Tri ân và kỳ vọng

Chủ Nhật, 20/11/2016, 09:32
Đời người ngắn lắm, và trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, mỗi chúng ta thường phải bỏ ra ít nhất 1/5 thời gian để đến  trường. Dù học ít hay học nhiều thì quãng thời gian đó vẫn là đẹp nhất bởi sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi học trò và hình ảnh những người thầy, cô giáo sẽ mãi theo ta đến suốt cuộc đời.


Không chỉ đứng lớp, truyền đạt cho học sinh những kiến thức cần thiết, thầy, cô giáo còn dạy những điều hay lẽ phải, những gì đáng làm, những việc nên tránh, truyền cho học trò ngọn lửa đam mê, giúp các em hoàn thiện nhân cách, có những ước mơ để xoải cánh bay xa khi trưởng thành và sống có trách nhiệm, trước hết với bản thân mình.

"Không thầy đố mày làm nên", chân lý đó luôn đúng từ bao đời nay. Truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn là một nét văn hóa đẹp trong mỗi người dân Việt. Sẽ không có gì lạ khi hỏi những cô bé, cậu bé học trò rằng, người mà em yêu quý nhất là ai, câu trả lời sẽ là bố, mẹ hoặc thầy cô giáo.

Minh họa của Lê Tâm

Hình ảnh những người thầy trên bục giảng có một sự ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức của học trò. Khi lớn lên, sự ảnh hưởng này có thể thay đổi, nhưng rõ ràng, mối quan hệ thầy trò bao giờ cũng là một quan hệ đẹp đẽ mà ở đó, thầy cô luôn nhận được sự kính trọng, biết ơn.

Thời kinh tế thị trường, bên cạnh những tiến bộ, chúng ta không khỏi buồn phiền khi nói về tình thầy trò đã khoác lên mình những sắc thái khác nhau. Những đạo lý truyền thống cũng dần mai một và mối quan hệ thầy trò cũng trở nên thực dụng hơn.

Bên cạnh những tấm gương tận tụy, vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt sứ mạng của mình, không ít thầy, cô giáo chạy theo đồng tiền, coi việc dạy thêm, học thêm là một nguồn thu lớn và chấp nhận sự đánh đổi để thỏa mãn nhu cầu vật chất của mình.

Thỉnh thoảng lướt mạng, đập vào mắt chúng ta là những dòng tin, những clip rất buồn, khiến chúng ta phải lặng đi hồi lâu: Nữ sinh đổi tình lấy điểm; Cô giáo tát học sinh giữa lớp; Thầy giáo cưỡng bức nữ sinh; Nữ sinh nhảy lầu tự tử vì cô giáo không công bằng…

Tất nhiên những chuyện này không phải là phổ biến, song rõ ràng nó đang diễn ra, như báo động về công tác giáo dục hiện nay có quá nhiều lỗ hổng, cần phải xốc lại khi không chỉ nhân cách học trò mà cả nhân cách người thầy cũng có những vấn đề khiến chúng ta lo lắng.

Bể học mênh mông, thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ nên sự học cũng cần vươn tới những tầm cao mới. Vẫn là giáo án đó, nhưng mỗi ngày lên lớp lại cần phải tươi mới, gần gũi và thiết thực hơn bởi học sinh không thích những điều khô cứng, họ muốn thấy màu xanh cuộc sống.

Để có được điều đó, thầy cô giáo phải hoàn thiện chính mình, tự trang bị những kiến thức cần thiết để tạo sự hấp dẫn mỗi lần đứng lớp.

Thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp. Rất ngắn gọn nhưng thật súc tích và ý nghĩa. Đó là sự chuẩn mực. Nói tới giáo dục là nói tới sự chuẩn mực và nếu không đạt tới sự chuẩn mực, rõ ràng nền giáo dục đó còn khập khiễng và những thế hệ học trò chưa thể hội tụ đủ những yếu tố cần thiết làm chủ một xã hội tương lai.

Ngày 20-11, Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin gửi lời tri ân sâu sắc tới các thầy cô giáo trên mọi miền đất nước đang ngày đêm miệt mài với sự nghiệp trồng người.

Dẫu chặng đường phía trước còn muôn vàn gian khó, nhưng chúng ta luôn tin tưởng rằng, những người thầy sẽ có vị thế tốt hơn trong xã hội hiện đại, dù họ luôn phải gắng sức vượt qua bao khó khăn, nghiệt ngã của đời sống.

Tuấn Nguyễn
.
.
.