Tròn, vuông, tam giác

Thứ Ba, 11/09/2018, 12:33
Suốt những ngày qua, cư dân mạng không mệt mỏi "xa luân chiến" đả phá cách học đọc tiếng Việt áp dụng từ công nghệ giáo dục của trường thực nghiệm. Họ lo lắng rằng những hình vuông tròn ấy làm phức tạp hóa cách đọc của trẻ em.


Thật ra, những ô vuông ấy chỉ là những biểu tượng của một âm thanh (từ) để giúp trẻ hình dung quan hệ chuỗi âm. Mô hình này áp dụng đầu tiên cho đồng bào thiểu số đã cho kết quả đáng ngạc nhiên về độ chính xác của viết đọc đúng chính âm và chính tả. 

Qua 40 năm thực nghiệm đã chứng minh sức thuyết phục lớn. Các cựu học sinh thực nghiệm khi ra trường bao giờ cũng làm chủ ngôn ngữ, có thể viết hấp dẫn hoặc khô khan nhưng luôn chuẩn xác.

Chính người viết bài này đã sử dụng phương pháp học đọc theo ngữ âm (âm trước chữ sau) dạy một học sinh 6 tuổi có trí thông minh trung bình. 

Chỉ mất nửa tiếng để học sinh hiểu nguyên tắc ghép âm và trải nghiệm kết quả vang lên. Sau đó cháu tự chơi trò chơi ghép âm để làm chủ các chữ lạ mắt và tất nhiên không cần ai dạy nữa. 

Chỉ sau khoảng 2 tháng, học sinh này đã đọc nhanh, lưu loát và diễn cảm đúng mức. Cách dạy truyền thống dạy vần nào biết vần ấy là cách dạy từ chữ sang âm tốn đến 1 năm, trong khi đó cách đọc từ âm sang chữ (từ gốc đến ngọn) chỉ cần vài tháng là giải quyết xong.

Phụ huynh than rằng bố mẹ không hiểu thì sao dạy được con. Ô hay? Nếu chỗ nào bố mẹ chưa rõ thì con có thể hướng dẫn lại cho bố mẹ hiểu. Con có thể hiểu trong vài tiết học thì không có lý nào phụ huynh không hiểu.

Nếu không ghi âm bằng bộ chữ của Francisco de Pina, Alexandre Rhodes thì ghi bằng bộ chữ khác. Mỗi người đều có thể tạo ra vài chục ký hiệu tương đương với bảng chữ cái để tạo ra bộ chữ của riêng mình.

Minh họa: Tả Từ

Nếu ai từng học nhạc sẽ thấy, các cách ghi tiết tấu là những biểu tượng trường độ chứ không ghi cao độ của nốt nhạc. Khi sử dụng tiết tấu tốt, người ta bắt đầu đặt nốt nhạc vào tiết tấu để xây dựng giai điệu. Điều này xưa như trái đất, sao thắc mắc?

Trong di cảo cổ thì các nhà truyền giáo châu Âu ghi âm tiếng Việt bằng nốt nhạc với các cao độ khác nhau. Miễn hiểu là được. Không có một lối ghi nhạc duy nhất. Ai sợ ký hiệu lạ thì nên gặp nhà soạn nhạc Yanni để được khai sáng. Người ta viết rằng Yanni không thể đọc nổi bản nhạc thông thường. 

Có thuyết cho rằng, Yanni thấy kiểu ký âm truyền thống không đủ diễn đạt nên ông tự xây dựng hệ thống ký âm bằng các ký hiệu riêng. Nhìn vào bản nhạc của ông thì các nhạc sư như nhìn bức vách. Chả khác gì vuông, tròn, tam giác. 

Chỉ nhạc công của ông thì dễ dàng triển khai như hơi thở. Kết quả là âm nhạc vang lên say đắm cả địa cầu. May thay, Yanni chỉ cải cách trong dàn nhạc của mình chứ nếu nhân rộng thì như xứ ta sẽ gọi ông là "ảo tưởng sức mạnh".

Chắc chắn mọi hệ thống ký âm đều lấy âm làm gốc. Mọi ký hiệu (hay chữ cái) đều đóng vai trò như sứ giả của âm thanh. Thay âm thanh khó, thay sứ giả dễ. Vậy công nghệ giáo dục dùng cách đọc theo nguyên lý âm trước chữ sau thì sao ta phải thắc mắc? Cách truyền thống mới là đi ngược. Việc học đọc không phải tất cả. Công nghệ tạo ra học trò luôn đi vào cốt lõi của vấn đề để tìm ra giải pháp chứ không phải những con vẹt.

Cư dân mạng có thói quen cái gì không biết thì bảo nó không có; cái gì không hiểu thì bảo nó vô lý.

Còn bạn. Bạn thích tư duy theo gốc hay theo ngọn?

Lê Tâm
.
.
.