Trai "cò", gái "đĩ" chuyện lạ về cách gọi tên ở một làng

Thứ Sáu, 21/03/2014, 09:00

Cuộc sống hiện đại làm thay da đổi thịt, mất dần đi không ít những thói quen cũng như tập tục cũ. Tuy nhiên, ở thôn Ngô Xuyên và Hành Lạc (thuộc thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), lề thói cũ vẫn được người dân giữ lại cho đến tận ngày nay. Ngày xưa, một người nếu sinh ra là nam thì được gọi là "cò", nếu là nữ thì được gọi là "đĩ" thì bây giờ vẫn thế. Tuy nhiên, cũng chỉ vì cái tên gọi ấy mà người dân ở đây dù đi xa vẫn gặp không ít phiền toái, dở khóc dở cười.

Từ Hà Nội, cô con dâu đã hai thứ tóc trên đầu gọi điện về có ý trách bố chồng mình về việc cụ đã chia sẻ cho cánh phóng viên vài câu chuyện liên quan tới cái tên xưa xửa xừa xưa của chồng mình là "cò K" để rồi bà nhận không biết bao nhiêu cú điện thoại, tin nhắn xác thực rằng nhân vật trong bài báo có phải chồng bà không. Rồi cũng tới lượt anh em họ hàng và những người dân trong thôn  quay sang trách cụ: "ai lại gọi một vị mang tới học hàm phó giáo sư và tiến sỹ là "cò" nữa? Chẳng hiểu ông ấy nghĩ gì?".

Chả là ngày xưa ở Ngô Xuyên, nếu một đứa trẻ sinh ra là nam thì sẽ được gọi là "cò". Và nhân vật "cò K.", con đầu của cụ Kh. ở trên bây giờ đã là PGS.TS, làm việc tại một trường ĐH danh tiếng của Hà Nội, trong một lần về thăm quê thì người cô ruột vẫn theo thói quen cũ gọi ông là "cò": "Cò K đã về đấy à? Thế Tết này mày ở quê chơi có được lâu không hả cháu?". Cụ Kh có mấy người con trai là cò Đ., cò T., cò Tr. thì người nào cũng thành đạt, không là PGS cũng là thạc sỹ, đều xa nhà cả. Thỉnh thoảng cụ bà vẫn hỏi: "Ông ơi cò Khoa có gọi điện về không?". Cò Khoa chính là đứa cháu nội đang học đại học tận bên Mỹ. Xa xôi vậy mà cứ ngỡ gần đây lắm!

Người thôn Hành Lạc không thích mình bị gọi là "đĩ".

Cụ Kh kể rằng chẳng biết từ bao giờ lại có thói quen đó. Chỉ biết khi sinh ra và lớn lên, nhà nào cũng thế. Tuy nhiên, không phải ai cũng gọi nhau là "cò" này "cò" nọ được. Đều có quy tắc cả. Chỉ những người bề trên, hoặc ít nhất bằng vai vế với nhau mới được gọi thế. Khi nhớ lại câu chuyện làng "cò" của mình, cụ T, 83 tuổi mới nói: "Hồi xưa, nhà nào cũng cò. Cò này cò kia. Cò lớn cò bé, lắm lúc loạn lên. Nói loạn là loạn với người ngoài, còn người trong làng thì ai cũng phân biệt được. Thế mới tài. Sở dĩ có gọi như thế là bởi thời các cụ mình khi đẻ con ra chẳng biết gọi tên con là gì. Thế là gọi là "cò" (với con trai), "gái" (với con gái). Bây giờ "gái" hầu như người ta không dùng nữa. Còn "cò" vẫn có nhà dùng. Ở cạnh làng tôi, trẻ em khi sinh ra là con gái thì đươc gọi là "đĩ" thì sao?".

Thì ra, làng bên cạnh mà cụ T. nói chính là thôn Hành Lạc. Ngoài việc một đứa trẻ khi sinh ra là nam được gọi là "cò" như thôn Ngô Xuyên thì ở đây, một người con gái mới sinh ra được gọi là "đĩ". Có nhà như nhà bà G có tới 5 người con gái lần lượt là "đĩ Giỏ", "đĩ Cua", "đĩ Cá", "đĩ Tôm", "đĩ Tép". Gọi thành quen, nên về sau này có tên gọi theo giấy khai sinh thì người con gái đã lớn của gia đình "sông nước" này giờ đang học thạc sỹ, về làng, lắm lúc vẫn giật mình khi có người hỏi thăm: "đĩ Cá đã về rồi à?". Hoặc như gia đình ông B và bà S có với nhau tới 6 "đĩ" gọi theo thứ tự "đĩ nhớn", "đĩ bé", "đĩ cỏn", "đĩ con"… đến đứa thứ 5 bí quá, chẳng biết đặt gì nên gọi đại là "đĩ Lan", đứa thứ 6 là "đĩ út".   

Thế nhưng, dân thôn Hành Lạc cũng như thôn Ngô Xuyên bây giờ không thích người khác gọi mình là "cò" hay "đĩ". Đó là cái tên ngày xưa, thuở thiếu thốn, giờ đây đã lạc hậu rồi. Bây giờ, ai cũng có tên hẳn hoi, gọi bằng tên thôi. Vậy nên mới có chuyện mấy người con của ông B. và bà S. sau khi đọc bài báo nọ mới kéo nhau lên nhà một người trong thôn "ăn vạ" vì người này đã lỡ dẫn anh phóng viên qua nhà họ rằng "bác" cố tình bêu rếu nhà cháu thế này thế kia. Để rồi ông cụ tuổi già cả, nghễnh ngãng kia có một phen cười chẳng được, khóc cũng chẳng xong.

Chuyện làng “co”â, làng “đĩ” là có thật. Những người con ở 2 làng này sinh ra, lớn lên và đều thành đạt cả. Cái tên "cò" hay "đĩ" đã trở thành quá khứ. Bây giờ là thời đại văn minh, văn minh từ tên gọi trở đi nên người ta không còn gọi con mình là "cò" hay "đĩ" nữa. Chỉ có những người già, theo thói quen, thỉnh thoảng vẫn gọi mà thôi

Đậu Dung
.
.
.