị thiệt thòi là không còn nhìn thấy gì thôi chứ cụ nói chuyện vẫn hay và minh mẫn lắm. Cụ có thể ngồi kể chuyện cho các cụ khác nghe cả ngày không hết chuyện".

Kể từ ngày thành lập nhà tình thương cho đến nay, sơ Hiên đã phải chứng kiến sự ra đi mãi mãi của gần 20 cụ vì bệnh tật và cũng vì tuổi cao sức yếu. Bất kể cụ nào khi từ giã cõi đời cũng được sơ Hiên và các sơ ở đây lo chu toàn tang sự. Thế nên có những cụ già chẳng thể nhớ nổi nơi mình sinh ra nhưng lại biết nhà tình thương Vinh Sơn - Phaolô sẽ là nơi mình "nằm lại".

Thành lập từ năm 2007 nhưng phải đến năm 2017, ngôi nhà tình thương Vinh Sơn - Phaolô mới được các tổ chức xã hội từ thiện biết đến và chung tay giúp đỡ. Từ ngày có sự trợ giúp ấy, sơ Hiên cũng được giảm bớt áp lực về "cơm áo gạo tiền".

Đó cũng chính là động lực giúp sơ Hiên và các sơ trong ngôi nhà tình thương cảm thấy vững tin hơn trên bước đường thiện nguyện mà họ đã lựa chọn.

Phong Anh
.
.
.