Trên đỉnh Phượng Hoàng

Thứ Năm, 13/10/2016, 08:34
Sức sống mới được hồi sinh mạnh mẽ trên đèo Phượng Hoàng, nhưng đời sống của đồng bào Ê Đê quanh con đèo mang tên loài chim xinh đẹp này vẫn trăm bề khốn khổ. Từ bao đời nay, dù tận cùng của tấn bi kịch cơm áo gạo tiền, họ vẫn quyết sống bám làng, chết bám đất. Ở đây, niềm vui như đốm lửa nhà sàn, còn nỗi buồn vắt qua thế kỷ.


1.Muốn có sự trải nghiệm đốn tim trên cung đường đèo khúc khuỷu, hùng vĩ này, chúng tôi quyết định cưỡi xe máy từ Ninh Hòa (Nha Trang) theo hướng quốc lộ 26 qua đèo Phượng Hoàng (thuộc địa phận huyện M'Đrak, tỉnh Đắk Lắk). Đang hăm hở lên đường thì vợ chồng bác chủ xe nói một câu xanh rờn: "Đúng là bọn trẻ ranh, điếc không sợ súng".

Trời âm u, mây đen vần vũ, làm cho cung đường lẩn khuất trong những cánh rừng xanh ngút ngàn nhuốm màu trầm mặc. Thử thách đốn tim đầu tiên trên con đèo có chiều dài 12 cây số là những khúc cua điệp trùng, đột ngột, một bên vách núi sừng sững, một bên vực sâu thăm thẳm. Thi thoảng váng vất miếu thờ lạnh tanh một oan hồn nào đó chết do tai nạn giao thông.

Đứng trên đỉnh đèo, phóng tầm mắt ra khoảng không bạt ngàn, những ngôi nhà sàn của người Ê Đê nằm gối đầu trên triền đồi, tựa mặt ra thung lũng sương giăng trắng trời. Cảnh đẹp như bức tranh thủy mặc, thơ mộng, đắm say, mộc mạc đến nao lòng.

Những ngôi nhà của đồng bào ẩn mình trên đỉnh đèo.

Chúng tôi tới buôn Ethi (xã Ea Trang, huyện M'Đrăk) khi mặt trời đội trên đỉnh nóc nhà. Bữa cơm trưa đang đỏ rực bếp lửa nhà sàn. Chị H'Nha lưng địu con, tay thoăn thoắt nhịp chày giã ớt, mắt giàn giụa vì hơi cay. Bữa cơm trưa chỉ có rổ rau cải luộc chấm vớt muối ớt xanh, mẹ và một đàn con ngồi ăn ngon lành.

H'Nha cho biết, bây giờ đang là cao điểm của mùa đói, có gạo ăn đã mừng lắm rồi. Muốn no cái bụng phải chờ một tháng nữa đến mùa gặt lúa và mùa thu hoạch cà phê. Người làng đồn không sai, cho đến giờ này, khi đã là bà mẹ bốn con, H'Nha vẫn giữ được nét mạnh mẽ, pha chút bất cần. Chị là một trong rất ít phụ nữ Ê Đê ở buôn có pha bắt chồng ngoạn mục.

Thuở 16 xuân thì, H'Nha phải lòng Y'Li trong một lần đi xuống núi bán măng. Y'Li lúc đó đẹp trai, phong trần nhưng con nhà nghèo nên anh ta mặc cảm, bẽn lẽn từ chối lời tỏ tình của H'Nha. Bị trai từ chối, H'Nha vừa buồn vừa cay cú.

Giữa lúc ấy lại có cô H'Giang buôn khác mang hẳn một con heo, một con trâu sang hỏi Y'Li làm chồng. Quyết không để vuột mất người mình yêu vào tay tình địch, H'Nha về nhà khua hết đàn heo đang nuôi trong chuồng cùng hai con trâu mộng. Tất cả chất lên xe máy cày chở đến nhà H'Li.

Đi được một đoạn, nghĩ cho chắc chắn phần thắng, bên kia không thể đuổi kịp được số lượng sính lễ của mình, H'Nha đánh xe quay về mang nốt ché rượu cần mà cha đã cất công lên rừng hái lá, làm men, ủ sâu xuống lòng đất chờ Tết đến mới mang ra uống. Không ai cản được sự quyết tâm ngút trời của H'Nha. Cả họ chép miệng tiếc rẻ mớ tài sản phải bỏ ra để bắt chồng cho con gái.

Hôm ấy nhà H'Li chật cứng người của hai bên đến bắt chồng. Tất nhiên, H'Nha lấn át lễ vật nên được H'Li chọn. H'Giang ấm ức ôm mặt khóc tức tưởi. Cánh trai làng hai bên nhảy bổ vào xô đẩy nhau cho bõ cơn tức.

Bắt được chồng "ngon", H'Nha kiêu hãnh lắm, nhưng chỉ được vài tháng mặn nồng thì lục đục. Nguyên nhân vì H'Nha đã mang hết tài sản đi bắt chồng nên giờ nhà không có gì để ăn. Lễ cúng Yàng cả làng phải góp gạo, góp thịt heo thì nhà cô chẳng có gì, nhiều người tỏ thái độ coi thường và xa lánh gia đình.

H'Nha dằn vặt chồng, bắt chồng phải đi xuống núi làm việc kiếm tiền, không cho ở nhà uống rượu nữa. H'Li cun cút nghe lời vợ, xách túi ra huyện xin làm công nhân khuân vác cho nhà máy mía đường. Kể về chồng, H'Nha ới một tiếng rõ dài: "Sau này con gái mình lớn lên không cho đi bắt chồng như mình đâu. Cho chúng yêu nhau thật "chín", rồi mình đi bắt thì sẽ không phải chịu thách cưới cao".

 Già làng Y'Liên vừa đi họp thôn về, ông nở nụ cười đen nhánh sau làn khói thuốc rê. Sống trên đỉnh con đèo mang tên loài chim xinh đẹp ngót nửa thế kỷ, ông quen thuộc đến từng gốc cây ngọn cỏ. Nói về tục phụ nữ Ê Đê bắt chồng, già Y'Liên không giấu nổi hoài niệm.

Nhà rách và đói nghèo quanh năm bủa vây cuộc sống của họ.

Già bảo, phong tục của tổ tiên là không thể thay đổi, dẫu biết rằng so với thời đại thì nó đi sau rất nhiều. Người phụ nữ có quyền đi bắt chồng, được xem là chủ trong gia đình, con cái đều lấy họ mẹ, nhưng số phận của họ nghiệt ngã, tủi hờn lắm. Vì có quyền như thế nên đàn bà phải gánh hết lo toan về mình, phải cày bừa chẳng khác nào con trâu, con bò. Nhiều ông chồng không chịu làm gì cả, tối ngày bù khú rượu chè. Có ông xúc lúa của nhà đi phè phỡn xong về lôi vợ ra chửi rủa.  

2. Đồng bào Ê Đê quanh năm "chân lấm tay bùn", chỉ có sự chân chất, thật thà là "đặc sản". Chúng tôi dừng chân ở thôn 1 (Ea Trang) gặp bà H'Nhiếp đang gùi củi về nhà, hỏi dăm ba câu, nhưng lại chẳng thể rời đi vì sự nhiệt tình đến tận đáy lòng. Bà đón khách như người bạn lâu ngày tới thăm, thết đãi khách bằng những đặc sản tinh túy nhất của địa phương.

Bà kể nhiều lắm, giọng tiếng Kinh câu được câu mất, nhưng chung quy lại bà buồn khổ với ông chồng và những đứa con. Chồng bà sáng xỉn chiều say, chết cách đây ba năm do ngã đập đầu vào đá. Bốn đứa con phiêu dạt tứ chiếng, khi nào vác thân về nhà bà mới biết chúng còn sống.

Trong lúc buồn tênh với cuộc đời, bà H'Nhiếp lấy chiếc khung đàn T'rưng cũ kỹ ra đánh. Bà đánh điệu gì, chúng tôi không hiểu, nhưng có thể cảm nhận được âm thanh da diết bật ra khỏi ngôi nhà tù túng, len lỏi qua ngõ ngách của buôn làng. Rồi bà hát bằng tiếng của đồng bào mình, chúng tôi nghe cũng chẳng hiểu gì. Chỉ biết đó là nỗi lòng của người phụ nữ chưa bao giờ có cơ hội bước ra khỏi đỉnh đèo.

Những lúc buồn, bà H'Nhiếp ngồi bên bậu cửa nhà sàn được chế tác theo hình bầu ngực căng tròn của người phụ nữ. Chỉ vào đó, bà giải thích: "Nhà sàn của người Ê Đê có hai loại cầu thang, cầu thang cái và cầu thang đực. Đây là cầu thang cái, tượng trưng cho quyền uy của nữ giới".

Trẻ em trên đỉnh đèo lem luốc, lếch thếch đầu trần chân đất.

Buồn, bà chỉ biết làm bạn với rượu, bao nhiêu năm uống rượu, bà đã miễn dịch với men nên chẳng bao giờ biết say là gì. Uống no thì hát, hát xong đi ngủ và sáng hôm sau vẫn dậy thật sớm lên rẫy như bao người nông dân khác.

 Rời nhà bà H'Nhiếp trong ánh chiều vàng vọt, chúng tôi gặp ông Y'Thu đang lăm lăm con dao đi rất nhanh về hướng núi. Nhìn cặp lông mày như Trương Phi của ông, lại thêm vũ khí rất "ngọt" trên tay, chúng tôi sợ phát khiếp, nhưng thật ra ông hiền lành như con suối dưới chân đèo.

Ông lý lẽ rằng, phải ngụy trang như vậy để dằn mặt kẻ ác. Chỉ vài năm trước thôi, buôn gần như bị biệt lập với bên ngoài. Trẻ con bị xua đuổi và gán cho bệnh cùi bệnh hủi. Chúng sợ lắm, nhiều đứa bỏ học ở tịt trong nhà không dám bén mảng xuống núi.

Ông Y'Thu tức giận cầm con dao quắm ra đầu đường gầm như thú rừng, rồi ông tuyên bố: "Từ nay tao sẽ hộ tống mấy đứa xuống núi, đứa nào trêu ghẹo, đuổi đánh tao sẽ trừng trị ngay, không tha". Bọn trẻ thấy sự dữ dằn của ông lấy lại khí thế hăm hở đi học.

Cánh thanh niên choai choai chăn bò chăn trâu dọc đường đèo tưởng bở sấn sổ tới định giở trò, từ phía sau ông Y'Thu hét lên một tiếng vang trời khiến chúng co giật lại. Vài tên định quay đầu bỏ chạy nhưng nhìn thấy con dao sáng loáng trên tay ông, cộng với ánh mắt trợn ngược nổi rõ những tia máu đỏ vằn, chỉ trực ăn tươi nuốt sống một thứ gì đó, tất cả hồn bay phách lạc, bò lồm cồm van xin, hứa, thề từ nay không dám đụng đến bất cứ một đứa trẻ nào nữa. Xấp nhỏ trên đỉnh đèo hôm ấy được trận hả hê, sung sướng tê tái.

Từ đó, con đường bình yên trở lại, trẻ em các buôn lưng chừng đèo ung dung đi đây đi đó mà không phải sợ ghẻ lạnh, xa lánh. Ông Y'Thu còn là người tiên phong mở màn cho cuộc sống hội nhập với miền xuôi bằng việc cho con gái lấy chồng ở xã Ninh Tây.

Nhiều người trách ông dám tự ý bỏ tục lệ bắt chồng, ông giải thích: "Cái gì không hợp với thời đại thì mình nên bỏ. Chúng ta phải làm cuộc cách mạng cho con cái có cuộc sống tốt đẹp hơn". Vậy là mấy năm trở lại đây, các buôn làng trên đỉnh đèo Phượng Hoàng đã nô nức tràn xuống thảo nguyên M'Đrak giao lưu hội nhập. Những cô gái nghèo vô tư xuống núi lấy chồng, không còn cảnh sợ ế vì món quà thách cưới.

Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn thì nỗi buồn lại nặng trĩu. Đồng bào cả đời sống gắn bó với những cánh rừng trù phú xanh tươi, với con nước trong mát hiền hòa, dù đói khổ thì họ vẫn quyết không đụng đến "tài sản" của mẹ thiên nhiên. Nhưng từ ngày có hơi hướng hội nhập đã bắt đầu xảy ra tình trạng phá rừng, hạ sát những dòng suối. Họ đau như có ai bắn vào tim, buồn như mất đi một điều gì đó thiêng liêng nhất.

Ngọc Thiện
.
.
.