Trẻ em di cư từ vùng Sahara đến châu Âu có nguy cơ bị lạm dụng tình dục

Thứ Năm, 05/10/2017, 09:22
Để mang đến cho công chúng cái nhìn chân thực nhất về cuộc hành trình đến miền đất hứa châu Âu, rất nhiều người di cư đã tham gia vào dự án của một tổ chức từ thiện mang tên #RefugeeCamera. Theo đó, những người di cư sẽ được phát máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc hành trình của mình.


Dự án #RefugeeCamera

Zakaria nhận máy ảnh vào ngày 8-12-2016 tại Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những "trung tâm" chính của người tị nạn. Zakaria quyết định rời bỏ quê hương để tìm kiếm một cuộc sống bình yên hơn ở châu Âu. Trong nhật ký hành trình, Zakaria viết rằng, "chỉ có Chúa mới biết, tôi có thể trở lại Syria hay không". 

Zakaria đã dùng máy ảnh ghi lại cuộc hành trình của mình từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Chios, Hy Lạp. Những bức ảnh chân thực của Zakaria sẽ xuất hiện trong một cuộc triển lãm ảnh về người tị nạn tại Hamburg khai mạc vào cuối tuần trước.

Hamza và Abdulmonem, cả hai đến từ Syria cũng tham gia dự án #RefugeeCamera. Hai người đã chụp được những bức ảnh trên chiếc xuồng mà họ di chuyển đến một hòn đảo ở Hy Lạp. Trong số đó có bức ảnh một cậu bé trong bộ quần áo ướt sũng đứng trên bãi biển. Hình ảnh này gợi đến hình ảnh cậu bé Aylan Kurdi thiệt mạng bị sóng đánh trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái. 

Dyab, một giáo viên toán học từ Syria cũng đã cố gắng chụp những khoảnh khắc chân thực nhất trong chuyến hành trình tới Đức. Trong chùm ảnh của Dyab có nhiều bức ghi lại cuộc sống trong một trại tị nạn ở Macedonia.

McElvaney, người phụ trách dự án #RefugeeCameras cho biết, ông đã phát 15 chiếc máy quay. Bảy trong số đó đã được người tị nạn trả lại, một chiếc bị mất, hai chiếc bị tịch thu, hai người được phát máy ảnh vẫn đang mắc kẹt ở Izmir. Ba chiếc camera còn lại chưa rõ đang ở đâu, giống như người tị nạn được phát máy ảnh. 

"Những bức ảnh mà người tị nạn tham gia dự án #RefugeeCameras cung cấp đã mang đến những cái nhìn chân thực, đầy khốc liệt về cuộc hành trình đến miền đất hứa châu Âu. Những bức ảnh đó đã phần nào lấp đầy những khoảng trống mà các nhiếp ảnh gia chưa thể làm được trước đó", McElvaney nói.

Trẻ em di cư đến châu Âu từ tiểu vùng Sahara châu Phi có nguy cơ bị lạm dụng cao nhất.

Nguy hiểm rình rập

Một báo cáo do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) công bố tuần trước cho hay, nhiều trẻ em di cư đến châu Âu đã bị ép buộc lao động và hoạt động mại dâm. Các quan chức Liên Hợp Quốc kêu gọi EU tạo ra "hành lang bảo vệ" trẻ em di cư. Theo khảo sát, 3 trong số 4 người di cư trong độ tuổi từ 14 đến 24 cho biết bị cưỡng bức lao động, lạm dụng tình dục, ép buộc hôn nhân và các hình thức bóc lột khác.

Báo cáo cho biết, trẻ em di cư từ tiểu vùng Sahara châu Phi có nguy cơ bị lạm dụng cao nhất. 83% những người cố gắng tiếp cận châu Âu qua Libya đã từng bị lạm dụng. Trẻ em di cư từ miền Trung và Nam Phi cũng bị lạm dụng nhưng ở mức độ thấp hơn với tỷ lệ 56%. 

"Nếu cố gắng chạy, họ sẽ bắn. Nếu ngừng làm việc, họ sẽ đánh. Chúng tôi giống như nô lệ", bản báo cáo trích lời Aimamo, một thiếu niên di cư 16 tuổi không có người lớn đi cùng từ Gambia nói. Các chuyên gia cho rằng, nạn phân biệt chủng tộc có thể là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này.

Afshan Khan, Giám đốc UNICEF khu vực châu Âu cho biết, các nhà chức trách châu Âu phải làm nhiều hơn để bảo vệ cuộc sống của trẻ vị thành niên và thanh niên đang trải qua cuộc hành trình nguy hiểm đến châu Âu qua Địa Trung Hải. 

"Thực tế cho thấy, trẻ em di chuyển qua vùng Địa Trung Hải bị ngược đãi, buôn bán, đánh đập và phân biệt đối xử. Các nhà lãnh đạo EU cần có giải pháp lâu dài để giải quyết vấn đề này, bao gồm việc xây dựng tuyến đường di cư an toàn và hợp pháp; thiết lập hành lang bảo vệ và tìm kiếm giải pháp thay thế cho việc giam giữ trẻ em di cư", ông Afshan Khan nói.

Vào tháng 5-2017, UNICEF đã công bố bản báo cáo cho thấy, sự gia tăng mạnh mẽ tình trạng trẻ em di cư trên thế giới với con số lên đến 300.000 trẻ em trong năm 2015 và 2016. Đầu năm nay, Chính phủ Đức cho biết, đã trục xuất hơn 600 trẻ em di cư không có người lớn đi cùng vì không đáp ứng được các yêu cầu về tị nạn. 

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.