Trò chuyện với cây

Thứ Bảy, 11/04/2015, 09:00
Cuối chiều, phố phường nườm nượp người. Ai cũng hối hả trở về nhà sau một ngày bận rộn. Nhưng trong Gallery của họa sĩ Lê Thiết Cương, vẫn chen chân người đứng. Để chờ đón một câu chuyện thú vị, nhiều suy ngẫm, mà nhóm họa sĩ 39 sẽ kể. Câu chuyện về Cây.

Cây - chủ đề lớn xôn xao khắp các diễn đàn, trên truyền thông, trên mạng xã hội những ngày gần đây. Những bóng cây đẹp đẽ, tỏa bóng râm xuống phố phường. Những gốc cây nơi ghi dấu kỷ niệm tuổi thơ của nhiều thế hệ người Hà Nội. Nơi những đôi lứa hò hẹn, bâng khuâng. Những cây là chứng tích lịch sử của Thủ đô nhiều thời kỳ. Những cây vẫn kiên cường bám trụ từng con phố thủ đô, ngay cả trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất.

Những cái cây cũng giống như người, sống và trải qua, chứng kiến biết bao thăng trầm đổi thay của một vùng đất, một vùng văn hóa, của lòng người và tình người. Câu chuyện chặt cây xanh cho một dự án mà không cần ý kiến của nhân dân, đã gặp phải làn sóng phản ứng dữ dội từ nhân dân. Mỗi người Thủ đô yêu cây đều có tiếng nói riêng, hành động cụ thể để nói lên tình yêu của mình, bảo vệ cây xanh, như bảo vệ một di sản trong đời sống của thành phố, cũng như trong tâm hồn mình.

Tranh của họa sĩ Tào Linh.

Các nghệ sĩ ngành mỹ thuật có cách riêng của họ trong thể hiện tình yêu với cây. Lần đầu tiên, một triển lãm - trình diễn nghệ thuật chủ đề "Cây phục sinh" được tổ chức, với sự tham gia của 12 họa sĩ gồm Lê Thiết Cương, Tào Linh, Phương Bình, Nguyễn Phan Bách, Tô Hiến Chiến, Đỗ Dũng, Lê Đình Nguyên, Phạm Trần Quân, Trần Nhật Thăng, Trần Gia Tùng, Trần Quang Vinh…

Câu chuyện nghệ thuật thu hút sự quan tâm của công chúng, vì nó rất đặc biệt. Ở chỗ, những người yêu hội họa đến không phải chỉ để ngắm những bức tranh chủ đề về cây treo trên tường. Mà họ, sẽ được tham gia vào câu chuyện, như một phần của câu chuyện.

Các họa sĩ sẽ vẽ, tạo hình cây trên cơ thể của các người mẫu. Và người xem, chỉ cần muốn tham gia vào câu chuyện, cây sẽ "mọc" trên áo, trên khăn, trên cánh tay để trần của họ. Những cái cây bằng màu, chuyển tải một ý nghĩa quan trọng, như lời họa sĩ Lê Thiết Cương trong buổi khai mạc: "Những người tử tế đều tin rằng cây cũng như người, cũng có đời sống của nó, câu chuyện và thân phận của nó. Cây cũng có linh hồn. Chúng tôi tin rằng cây cũng sẽ phục sinh, dù thế nào cây cũng sẽ sống lại. Chuyện cây suy cho cùng cũng là chuyện người.

Họa sĩ Phương Bình vẽ cây lên áo người xem triển lãm.

Người có nhân tính thì cây cũng có cây tính. Có nhiều cách để truyền đi thông điệp "cây phục sinh" nhưng có lẽ hội họa là một cách đẹp nhất vì thông điệp này được truyền đi từ trái tim của chúng tôi đến các bạn".

Nghệ thuật là tiếng nói của trái tim, từ trái tim, là chiếc cầu nối người nghệ sĩ đến với công chúng. Họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên vừa vẽ hình một cái cây trên lưng áo trắng của một cô gái vừa chia sẻ, rằng anh rất buồn khi người ta đã đối xử tệ bạc với cây. Muôn loài trong thế gian đều có linh hồn, có đời sống của riêng nó. Chúng ta chặt một cái cây khỏe mạnh, là chúng ta đã thô bạo với chính đời sống của mình.

Tào Linh, họa sĩ có sở trường vẽ giấy dó, nhưng tranh cây anh tham gia triển lãm lần này lại là tranh sơn dầu. Trong tranh Tào Linh, những cái cây đứng buồn ở góc phố, chất chứa như không thể trò chuyện với đời sống xung quanh, vì sự vô tình nhạt nhẽo, vì lòng tham và sự giả dối. Nhưng, những cái cây như đang than thở ấy vẫn tỏa một ánh sáng trong vắt vào không gian, như ước mơ về một bầu khí quyển trong lành, nơi mà chỉ những gì đẹp đẽ nhất của tâm hồn mới có thể trú ngụ. Những cái cây đầy tâm trạng, nhưng hơn hết, nó vẫn âm thầm trổ ra chiếc lá xanh, như niềm tin bất tận vào sự sống, vào cuộc đời.

Tào Linh có một phong cách vẽ cây rất độc đáo. Anh ít dùng nét, mà thường dùng những chấm nhỏ li ti. Những bóng cây dần hiện ra, nhẹ nhõm, thanh thoát, cảm giác như một sự vút bay, một sự nâng bổng, chứa chấp. Những cái cây như vậy, lúc mệt mỏi chẳng hạn, ta nhìn vào bức tranh, ta như thấy mình được cứu chuộc, được vỗ về an ủi…

Những cô bé tuổi còn đang cắp sách tới trường theo mẹ đến triển lãm, rất thích được chú Tào Linh vẽ cây lên áo. Các em là những học sinh tham gia tích cực vào phong trào bảo vệ cây xanh trong trường học. Yêu một cái cây, hay nói rộng ra, yêu môi trường sống xung quanh mình, là một thứ tình cảm quan trọng và thiêng liêng không kém gì tình cảm đối với những người thân yêu trong gia đình của mình. Vì, xét đến cùng, thiên nhiên xung quanh cũng chính là ngôi nhà cho chúng ta trú ẩn, nơi mà màu xanh của nó giúp chúng ta được sống bình yên, được bảo vệ…

Nhóm họa sĩ tham gia triển lãm “Cây phục sinh”.

Phương Bình, nữ họa sĩ duy nhất tham gia cuộc triển lãm sắp đặt về cây. Không phải đến triển lãm này Phương Bình mới vẽ cây. Mà cây đã ở trong nghệ thuật của chị từ rất lâu. Những cái cây trong tranh Phương Bình thường được ẩn dụ giống như thân thể của những người đàn bà. Những cơ thể mềm mại, nhảy múa, hòa trộn, hát ca, hoan lạc.

Những cái cây cũng giống như những thân phận người, như những người đàn bà, mạnh mẽ, quyết rũ, giàu yêu thương trắc ẩn, khát khao được trao tặng cho đời, ít tính toán. Phương Bình kể, có đêm ngồi vẽ, chị thấy như "cây về". Ý là những cái cây cũng giống như con người, có linh hồn. Và những cái cây đã qua đời, bởi một lý do nào đó, một hôm có thể trở về trong nỗi nhớ, trong giấc mơ của ai đó. Như thể, cây có khả năng sống lại, trò chuyện với cuộc đời, với con người. Chúng ta biết nghe một cái cây, là lúc chúng ta nghe được cả thế giới xung quanh mình.

Trong triển lãm, Phương Bình treo tranh cây. Chị mặc một chiếc áo chất liệu vải tự nhiên màu trắng. Họa sĩ Tào Linh vẽ một cái cây thanh nhã trên lưng áo chị. Và chị cũng tự vẽ cây lên ống tay áo rộng thùng thình của mình. Rồi chị vẽ cây lên giấy dó. Rồi chị vẽ cây lên áo của những người yêu hội họa, những người yêu cây có mặt trong triển lãm…

Những cái cây phải được sống lại trong câu chuyện của mỗi người, trong đời sống của mỗi người. Bóng râm của nó có thể làm dịu mọi tổn thương. Vì những ám dụ từ gốc, rễ, cành hay lá của nó, có thể mở ra một thế giới bao la của trí tưởng tượng. Nơi những đứa trẻ nương vào đó mà lớn lên, mà hình thành một con người, mà sáng tạo và làm giàu có thêm những giá trị thật của cuộc đời.

Họa sĩ Tào Linh vẽ cây lên cánh tay của người phụ nữ đến xem triển lãm.

Có một người xem triển lãm cao tuổi đứng ở góc phòng triển lãm. Bà lặng lẽ nhìn những công việc của họa sĩ. Bà nhìn những cái cây trên từng bức tranh. Bà im lặng, cho đến khi tôi đến đứng cạnh bà và gợi một ý nhỏ về cây. 

Như đúng mạch ngầm của một dòng suối, bà nói rất hay về cây: "Tôi sinh ra và lớn lên ở phố cổ. Cả đời cha mẹ tôi và anh chị em chúng tôi gắn với một con phố. Tuổi thơ của tôi gắn với những cây bàng, cây cơm nguội. Cha mẹ chúng tôi đếm mùa rụng lá của cây để biết chúng tôi trưởng thành. Thật không thể hình dung một ngày nào đó những cái cây trước cửa nhà tôi biến mất. Nó bị người ta đốn hạ chẳng hạn. Những cái cây mất đi, là tuổi thơ tôi mất đi. Tôi sẽ trở thành một người mất ký ức, bị đánh cắp ký ức. Thật đáng sợ biết nhường nào...".

Ký ức là một phần đời sống của một con người. Ký ức là lịch sử, là văn hóa của một vùng đất. Có những cây trên đường phố Hà Nội đã sống lâu hơn cả một đời người, chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của thành phố. Nó viết vào những trang sách tâm hồn những người đã lớn lên cùng với nó bao nhiêu yêu thương, sẻ chia. Nó là tri âm của những đứa trẻ đã đứng dưới bóng râm của nó, biết lắng nghe tiếng rì rào của gió, tiếng xôn xao của lá...

Một hôm nào mệt mỏi, hãy đến ngồi dưới gốc một cái cây. Nhìn lên những vòm lá, nhìn lên bầu trời, hay đơn giản là nhắm mắt lại để nghe cây ru mình trong im lặng, tìm lại nguồn năng lượng sống đã mất đi vì mưu sinh, cơm áo, bạn sẽ nhận thấy tình yêu vô tư của thiên nhiên trao tặng. Những cái cây đã mọc trên đời, cũng đồng thời nó đã mọc đâu đó trong hồn người.

Không phải ngẫu nhiên mà mỗi cái cây trên đường phố bị mất đi, nhiều cư dân cảm thấy như một phần đâu đó trong tâm hồn mình bị mất. Làm những cái cây sống lại, nghĩa là phục sinh những quá khứ tươi đẹp đã mất, là câu chuyện của nghệ thuật, của những người nghệ sĩ. Bằng cách ấy, họ muốn gửi đi một thông điệp, rằng hãy cư xử với cây, như cư xử với quá khứ của mình. Chúng ta không thể nào được sống an lành trong hôm nay, và cảm nhận về một ngày mai đẹp đẽ, nếu chúng ta cư xử tồi tệ với quá khứ của chính mình...

Bình Nguyên Trang
.
.
.