Trải nghiệm của một người gốc Việt về Tết cổ truyền tại Mỹ

Thứ Sáu, 15/02/2013, 17:56

Mỗi độ tết đến xuân về, cảm xúc trong mỗi con người lại trỗi dậy, cảm hứng, nhiệt huyết dường như được tiếp thêm sức mạnh khiến ai cũng thấy là lạ khó tả nhất là đối với những người con đất Việt sống xa quê hương. Những khó khăn chồng chất nhưng đã bị đẩy lùi, những vấp ngã trong cuộc sống đã khiến họ tỉnh táo hơn và đứng vững hơn. Một cái tết ấm áp nơi xứ người sẽ xóa tan đi khoảng cách về địa lý, những món ăn đậm đà bản sắc Việt, những bản nhạc dân tộc cổ truyền sâu lắng khiến trái tim của những người con xa xứ được sưởi ấm giữa tiết trời lạnh giá.

Vấp ngã là bài học để đứng vững

Lần đầu tiên đặt chân đến xứ người, Tony Trần đã cảm nhận ngay được cảm giác xa lạ. Mọi thứ khác xa so với trí tưởng tượng của anh bởi những người xung quanh đã vẽ lên một cuộc sống đầy màu hồng, chính vì vậy mà anh đã quyết tâm nhất định phải rời quê hương để tìm một không gian mới cho chính mình. Đặt chân lên máy bay, Tony háo hức chờ đợi, mong mỏi bởi bao hy vọng, niềm tin, sự nhiệt huyết anh đã dành  cho chuyến đi này.

Khi đặt chân tới đất nước Mỹ xa xôi sau chuyến bay nửa vòng trái đất, Tony đã bị choáng ngợp bởi mọi thứ lung linh huyền ảo nơi đây. Anh chắc chắn rằng tất cả đã là sự thật chứ không phải là giấc mơ nữa. Tony tự tin bước đi dưới sự dẫn dắt của một người họ hàng, trong lòng khấp khởi mừng thầm rằng từ đây anh sẽ có một cuộc sống mới, cuộc sống của sự xa hoa và giàu có. Địa chỉ đầu tiên anh đặt chân đến đó là ngôi nhà của một bà cô họ, thời gian đầu mới sang Mỹ, Tony sẽ được tá túc tại đây. Nói chung thì mọi thứ đều rất tuyệt đối với Tony bởi tham vọng của anh không thể thực hiện ngay được mà sẽ dần dần đi theo đúng quỹ đạo của nó.

Thời gian đầu mới sang Mỹ, Tony được mọi người đón tiếp rất chu đáo và anh được nghe những lời giảng giải, chỉ bảo rất tận tình của những người thân xung quanh. Có trong tay hai tấm bằng cử nhân kinh tế, chắc chắn Tony sẽ không để mọi người phải thất vọng vì anh. Những chủ quan thái quá trong cuộc sống đôi khi cũng khiến con người phải trả những cái giá quá đắt của cuộc đời. Đối với Tony cũng vậy, anh không thể là trường hợp ngoại lệ để có thể thoát khỏi vòng quay khắc nghiệt của cuộc sống.

Mọi viễn cảnh, những bức tranh tô vẽ màu hồng dần qua đi để thế chỗ cho những khó khăn khi Tony bắt đầu công việc của mình. Không đơn giản như anh nghĩ, cuộc sống mưu sinh quả là không dễ dàng một chút nào. Không chỉ phải đổ mồ hôi mà còn phải đổ cả máu để có thể trụ lại nơi xứ người. Công việc làm ăn khó khăn và nhất là phải hòa nhập được với cộng đồng còn là vấn đề nan giải hơn cả.

Chỉ hơn 2 tháng sang định cư tại quận Cam, nước Mỹ, Tony đã không ít lần gặp rắc rối về việc không tìm hiểu pháp luật. Nhiều lần phải đối mặt với cảnh sát khiến Tony đã quyết tâm học tiếng nhưng để hiểu rõ về luật pháp thì không phải là điều dễ dàng đối với một người bình thường. Càng khó khăn thì anh lại càng phải quyết tâm cao hơn nữa và dần dần Tony đã không còn bị tính chủ quan thái quá hành hạ. Dần dần anh cũng bắt đầu hòa nhập được với cuộc sống mới, bắt nhịp được với những phong tục tập quán văn hóa mới và chính điều này đã khiến anh làm chủ được cuộc sống của mình.

Lần đầu tiên Tony chia sẻ suy nghĩ của mình trên trang mạng cá nhân rằng anh gần như suy sụp và bất lực trước những khó khăn tại Mỹ nhưng rồi vì tự trọng, vì sĩ diện nên anh đã cố gắng để vượt qua. Có những lúc anh đã muốn đầu hàng và nghĩ đến những việc làm phi pháp để nhanh chóng vượt qua khó khăn. Tony đã từng lang thang trên khắp các con phố với ý nghĩ là sẽ tham gia vào một băng nhóm nào đó có thể nhưng rồi những bước chân của anh đã trở nên cứng rắn hơn giúp anh thoát khỏi những phút yếu lòng.

Tony còn chia sẻ về lần đầu tiên đón xuân nơi xứ người. Ngày đầu mới sang chưa hòa nhập được với cộng đồng nên anh luôn phải sống trong sự cô độc. Tết đến xuân về, nỗi nhớ quê mới cồn cào cắn xé lòng anh khiến anh như muốn phát điên. Chạy ra đường gào thét cũng không làm anh nguôi đi phần nào, cố ngủ để quên đi nỗi nhớ nhà cũng không thể giúp anh xua đi cái cảm giác ấm áp, sum họp, đoàn tụ gia đình mà anh đã từng được sống và Tony đã tìm đến rượu và ma túy. Anh tự bào chữa cho bản thân mình rằng chỉ có những thứ đó mới có thể làm anh trụ lại nơi đây và đấy cũng là kỷ niệm không bao giờ quên trong lòng anh.

Cái tết đầu tiên nơi xứ người của Tony đã cách đây gần 20 năm nhưng chưa bao giờ anh quên được. Ma túy và rượu đã giúp anh sống trong ảo giác và may mắn là ngay sau khi vừa mới bắt đầu nghiện, Tony đã được nhiều người động viên nên anh đã nhanh chóng thoát ra khỏi vũng lầy trước khi quá muộn. Nghĩ lại những chuyện này mà Tony vẫn còn cảm thấy sợ mặc dù nó đã trôi qua từ rất lâu rồi. Ngay sau khi bắt nhịp với cuộc sống mới, Tony đã hòa nhịp được với cộng đồng và anh cũng đã làm chủ được cuộc sống của mình.

Người Việt đón Tết truyền thống ở Mỹ.

Gần 20 năm sống xa quê hương nhưng Tony vẫn luôn trân trọng những bản sắc của dân tộc mình, những món ăn vẫn đậm chất Việt thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn tối của gia đình anh. Theo như Tony Nguyễn chia sẻ thì anh muốn giữ được cảm giác ấm cúng, được nhớ về quê hương trong mỗi bữa ăn và anh luôn nhắc các con của mình biết về nơi mà chúng được sinh ra.

Nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về, anh cùng gia đình mình và rất nhiều những gia đình khác trong cộng đồng tổ chức rất nhiều những hoạt động để mọi người được nhận không khí tết, cảm giác ấm cúng, đoàn tụ và chính từ bài học xương máu của bản thân nên Tony luôn mong muốn rằng mình sẽ làm được một việc gì đó để giúp những người mới sang không rơi vào trạng thái cô độc như anh trước đây. Ai cũng vậy nếu như không đủ bản lĩnh tự tin để vượt qua những hụt hẫng ban đầu thì khó có thể duy trì và phát triển tương lai.

Mùa xuân trên đất Mỹ

Theo lời Tony thì xuân mới lại về, người Việt tại Mỹ cũng như người Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới đang dành những tình cảm đặc biệt cho những người thân yêu của mình, họ đón mừng năm mới với nỗi nhớ quê khắc khoải. Năm mới đến là thời điểm đầy ý nghĩa đối với mỗi người Việt và nhất là những người Việt sống xa quê hương, là thời điểm cùng cộng đồng nhìn lại năm qua, dành những giây phút đặc biệt bên người thân yêu, bày tỏ lòng biết ơn đến những điều may mắn mà mình có được trong năm vừa qua và hướng đến những thách thức đang đón chờ ở phía trước.

Anh Tony chia sẻ rằng những người Việt tại Mỹ luôn trân trọng và duy trì những phong tục đón Tết cổ truyền. Họ thấy hạnh phúc khi được nghe những bản nhạc dân tộc cổ truyền, được ăn những món ăn đậm chất Việt ngày Tết. Càng sống xa quê họ càng thèm cảm giác ấm cúng và những ngày Tết họ được tụ họp càng khiến họ gần gũi nhau hơn. Họ còn vui hơn nữa khi được Tổng thống Mỹ gửi thư chúc mừng đến tất cả những người dân đón Tết Âm lịch trên đất Mỹ.

“Đây là thời gian chúng tôi chung vui cùng gia đình và bạn bè, nhưng cũng là lúc chúng tôi nhớ đến ông bà tổ tiên. Chúng tôi giờ đây coi Mỹ là đất nước của mình, nhưng chúng tôi vẫn bảo tồn truyền thống văn hóa Việt"”, chia sẻ của một người gốc Việt tại Mỹ. Tại Mỹ mọi người vẫn được đi lễ chùa, được thi gói bánh chưng và được cắm hoa đào trên bàn thờ tiên tổ.

Anh Tony luôn dành tình cảm đặc biệt cho những người lần đầu tiên đón tết tại Mỹ. Bên cạnh những phong tục cổ truyền thì người Việt tại Mỹ còn có thêm một thứ văn hóa đó là văn hóa... casino. Những ngày đầu năm mới, người Việt cũng đến thử vận may tại casino, cũng có thể chơi một vài ván và cũng có người chỉ đến tham quan, mua sắm. Tất cả những lễ hội đầu xuân với mong muốn những người con xa xứ vơi đi phần nào nỗi nhớ quê hương, tạo thêm sự gắn kết của cộng đồng với hy vọng vào một tương lai rạng rỡ hơn khi năm mới đến. Anh Tony cùng gia đình mình đã gói rất nhiều bánh chưng, gói giò và làm dưa góp để mang đến trung tâm tổ chức lễ hội của cộng đồng để tất cả mọi người được thưởng thức.

Những lời tâm sự và chia sẻ của một người con gốc Việt xa quê đã phải trải qua bao nhiêu biến cố của cuộc đời nhưng vẫn luôn cố gắng đứng vững bằng mọi giá khiến cho nhiều người như được tiếp thêm nguồn động viên. Sống xa quê hương biết bao khó khăn vất vả nhưng không vì thế mà họ làm mất đi sự tự tin, mất đi bản sắc dân tộc, tìm mọi cách hòa nhập nhưng không hòa tan

Phương Mai (CSTC Xuân 2013)
.
.
.