Trai Việt và nguy cơ… ế vợ

Thứ Hai, 26/10/2015, 12:00
Không nói đâu xa, chỉ trong cái ngõ nhỏ ven đô mà gia đình tôi đang sống có chục hộ thì 7 hộ có một hoặc hai con trai. Ba hộ còn lại có nếp có tẻ hoặc một con gái. Cứ chiều chiều đi học về là lũ trẻ ùa ra ngõ đá bóng, đạp xe, hò hét inh tai nhức óc cho đến khi bố mẹ gọi về tắm táp và ăn cơm tối. Đến lúc đó cả ngõ mới thở phào vì được yên tĩnh.
Hầu hết những nhà có con trai trong cái ngõ ấy đều nuông chiều con hết mực. Trong số đó phải nói đến nhà anh H. Vợ chồng anh cưới nhau mãi 4 năm sau mới sinh con, là con trai, lại là cháu đích tôn nên ông bà nội ngoại, rồi bố mẹ thằng cu nâng niu như trứng mỏng. Nó muốn bất kỳ thứ gì là ông bà, bố mẹ phải đáp ứng ngay, nếu không nó lăn ra nhà giãy đành đạch hoặc gào khóc ăn vạ.

Có lần tôi sang chơi, bà nội đang xúc cơm cho nó. Chỉ vì bát cơm có ít thịt mỡ mà nó không thích ăn, nó giằng bát cơm từ tay bà ném mạnh xuống sàn nhà. Còn bố mẹ nó mỗi khi nhắc đến con đều khen nó hết lời: thằng bé rất "nam tính", tí tuổi đầu mà đã quyết đoán, thẳng thắn và có tố chất của người... lãnh đạo. Tôi nghe mà chỉ biết lắc đầu cười.

Sang thế kỷ XXI rồi mà còn nói chuyện trọng nam khinh nữ thì kể cũng kỳ. Thật ra, ở các thành phố lớn, khái niệm con trai, con gái hầu như không còn xem nặng như trước bởi không ít các cặp vợ chồng trẻ chỉ muốn sinh một con. Vì thế với họ, con nào cũng được. Miễn là khỏe mạnh, bình thường và nuôi dạy chúng nên người.

Song, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, sự phân biệt nam nữ vẫn còn tồn tại. Có 2, 3 con gái vẫn coi như chưa có con, phải sinh ra con trai, có thằng chống gậy, nối dõi tông đường mới được tính là có con. Cũng bởi chuyện trọng nam khinh nữ mà nhiều đôi vợ chồng trẻ bằng mọi giá để có con trai và không ít người bị đẩy vào những bi kịch không đáng có.

Vấn đề con trai, con gái không còn là chuyện nhỏ trong mỗi gia đình nữa mà trở thành chuyện "quốc gia đại sự" khi mới đây, một lãnh đạo của Bộ Y tế đã đưa ra con số khiến nhiều người giật mình: Tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Việt Nam thời điểm hiện tại đã lên con số 112,2 bé trai/100 bé gái.

Minh họa: Tả Tưa.

Như vậy, nếu không can thiệp kịp thời bằng nhiều giải pháp có hiệu quả, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa 2,3 - 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn. Đây thật sự là con số đáng báo động, vì nếu năm 2000, tỉ lệ MCBGTKS mới chỉ là 106,2 bé trai/100 bé gái thì đến nay, con số đó đã khác nhiều. Điều đáng nói là 55/63 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108 bé trai/100 bé gái.

Tình trạng thừa nam, thiếu nữ chắc chắn sẽ gây ra các hậu quả về lâu dài và nghiêm trọng mà không thể giải quyết một sớm, một chiều. Ngoài chuyện số nam giới không có điều kiện kết hôn, phải sống độc thân, bản thân những người phụ nữ cũng phải chịu áp lực về việc kết hôn sớm hoặc bỏ học nửa chừng để lập gia đình.

Cũng có thể có sự gia tăng về tệ nạn mại dâm dẫn đến việc hình thành đường dây mua bán phụ nữ, các dịch vụ môi giới trá hình kéo theo những hành vi phạm tội khác. Rồi chuyện những chàng trai độc thân, tinh thần bất ổn là nguyên nhân tiềm ẩn của những hành vi lạm dụng tình dục… Những điều này các nhà khoa học nước ngoài đã tổng kết từ lâu. Và như thế, từ việc MCBGTKS sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy khác, ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến công tác giữ gìn TTATXH.

Cách đây một tuần, tại Hà Nội đã diễn ra một sự kiện khá đặc biệt: Phát động "Ngày hội chung tay hành động giảm thiểu MCBGTKS" với chủ đề "Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi" nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguyên nhân và hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi. Cùng với đó kêu gọi sự chung tay chấm dứt hiện tượng MCBGTKS; hướng tới mục tiêu quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em.

Thiết nghĩ, cùng với việc phát động trên sẽ là hàng loạt hành động khác, có sự kết hợp chặt chẽ, bổ sung cho nhau, đặc biệt là thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và nâng cao dân trí cho mọi người, xóa dần khoảng cách giữa các vùng miền. Chỉ có vậy, việc khắc phục tình trạng MCBGTKS mới mang lại hiệu quả, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại.

Tuấn Nguyễn
.
.
.