Tràng An tục truyện

Thứ Tư, 01/07/2015, 18:00
Nhân dịp Tràng An rục rịch "tuyên chiến" với thói quen văng bậy, đã đến lúc bàn về hiện tượng hiếm có này. Dạo trước, có một đoạn lời của nhân vật showbiz làm "dậy sóng" khi rủa ai đó bị quăng lên mạng, tôi bèn nghe thử với một tinh thần nghiên cứu.
Thật bất ngờ. Cái đoạn chửi thề của anh chàng showbiz văng tục quá thưa thớt so với môi trường thực tế. Môi trường này văng tục ở tứ phía, từ quán nước, trường học, ký túc xá đại học, viện nghiên cứu và quán nhậu có nhiều văn nghệ sĩ. Trong số này có những người của công chúng mồm tuôn ra ngồn ngộn bộ phận cơ thể người...

Nghe tục nhiều quá cũng quen tai, mất cảm giác. Thế mà hễ thấy có đoạn ghi âm nào đó trên mạng là cư dân lại phẫn nộ, lại đòi nhà trường nhận trách nhiệm. Nói thẳng nhé, nhà trường chỉ đáng nhận trách nhiệm 10%. còn 90% phụ thuộc vào gia đình.

Từ thuở bản thân tôi đi học đến nay đã hơn 4 thập kỷ, chưa thấy nhà trường nào thỏa hiệp với nạn văng tục cả. Rất nhiều những phong trào kiểu như 4 xây 4 chống. Một trong 4 chống là chống nói tục chửi bậy. Nhưng bất khả thi. Không ít các gia đình thì mấy thế hệ từ phụ mẫu tới hậu sinh cứ chan hòa văng tục. Cứ thế, hậu sinh đã kế thừa và gìn giữ ngôn ngữ tục rất nguyên vẹn và phát triển nền tục tĩu thêm những "tầm cao" mới.

Minh họa của Tả Từ.

Theo nhà văn Tô Hoài thì cụm ĐM (ĐÊ EM, thôi khỏi cần dịch ra nhé) ngày xưa hiếm được dân sử dụng, kể cả cửu vạn. Nay thì cụm ĐÊ EM dùng nhiều quá cũng nhạt mồm, đám đông khoái tôn vinh các bộ phận cơ thể người hơn. Về tần suất đệm từ tục tĩu thì tăng lên. Cứ 1 câu có thể thêm 1 đến 2 từ tục tằn. Ngày xưa, những gia đình gia giáo cấm con cái mình không giao du với lũ văng tục chửi bậy. Nay thì làm thế nào khi mức độ văng tục đã tràn ngập các khu tập thể con nhà lành.

Tại một giải bóng đá quốc tế trên sân Hàng Đẫy cách đây gần 2 thập kỷ. Khi đội bạn nằm sân thì khán giả gào: ĐÊ EM  trong tiếng kèn "Hồn tử sĩ". Nếu cầu thủ đội nhà nằm sân thì thổi kèn bài "Dậy mà đi" không quên ĐÊ EM  trọng tài. Trọng tài bắt chuẩn hay kém thì ta cứ ĐÊ EM trọng tài cái đã.

Khi cầu trường sôi sục ĐÊ EM thì có một yếu nhân từ phía sau chống tay vào 2 vai tôi, nhảy cẫng lên như cưỡi cổ và văng liến thoắng: ĐÊ EM  trọng tài! Ngó xem ai thì hóa ra một quý ngài có tiếng hay xuất hiện trên truyền hình. Anh này bá vai tôi hể hả rồi tiếp tục quay ra văng nốt đoạn dở. Chảo lửa Hàng Đẫy tiếp tục ĐÊ EM hòa vào nhau thành làn sóng nhấn chìm đội bạn tội nghiệp.

Từ điển Từ và ngữ Tiếng Việt của Nguyễn Lân ghi: Chửi là dùng từ thô tục để mắng người nào đó. Có người nói: Phẫn nộ thì phải chửi chứ. Vậy xem ở Tràng An bây giờ có cần phải phẫn nộ không nhé.

Nếu đi các xứ khác thì khi đã văng ra câu chửi có nghĩa là khi người ta muốn dùng nắm đấm để nói chuyện. Nhưng ở Tràng An bây giờ hiếm khi phẫn nộ mà thường dùng trong câu chuyện vui hàng ngày cho đỡ nhạt mồm. Các mẫu câu thường thấy: Em nói anh nghe. Vợ chồng em ở phố này chứ sống ĐÊ EM hơi bị được đấy".

Học sinh thì bảo nhau: Kỳ thi học sinh thanh lịch lần này á ĐÊ EM hệ hệ… Em Kiều Linh 12A6 mà không đoạt hoa khôi thì tao đi đầu ĐÊ EM MÀY xuống đất luôn hệ hệ… Em Linh xinh VÃI ABC (ABC = sinh thực khí nữ) mà hát cũng hay CƠM MẸ NẤU (cơm =con; nấu = nó) luôn. 3 vòng chuẩn VÃI ABC... Chúng mày chưa đủ tuổi đú chầu ngoài vòng gửi xe đê. Chỉ một đợt văn nghệ là tao tán xong CƠM MẸ NẤU rồi hệ hệ...

Như vậy, những ngôn từ này không được dùng với trạng thái nguyền rủa mà chỉ tạo phong cách ngôn ngữ bẩn. Kiểu nói bẩn trong khi vui này không tấn công ai cả mà chỉ thể hiện phong cách nhếch nhác của xứ hoa nhài một thời. Có thể tha thứ cho ngôn ngữ phẫn nộ chứ khó mà chấp nhận được ngôn ngữ rác rưởi.

Còn bạn. Có bao giờ bạn nghe ngôn ngữ bẩn mà vẫn thưởng thức được trà sen không?

Lê Tâm
.
.
.