Tới thác bản Mu, nhớ chuyện tình đẹp

Thứ Tư, 24/09/2014, 13:00

Thác Mu thuộc địa phận xóm Mu, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Cách thị trấn Vụ Bản chỉ chừng 30km nhưng tới được với thác Mu hiện chưa phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, vượt qua quãng đường khó khăn kéo dài, vẻ đẹp của thác Mu là phần thưởng xứng đáng dành cho bạn.

Thác bản Mu – nơi người lính quả cảm đã hi sinh

Có người đã ví: đứng từ xa mà chiêm ngưỡng, thác Mu hệt như dải ngân hà vừa tuột khỏi cung mây. Nhưng tới thăm nơi này, ít người biết rằng: nơi thác Mu hoang sơ, kì vĩ, đẹp đến mê lòng chính là địa điểm một người lính quả cảm năm xưa đã ngã xuống... Thác bản Mu như dải ngân hà đổ xuống từ thiên thanh đang rì rầm kể lại chân dung người lính Tây Tiến anh dũng cùng mối tình đẹp như một bài thơ.

Liệt sĩ Nguyễn Như Trang sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức có tới 11 người con. Thời niên thiếu, Nguyễn Như Trang theo học tại một trường tư thục ở Thăng Long Hà Nội và là một học sinh xuất sắc. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Nguyễn Như Trang đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc - nghệ thuật được thừa hưởng từ bố là thầy giáo Nguyễn Như Hoàn - người đã từng đoạt giải nhất thơ Ngụ ngôn của Hội Khai Trí Tiến Đức.

Những năm cả nước sục sôi trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, như bao thanh niên, trí thức yêu nước khác, cậu thanh niên trẻ Nguyễn Như Trang gia nhập bộ đội cứu quốc. Trẻ tuổi, gan dạ, thông minh, mưu trí, Nguyễn Như Trang được cấp trên tín nhiệm đề bạt chức danh Đại đội trưởng của Tiểu đoàn 212 thuộc Trung đoàn Thủ đô. Ngay trong thời gian này, người chiến sĩ trẻ vinh dự được kết nạp, đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay trên chiến trường không kém phần cam go tại Hà Nội khi đó.

Cho tới đầu năm 1947, người chiến sĩ trẻ Nguyễn Như Trang bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, gia nhập đoàn binh Tây Tiến, hướng về chiến trường chiến đấu, bảo vệ biên cương Tổ quốc thuộc miền Tây Bắc.

Vừa chiến đấu, với tâm hồn tài hoa của mình, giữa nơi chiến trận, anh đã sáng tác những nhạc phẩm diễn tả rõ ràng nhất khí thế, ý chí quyết tâm của người lính Tây Tiến quả cảm không quản ngại hi sinh gian khổ, quyết giữ gìn biên cương bình yên. Năm 1948, trong một lần rơi vào trận địa phục kích của quân thù, người Đại đội trưởng Nguyễn Như Trang đã anh dũng chống trả. Rồi tại địa điểm làng Mu (nay là xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), người chiến sĩ vẽ chân dung người yêu trên mọi nẻo đường hành quân đã hi sinh trong lần đó khi vừa tròn hai mươi mốt tuổi

Cuộc gặp ấn tượng và tình đầu thơ mộng

Lính Tây Tiến vẫn kể cho nhau nghe rằng “anh Trang đánh trận thì hăng, lúc tạm lỏng tay súng lại mơ mơ, màng màng”. Trong trạng thái mơ màng đó, anh thường nhờ một chiến sĩ tên Tâm có vóc dáng nhỏ nhắn ngồi làm mẫu cho mình vẽ tranh. Người ngồi mẫu là một nam chiến sĩ nhưng bức tranh anh Trang vẽ lại là chân dung một thiếu nữ thanh lịch. Bao nhiêu lần cầm bút vẽ, bấy nhiêu lần anh dừng bút vì có khi đến hàng chục, hàng trăm lần, anh không sao vẽ ra cho đúng nhất đôi mắt của người yêu mình. Một đôi mắt luôn dõi theo anh trên các chặng đường. Thấy đại đội trưởng vẽ rồi lại xóa và cứ lặp lại công việc ấy bất cứ lúc nào có thể, anh em đồng đội lại quay nhìn nhau: đôi mắt người yêu đại đội trưởng phải đẹp lắm. Chuyện tình của họ chắc phải đặc biệt lắm đây. Ngày ấy, Nguyễn Như Trang đang là người chiến sĩ trong Tiểu đoàn 212 thuộc Trung đoàn Thủ đô. Trong các câu chuyện mà lính tráng kể cho nhau nghe có nhắc đến hình ảnh một người con gái đẹp đứng bán sách trên phố Bà Triệu.

Lần đó, Phúc và Trang tới phố Bà Triệu, vô tình được chứng kiến màn đối đáp dí dỏm mà thông minh của cô chủ hiệu sách xinh đẹp và khách tới mua hàng. Số là thấy cô bán hàng xinh đẹp, hai thanh niên tới mua sách có ý chọc ghẹo mà hỏi rằng: “Cô có Làm đĩ không?”.

Không một phản ứng không hay, cô bán hàng nhanh trí đáp lại: Không, chỉ có Hai thằng khốn nạn. Nghe cô bán hàng đáp lại, hai thanh niên kia chỉ đứng lật lật mấy quyển sách một cách chiếu lệ rồi bỏ đi.

Chứng kiến màn đối đáp trên, Phúc và Trang nhìn nhau, phục lăn cô bán sách xinh đẹp đã khéo lấy tên cũng một tiểu thuyết đang bán chạy khi ấy mà đối đáp lại. Biết cô bán sách xinh đẹp, đáo để, Phúc và Trang cũng vẫn làm quen. Như cơ duyên sắp đặt, đáo để với hai thanh niên trêu ghẹo xấc lác kia nhưng với họ, cô rất nhã nhặn, lịch thiệp. Sau lần gặp gỡ, làm quen đó, Phúc và Trang thường tới chỗ cô mua sách, đôi khi đàm luận về những cuốn đã đọc.

Ôn lại kỉ niệm cũ, Phúc nói với Trang: “Nó mê mày đẹp trai chứ không mê tao. Mà, chúng mày yêu nhau từ khi nào thế?”. Đại đội trưởng Trang cười ý nhị mà rằng: “À, sau lần đó, tao viết thư cho Tuyết (tên nhân vật đã được thay đổi). Thư đầu là nhắn cô ấy là tao bận công việc, không thường xuyên ra ngoài được, nhờ cô xem có cuốn sách nào hay thì giới thiệu. Thế thôi”.

Rồi Tuyết hồi âm. Trong lá thư, cô ấy nói tới cuốn Triết học Kant vừa xuất bản rồi có thêm bình luận về nó. Thư qua, thư lại, các câu chuyện chuyển từ triết học sang triết lí về tình yêu rồi thành yêu nhau thật. Họ nhận lời yêu nhau cũng là khi cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội đang vào những năm tháng nước sôi, lửa bỏng. Đưa gia đình về tản cư ở vùng quê Phú Thọ, cô chủ hiệu sách xinh dẹp quay trở lại Hà Nội làm cứu thương hết mặt trận cửa ô này sang cửa ô khác để tìm gặp người yêu. Rồi tại mặt trận phía Nam Hà Nội, họ cũng đã gặp nhau, cùng thề nguyện thủy chung, son sắt đến trọn đời và hẹn ước ngày chiến thắng sẽ tổ chức đám cưới. Lần ấy, người thiếu nữ tên Tô mặc chiếc áo dài màu tím. Thế rồi Nguyễn Như Trang lên đường đi Tây Tiến. Đôi mắt và tà áo màu tím đã theo anh đi khắp chiến trường vào sinh, ra tử.

Lính Tây Tiến anh nào cũng thích đi tắm suối và kháo nhau chuyện thôn nữ tắm tiên. Sự hút hồn đầy ma mị khiến lính Tây Tiến có anh một ngày đi tắm suối đến vài ba bận. Riêng Đại đội trưởng Trang đi tắm suối mà vẫn quân phục chỉnh tề, lại còn mang theo cả khẩu “côn bắt” mà vẫn khiến biết bao trái tim thiếu nữ Lào thổn thức, thầm yêu, trộm nhớ. Vào dịp dân Mường Pùng vào hội té nước cầu may. Lính Tây Tiến anh nào, anh nấy đều tìm cách chạy nhanh cho khỏi ướt. Riêng Đại đội trưởng lại cứ đứng yên cho một cô gái vận áo màu tím giội nguyên một bương dài. Đêm về, Đại đội trưởng lên cơn sốt rét. Trong lúc mê man, vẫn gọi thầm violet! Trong một lần bị thương nặng, người chiến sĩ đó đã ôm chặt một đồng đội tên Lâm mà nhắn gửi: Nếu anh có sao, chú tìm gặp chị Tuyết và nói chị luôn luôn ở bên anh.

Sau lần bị thương nặng đó, được thưởng huân chương và mười ngày phép, Đại đội trưởng Nguyễn Như Trang cũng đã kịp về quê, đưa bố mẹ tới nhà người yêu xin phép cho anh chị được tổ chức đính hôn. Vốn là con gái sông Lô, sau khi gia đình tản cư về quê, Tuyết ở lại Hà Nội tham gia kháng chiến, đặng tìm gặp và chung một mặt trận với người yêu. Khi người yêu theo tiếng gọi thiêng liêng, gia nhập đoàn quân Tây Tiến, cô vẫn kiên cường ở lại Thủ đô tham gia cách mạng.

Năm 1948, nghe tin người yêu hi sinh, cô đã về Phú Thọ, nơi gia đình mình đang sống tản cư. Tới nhà anh Trang, cô nhất quyết xin gia đình người yêu được để tang anh dù cho giữa hai người chưa hề cưới hỏi. Được gia đình đồng ý, cô ở lại nhà người yêu - gia đình có mười một người con với vị thế như một người chị dâu cả.

Với tất cả những người em của liệt sĩ Nguyễn Như Trang thì chị Tuyết là người chị dâu cả rất mực đáng kính. Chị Tuyết ở nhà người yêu  từ năm 1948, ngay sau khi anh hi sinh tới tận năm 1955, khi bố mẹ đẻ từ nơi tản cư trở về Hà Nội, chị mới theo họ về sống trên phố Ngọc Khánh.

Xây dựng gia đình, trân trọng quá khứ như một tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng, cô Tuyết và những người em của liệt sĩ Nguyễn Như Trang vẫn giữ mối quan hệ thân tình. Với họ, Tuyết mãi là người chị đáng kính. Quá khứ với những kỉ niệm đẹp, đáng trân trọng luôn mang lại cho chúng ta những rung cảm tốt lành!

Vũ Nguyên
.
.
.