Tốt nghiệp rồi lo thất nghiệp

Thứ Sáu, 19/06/2015, 09:00
Mỗi độ hè về, nhiều gia đình thở phào như trút được gánh nặng khi có con em tốt nghiệp đại học, cao đẳng sau mấy năm miệt mài đèn sách. Nhưng liền sau đó, họ lại phải đối mặt với một thực tế đáng buồn hơn:
Việc làm cho các cử nhân này. Làm gì, làm ở đâu, công việc phù hợp với mảnh bằng đại học không, lương có đủ sống không…? Đó là những câu hỏi khiến nhiều bậc phụ huynh nát óc và không phải ai cũng có được câu trả lời thấu đáo.

Cách đây không lâu, tôi có dự một bữa tiệc nhỏ trong một nhà hàng xinh xắn ven Hồ Tây. Quán không đông, chủ yếu là người nước ngoài với đầu bếp từ châu Âu sang. Quản lý nhà hàng là một thanh niên khá trẻ, lịch lãm, biết 3 ngoại ngữ và luôn nở nụ cười trên môi.

Vì thích phong cách phục vụ và khẩu vị ở đây nên tôi còn quay lại quán vài lần và biết thêm chàng trai quản lý từng tu nghiệp ở nước ngoài và có bằng thạc sĩ kinh tế. Cậu dư sức làm trong các doanh nghiệp lớn hay giảng viên các trường đại học nhưng trước khi tìm một công việc thích hợp, phát huy sở trường của mình, cậu quyết định thử sức ở lĩnh vực kinh doanh nhà hàng. 

Trường hợp trên không phải là ngoại lệ. Những con số sau khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ: Trong các năm 2011-2014, trung bình mỗi năm nước ta có trên 400 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Số lao động có trình độ đại học, cao đẳng trong độ tuổi lao động thất nghiệp thời gian qua tăng nhanh và riêng số sinh viên thất nghiệp năm 2014 tăng gần gấp đôi so với năm 2010.

Còn đây là báo cáo của hơn 100 trường đại học, cao đẳng cho thấy, giai đoạn 2010-2014, trung bình tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp sau 3 tháng có việc làm đạt khoảng 60%. Một chuyên gia ngành giáo dục khi nói về vấn đề việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp không giấu được sự ngao ngán: Tốt nghiệp càng nhiều thì thất nghiệp càng cao! Điều đau xót là trong đội ngũ thất nghiệp đó có cả các thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra, các sinh viên tu nghiệp ở nước ngoài và thậm chí cả một số người có bằng thạc sĩ.

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Đây là vấn đề xưa như trái đất nhưng nó thật sự nóng lên mỗi dịp hè về, khi mấy trăm nghìn sinh viên lũ lượt ra trường, tỏa đi bốn phương tám hướng mưu sinh. Ai may mắn thì tìm được việc làm phù hợp, kẻ chậm chân thì phải đi đường vòng và trước khi đến đích, họ phải chấp nhận làm cả những công việc mà mình không hề có kiến thức cũng như kinh nghiệm.

Nguyên nhân của tình trạng này thì nhiều, các cuộc hội thảo liên bộ cũng diễn ra hằng năm, nhưng sau đó mọi thứ khép lại và các sinh viên tiếp tục đối mặt với bài toán thất nghiệp. Xin không nói về các nguyên nhân khách quan mà chỉ đề cập tới các nguyên nhân có tính chủ quan. Khá nhiều sinh viên kiến thức sách vở không chê vào đâu được, nhưng các kỹ năng khác thì lại vô cùng yếu. Đó là khả năng diễn đạt, làm việc theo nhóm, mơ hồ về những định hướng cho bản thân, không chủ động và tích cực khi tham gia các hoạt động cộng đồng, không gắn bó với công việc…

Các nhà tuyển dụng rất quan tâm đến các kỹ năng này vì họ cho rằng, kiến thức thu được trong các trường đại học là nền tảng cần thiết nhưng chưa đủ. Để làm việc cho họ có kết quả tốt thì cần phải trang bị thêm một số kiến thức khác và đặc biệt là các kỹ năng mềm. Nói một cách khác, tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp còn do nhà tuyển dụng và sinh viên chưa tìm được tiếng nói chung.

Đầu tháng 6 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra một cuộc hội thảo với chủ đề "Chung tay giải quyết việc làm cho tân sinh viên" với sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước và một số doanh nghiệp. Một ý kiến đưa ra được nhiều người đồng tình, đó là nên có một học kỳ doanh nghiệp kéo dài từ 3-6 tháng nhằm giúp sinh viên có thêm kỹ năng nghề nghiệp và thực hành công việc.

Điều quan trọng hơn, hai bên có dịp hiểu nhau và tìm được tiếng nói chung để từ đó, doanh nghiệp vẫn tuyển dụng được người mình cần và góp phần giải quyết tình trạng sinh viên thất nghiệp hiện nay. Nhưng để ý tưởng này thành hiện thực chắc lại phải chờ một khoảng thời gian dài…

Tuấn Nguyễn
.
.
.