Trải nghiệm nơi những dòng sông chảy vào đất Việt

Thứ Năm, 18/02/2016, 07:14
Thiên nhiên đã ban tặng cho dải đất thân thương nước Việt biết bao dòng sông đẹp. Từ nước bạn chảy vào đất mẹ, sông luồn qua khe núi, vạt rừng để lại đổ về đồng bằng, nuôi dưỡng các cánh đồng trước khi ra biển lớn. Nơi những dòng sông chảy vào đất Việt, lạ thế, năm nào mùa xuân cũng về sớm.


Những hành trình thật dài

Khám phá thượng nguồn những dòng sông luôn là điều thú vị với những người ưa xê dịch, đặc biệt là giới trẻ. Có nhóm bạn lên kế hoạch mỗi năm đón Tết ở một vùng núi nào đó. Trong hành trình khám phá và chinh phục những cung đường xa xôi, tôi đã mê đắm các dòng sông. Mà phải là thượng nguồn, nơi biên cương có những người con chắc tay súng bảo vệ bờ cõi đất nước. Nơi người dân một nắng hai sương, vất vả mà rất đỗi yêu đời. Ở đó, thiên nhiên cũng ưu ái, cữ cuối đông, nhiều loài hoa rừng đã bắt đầu nở, báo hiệu mùa xuân no ấm. Thế nhưng, bao giờ cũng vậy, các hành trình chẳng bao giờ dễ dàng.

Chuyến khám phá nơi sông Đà chảy vào đất Việt vào năm 2009 vô cùng vất vả, để lại trong chúng tôi biết bao ấn tượng. Có đoạn đường người phải “cõng” xe máy. Nay đường vào địa điểm đặt cột mốc biên giới số 17, thuộc xã Kẻng Mỏ, huyện Mường Tè (Lai Châu) đã bớt nhọc nhằn, nhưng phải là những người có sức khỏe mới chịu được “nhiệt”.

Cuộc sống trên sông Vàm Cỏ Đông.

Sông Đà không lắm thác nhiều ghềnh như trước. Những hình ảnh thác dữ trong văn Nguyễn Tuân chỉ còn là ký ức. Song ấn tượng thì không vơi. Biết bao bạn trẻ gặp lại thượng nguồn sông như gặp lại cố nhân, cứ miên man gửi cảm xúc trôi cùng dòng nước lẫn màu sương trắng bảng lảng, cùng gió trời và tiếng chim. Tiếng nước xô nhau tạo nên bản nhạc êm đềm miền biên viễn.

Bạn Dương Văn Bình, cựu sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tâm sự: “Mình đã trải qua nhiều hành trình, trong đó, những chuyến đi Mường Tè, khám phá sông Đà là vất vả nhất. Từ thị xã Lai Châu vào đến đây chỉ chừng 260km mà sao gian nan thế!”.

Gian nan là bởi họ đã trải qua các cung đường lúc nào cũng muốn thử sức bền của con người. Họ phải đối mặt với rủi ro. Ấy thế mà có ai chùn bước đâu! Bình thuộc nhóm “phượt Bạn Bè”, chuyên khám phá thượng nguồn sông.

Thượng nguồn sông Chu (Nghệ An).

Mỗi năm, vào dịp Tết Dương lịch, hoặc sát Tết Nguyên đán, nhóm thường tổ chức những chuyến đi. Năm thì ngược dòng sông Chảy (huyện Si Ma Cai - tỉnh Lào Cai). Có năm chinh phục “cung đường lãng mạn” lên A Mú Sung (huyện Bát Xát) để khám phá nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Xuân 2015, nhóm của Bình dự định chinh phục thượng nguồn sông Chu (huyện Quế Phong-tỉnh Nghệ An). Hành trình của mỗi chuyến ít là 500km, dài hơn thì gần 1.000km.

Bình cho biết, sở dĩ nhóm “phượt Bạn Bè” tồn tại lâu là vì tập hợp được những người ham đi, cùng một niềm đam mê. Họ dường như không chịu ngồi yên vào những dịp đặc biệt. Để tổ chức được những chuyến đi, ngoài kỹ năng và một lưng vốn sức khỏe như người “phượt” thông thường thì nhóm còn chuẩn bị một tâm thế để sống hòa quyện với văn hóa của những mảnh đất ấy.

“Đi không phải chỉ để trải nghiệm, mà chúng em còn ghi lại đời sống văn hóa của bà con bằng các bài viết nghiên cứu sâu. Chúng em có dự định viết chung một cuốn sách về sự đặc sắc của thượng nguồn các dòng sông của nước ta. Dự kiến năm 2018, sau khi đã trải nghiệm gần như toàn bộ các dòng sông chảy từ biên giới, chúng em sẽ hoàn thành cuốn sách”, bạn Hồng Vy, thành viên của nhóm tâm sự.

Đất thương đất nhớ

Có đôi lúc tôi tự hỏi, những người ưa khám phá sẽ tích lũy được gì ngoài sự vất vả? Bản thân tôi đã tự trả lời sau vài lần đến Lũng Pô. Rằng được rất nhiều. Nhóm “phượt Bạn Bè” cũng được rất nhiều và họ sẽ có một cuốn sách độc đáo. Đó là những nơi thật sự thiêng liêng và chúng tôi có cả một kho tàng.

Xin một lần khẳng định, mỗi hành trình đều là sự tích lũy đáng trân trọng và nhớ. Không tin, một lần bạn thử đón xuân ở Lũng Pô, xã A Mú Sung (Bát Xát - Lào Cai) sẽ thấy. A Mú Sung cao hơn mặt nước biển 1.200m. Mảnh đất này vẫn được coi là đỉnh mây, bởi quá nửa thời gian trong năm là mây bao phủ. Vào mùa đông, A Mú Sung lạnh cắt da cắt thịt. Thế nhưng, người dân vẫn bám rừng, bám ruộng nương. Họ đã làm nên những mùa lúa chắc mẩy, mùa thảo quả thơm tho và cuộc sống sung túc. Có người đã phải thốt lên khi đến mảnh đất này, rằng dưới những tán rừng già, sao mà nhiều suối và kênh rạch nhỏ. Bao con suối đã trở thành điểm hẹn của gái trai, cả mùa nương rẫy, mùa đi hội xuân. Nhiều người từ những cuộc hẹn đã thành vợ thành chồng.

Vẻ đẹp dòng sông vùng Tây Bắc.

Và bạn sẽ thật sự nhớ, bởi chính nơi đây, con sông Hồng bắt nguồn từ Trung Quốc chảy vào đất Mẹ, cũng là nơi nhà thơ Dương Soái đã viết thơ và nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc bài “Gửi em ở cuối sông Hồng” suốt bao năm ăn sâu vào tiềm thức người dân. Lũng Pô, tiếng địa phương là đầu rồng. Từ đây, suối Lũng Pô đã hòa dòng sông Hồng để làm thành ngã ba sông tuyệt đẹp.

Sông Hồng còn được gọi là sông Mẹ. Từ đầu rồng Lũng Pô, dòng sông như được phun ra từ miệng rồng, để bao đời dòng nước cứ thao thiết chảy như lời hát trữ tình trùng điệp, bồi đắp phù sa cho lúa thơm trên rẫy, hoa nở trên đồi, cho mùa màng dưới vùng châu thổ thêm nặng hạt. Đón xuân 2016, bà con A Mú Sung, Y Tý, A Lù được mùa thảo quả. Đặc biệt Lũng Pô còn được mùa chuối. Thiếu nữ xúng xính xuống chợ sắm quần áo mới. Những ánh mắt biết nói nhắn nhủ người dưới xuôi nhớ về dự hội...

Qua trò chuyện, chắp nối những thông tin từ các thiếu nữ A Mú Sung, một câu chuyện tình tuyệt đẹp được khai mở. Đó là chàng trai quê Bắc Ninh đã rủ người yêu về Lũng Pô ngắm cột mốc số 92, ngắm ngã ba sông tuyệt đẹp và trao lời thề hẹn. Tuyệt diệu thay, tình yêu của họ không chỉ đẹp, mà chính người con gái trong câu chuyện nhiều lần về đầu nguồn để ấp iu cảm ơn dòng sông. Phải chăng, khúc sông này đã trở thành nơi gửi gắm và trải nghiệm của những trái tim tuổi trẻ dám sống với khát vọng?

Cột mốc biên giới 241 đánh dấu địa danh con sông Tiền chảy từ nước bạn Campuchia vào nước ta. Mảnh đất Vĩnh Xương, huyện Tân Châu (tỉnh An Giang) vốn đã đẹp càng trở nên trữ tình. Mùa xuân, hoa lục bình tím biếc một vạt sông dài. Vào mùa nước nổi, cá linh sinh trưởng đông đúc đã trở thành món đặc sản của vùng đất này. Do đoạn sông Tiền qua khu vực khá hiền hòa, nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương giữa nước ta và huyện Lek-đêk, tỉnh Cần-đal, Campuchia. Nhờ thế, huyện Tân Châu có đủ điều kiện để phát triển kinh tế, đồng thời trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ các nước trong khu vực đến An Giang và ngược lại.

Mùa xuân, du ngoạn thượng nguồn sông Tiền, nghe vọng cổ thì không gì thú vị bằng. Cũng bởi, con người nơi đây luôn sống hòa nhã, bình dị và hòa quyện với thiên nhiên. Chính thiên nhiên đã tạo thuận lợi sản sinh hoa trái, nuôi dưỡng mùa cá linh, mùa hoa kiểng, lúa gạo, tạo nên cả một quá trình bứt phá khỏi đói nghèo của vùng biên cương từng rất đỗi nhọc nhằn này. Chiến sĩ Vũ Văn Khu, đồn biên phòng cửa khẩu Vĩnh Xương cho rằng, cuộc sống của người dân trước đây rất vất vả. Song bằng sự cố gắng của bản thân, bao kiếp người chân lấm tay bùn đã làm nên sức vóc của một vùng đất hào phóng. Mà điều đó cũng nhờ vào dòng sông Tiền khoáng đạt dung dưỡng.

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

Đi, trải nghiệm, hát, đón xuân, bạn sẽ không quên hành trình của những con sông nuôi dưỡng cuộc sống của hàng triệu người con đất Việt. Đất địa đầu Tổ quốc có sông Nho Quế, sông Lô đi vào bao câu hát, bài thơ và bức họa. Đất Si Ma Cai, Bắc Hà (Lào Cai) có sông Chảy lãng mạn mà biết bao đoàn khách đã khám phá bằng những tour du lịch ngược sông vào mùa xuân, đắm chìm vào lễ hội Xuân của bà con dân tộc Tày, xã Trung Đô (huyện Bắc Hà).

Thuyền ghe tấp nập trên sông Vàm Cỏ.

Đất Lạng Sơn có sông Kỳ Cùng chảy ngược lãng mạn. Xứ Thanh, nơi cửa khẩu Tén Tằn (huyện Mường Lát) là cửa sông Mã chảy về từ nước bạn Lào. Một con sông lãng mạn, thích rong chơi đã đi vào huyền thoại của công cuộc chinh phục thiên nhiên của bà con các dân tộc miền Tây, tỉnh Thanh Hóa.

Đi nhiều, chẳng ai có thể bỏ qua con sông Vàm Cỏ Đông, chảy từ Campuchia về tỉnh Tây Ninh. Mùa xuân du ngoạn bến Trí Bình, khách sẽ chẳng thể cầm lòng bỗng nghe câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Nam sáng tác “Đi trên sông Vàm một đêm trăng rằm/ Mái chèo khua nhẹ tựa sóng vỗ lòng anh/ Mê say em hát mắt sáng long lanh/ Mà cả dòng sông là hương lúa ngọt lành…”. Cả khối tình của người con yêu quê hương găm lại ở mảnh đất. Đất quê thành đất thương nhớ. Và hẳn nhiên, trong hành trình của những người khám phá, đất nào cũng thân thương, bởi tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

Nhuần nhị lắm và tha thiết lắm. Thượng nguồn các dòng sông vẫy gọi. Mùa xuân nô nức hành trình. Hoa sẽ đậm hương để dâng tặng cho mỗi đứa con nối dài cánh tay về các vùng biên cương, nghe thượng nguồn sông hát những khúc ca.

Văn Học
.
.
.