Không có gì mà ầm ĩ cả

Tràng Giang Đại Hải giáo

Thứ Ba, 08/09/2015, 15:00
Có một tin gây sốc đối với các tín đồ của Tràng Giang Đại Hải giáo (Theo môn phái này thì tín đồ của họ ngày đêm nghĩ ra cách diễn đạt sao cho lê thê nhất có thể). Đơn giản: Các trường đều rút ngắn lễ khai giảng còn 60 phút, có nơi chỉ 30 phút.

Không giới thiệu từng cá nhân quan chức, nguyên quan chức kèm vỗ tay; không có những phát biểu tràng giang đại hải của các VIP. Sau tiếng trống khai trường là thư căn dặn của Chủ tịch nước ngắn gọn xúc tích. Buổi khai trường thực sự dành cho học sinh và giáo viên. Điều giản dị này được mong chờ không biết bao nhiêu năm, đến nay mới thành hiện thực. Chúng ta quen sáo ngữ đòi hỏi phải phối hợp đồng bộ nhưng chẳng mấy khi có sự chuẩn hóa. Trong khi đó, sự phối hợp đồng bộ nhất lại là bất thành văn, đó là hành lễ kiểu Tràng Giang Đại Hải. Năm nay khác. Những khách chuyên đến muộn và nói dài sẽ không còn đất dụng võ nữa. Cần cho các cháu được chào cờ Tổ quốc cùng tình yêu nước không bị gián đoạn.

Minh họa của Tả Từ.

Không rõ nguồn gốc môn Tràng Giang Đại Hải sinh ra do ai. Các bậc minh quân lỗi lạc, những vĩ nhân bao giờ cũng nói ngắn. Lời của họ hấp dẫn, dễ nhớ, dễ dàng chép sổ tay. Những sáo ngữ vô tình đã đưa các cháu vào một thế giới đầy xác chữ hay nói thẳng ra là giả dối.

Các cụ xưa vẫn thường dạy con cháu đừng nói dài, nói dai mà thành nói dại. Có câu chuyện rất nổi tiếng, thực sự nên là cẩm nang của các chuyên gia soạn thảo. Đó là chuyện "Ở đây có bán cá tươi". Xin nhắc lại.

Một cửa hàng bán cá vừa treo cái biển: "Ở ĐÂY CÓ BÁN CÁ TƯƠI". Khách phán: Ông bán cá ươn sợ người ta biết à, sao phải ghi "CÁ TƯƠI"? Ông chủ hàng bèn xóa ngay chữ "TƯƠI" còn lại là "Ở ĐÂY CÓ BÁN CÁ". Một khách khác chê:  Ông sợ người ta sang hàng rau mua cá à, sao phải ghi "Ở ĐÂY"? Cửa hàng xóa ngay chữ "Ở ĐÂY", còn lại là: CÓ BÁN CÁ. Khách khác vỗ vai: Chả bán thì cho không à? sao phải ghi "CÓ BÁN"?. Ông chủ hàng bèn xóa ngay chữ "CÓ BÁN", Còn lại chữ: "CÁ". Rồi hỉ hả rằng thách vàng cũng chẳng ai bớt được nữa. Một khách cười phá lên: Từ đầu phố đã tanh nồng mùi cá rồi, ai chả biết, sao phải ghi chữ "CÁ"? Ông chủ hàng ớ người ra rồi vứt cái biển đi.

Mỗi người đều tìm thấy một thông điệp qua câu chuyện, nhưng giới hạn bài này, tôi muốn nói rằng đây là một kỹ năng tỉnh lược tất cả những thông tin râu ria không thể xem thường. Việc gửi thông điệp chẳng khác gì tạc tượng, hãy đục bỏ những phần đá thừa, tác phẩm tuyệt mỹ sẽ hiện ra. Một diễn giả đã khiến cả hội trường vỗ tay khi ông nói "Hãy trật tự, chúng ta sẽ được nghỉ sớm 5 phút".

Trong buổi lễ khai giảng đầu năm học, thay vì đọc những câu khẩu hiệu, cảm xúc hành chính sẽ cố gắng trong năm học mới của đại diện học sinh trường, em Hà Thị Phương Linh, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nhân Việt, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh đã kể câu chuyện của chính bản thân với mẹ khiến nhiều người bật khóc.

Sự nghiệp giáo dục trước hết phải tạo ra những con người tử tế. Biết yêu mẹ mới biết yêu cội nguồn, biết yêu Tổ quốc. Ngày khai trường khơi dậy tình yêu với người mẹ thật đẹp đẽ. Ngành Giáo dục sẽ ra sao nếu không tạo ra những con người tử tế? Dường như trong cuộc đời đầy bão tố cơm áo gạo tiền, các bậc phụ huynh đã vô tình nghiêng con mình sang hướng ĐÀO TẠO chứ không phải giáo dục. Họ ước con họ trở thành siêu nhân chứ không phải một công dân tử tế. Cảm xúc đẹp bay xa hơn ngàn vạn khẩu hiệu đầu môi. Hãy nói không với Tràng Giang Đại Hải giáo. Muộn hơn không.

Còn bạn, bạn đã mấy lần nói ngắn hơn điều bạn muốn nhỉ?

Lê Tâm
.
.
.