Trong rặng tuyết sơn

Thứ Hai, 27/01/2014, 16:06

Chuyến đi thiện nguyện lên bốn trường mầm non, tiểu học ở Sa Pa được chuẩn bị nguyên cả năm, đến giữa tháng 12 mới tìm được ngày lên đường. Chủ nhật, cả nhóm rời Hà Nội từ 4 giờ sáng…

Một ngày trên ôtô bình yên qua những khúc quanh co đèo dốc vốn đã quen thuộc từ mấy năm nay. Những Bát Xát, Mường Khương của Lào Cai cũng đã đến mấy lần rồi. Giờ thì chuyển sang mấy xã bên huyện Sa Pa. Vẫn là những trường lớp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giấu mình sâu trong các rặng núi…

Già trưa thì đến thành phố Lào Cai ăn bữa muộn. Thấy dân tình đang giục giã đưa nhau lên Sa Pa đón tuyết. Cái náo nức, nồng nhiệt của con người ở xứ sở nóng bức quanh năm dành cho cái lạnh băng giá bất thình lình ghé chơi…

Sẩm tối đến thị trấn Sa Pa trời bắt đầu mưa nặng hạt. Tê tái giá buốt. Chỉ ít lâu sau, những giọt mưa nặng dần, nặng dần thành những bông tuyết non, vừa đáp xuống mặt đất tan thành nước. Trời đất sũng nước, ướp cái lạnh nhức nhối… Khuya thì nước mưa đã cô đặc thành những hạt tuyết nhỏ li ti đậu trên cành thông non đứng co ro ở sân khách sạn. Đêm phương Bắc không tối thẫm nên vẫn ngó thấy xa xa rặng núi bao quanh thị trấn Sa Pa. Những đỉnh núi bắt đầu trắng dần như vết cọ vừa quệt qua…

Sáng hôm sau trời tạnh khô. Nhưng đỉnh núi thì đã phủ một lớp tuyết trắng xóa. Trên các mái nhà ở thị trấn Sa Pa, tuyết phủ một lớp đủ che kín màu sắc khác biệt, tạo ra sự đồng nhất quen thuộc ở xứ sở tuyết… Chỉ toàn màu trắng nhức mắt.

Tuyết rơi khiến mọi kế hoạch sắp đặt từ ở nhà đảo lộn hết. Điện thoại từ các trường báo về. Trẻ nhỏ nghỉ học. Trường lớp đóng cửa. Lạnh thế này ngồi còn không yên thì học sao nổi. Đường đến Bản Khoang, bên kia đèo Ô Quy Hồ không thể đi được. Nhiều thầy cô giáo đi xe máy đến giữa đường đành quay về. Tuyết ngập gần đến đầu gối, lội bộ còn khó, huống chi xe máy quen đường khô nắng tràn… Nhóm thiện nguyện đành chia hai nhóm, đến hai điểm trường chính Bản Phùng và Suối Thầu trước. Nhóm đi Suối Thầu đi bằng ôtô, nhưng chỉ được nửa đường thì ôtô đành quay ra vì đường lầy lội sau mấy ngày mưa. Những người trên xe xuống lội bộ trong lúc chờ thầy cô đi xe máy từ trường ra chở vào. Nhóm đi Bản Phùng thuê xe máy đi cùng nhau vượt gần 30km đường đèo… Bên đường là rặng núi phủ tuyết. Những đứa trẻ dân tộc thiểu số vẫn chân trần bình thản đi ven đường, ngơ ngơ nhìn người lạ.

Hồi tháng 10 đưa gánh xiếc lên đây trời còn nắng chang chang. Năm ngoái có Pa Cheo, năm nay 4 điểm trường mầm non, tiểu học và cấp 2 được xem xiếc: Bản Phùng, Bản Khoang, Suối Thầu và Hầu Thào. Cũng là lần đầu tiên tụi trẻ được học viết chữ “xiếc” và biết thế nào là xiếc? Đường vào Bản Phùng nhiều đoạn đường đang sửa chữa nên đoàn đến muộn, lúc áp trưa. Lũ trẻ ngồi như rang dưới nắng chờ… Khi đoàn đến, tụi trẻ vẫn ngồi im, nhìn rõ ngoan hiền. Có biết gì đâu mà háo hức… Còn suất diễn ở Bản Khoang, nơi cơn lũ vừa đi qua, biết có xiếc, tụi trẻ không về nhà ăn cơm trưa mà ngồi đợi đến giờ diễn. Cũng là chờ vậy thôi…

Phải đến khi các tiết mục được trình diễn thì khỏi nói sự phấn chấn của tụi trẻ. Đến các thầy cô còn chăm chú xem, nghiêng ngả cười, nói gì những đứa trẻ sống trên đỉnh núi mây mù, chưa từng biết đến những cuộc sống ngoài kia, dưới chân núi…

Chỉ mấy tiết mục nho nhỏ: uốn dẻo, chú hề, ảo thuật cũng lấy rất nhiều tiếng cười của tụi nhỏ. Những cặp mắt háo hức, ngạc nhiên, sửng sốt… khác hẳn thường ngày. Nhìn ánh mắt đăm đắm dõi theo từng tiết mục, những trận cười nghiêng ngả, cái miệng xinh xinh há hốc… đoán biết có gì đó đang bật mở tâm trí non nớt, ngây thơ kia.

Không biết mai này lớn lên, những ấn tượng về xiếc sẽ theo đuổi, ám ảnh cuộc đời những đứa trẻ này tới đâu, như thế nào? Mai này có thể nhiều bé sẽ quên, nhiều con sẽ nhớ, nhiều trẻ khác âm thầm mong ước một điều gì đó lớn lao hơn cuộc sống nghèo khổ, xa khuất… Có thể cái lạ lẫm, khác biệt, sửng sốt… sẽ nhen nhúm niềm ao ước, vui sống, vượt thoát khỏi những cánh rừng, những triền núi ngăn cách với thế giới bên ngoài. Có thể tiếp thêm năng lượng cho những tâm hồn đủ mạnh, chiến thắng số phận tưởng như an bài ngàn kiếp, gói trong mây núi với những nghèo khổ. Mong lắm thay, các con…

Dostoyevsky (nhà văn Nga) nói: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Còn nơi đây, nơi rừng xanh, núi ngủ, mây ngàn, những mong cái đẹp cứu rỗi nhiều phận nghèo tủi, cô đơn, trĩu nặng. Và sự hồn nhiên, ngây thơ của trẻ nghèo vùng cao đang cứu rỗi cái đẹp bị tàn phá, bị biến dạng, méo mó bởi cuộc sống xô bồ, bức bối hôm nay… Chính những đôi mắt ngơ ngác, trong trẻo của tụi nhỏ đã cứu rỗi những tâm hồn mệt mỏi, chai sạn, sứt mẻ được vá víu, lành lặn…

Lần này lên Bản Phùng không được may mắn gặp trẻ mầm non vì chúng nghỉ học rồi. Chỉ chừng mấy chục trẻ tiểu học nội trú còn ở lại trường. Sống giữa những dãy núi phủ tuyết mà đứa nào đứa nấy phong phanh, chân không giày tất. Được nhận quà vui lắm. Có áo ấm, khăn ấm, ủng, áo mưa… nhưng chúng thích nhất vẫn là bóng bay… Mấy quả bóng bay thôi đã lấy được rất nhiều tiếng cười ồn ã cả sân trường…

Sáng hôm sau, một nhóm đi ôtô vượt đèo Ô Quy Hồ để vào Bản Khoang. Vừa ra khỏi thị xã Sa Pa, chưa kịp lên đèo thì cơ hồ bị chặn đứng vì tuyết phủ dày con đường vốn nhỏ nay càng hẹp lại. Tuyết Sa Pa không bông xốp như những bông tuyết xứ ôn đới, mà nặng trĩu kết thành tảng băng dưới mặt đất. Không lạ khi tuyết rơi làm khá nhiều cây cối, cột điện bị đổ dưới sức nặng của nó. Những tảng băng tuyết ấy khiến đường trơn trượt. Nhiều xe máy đã bị “xòe” đo ván. Nhất là phụ nữ khó mà giữ nổi tay lái qua những đụn tuyết dày. Có cô giáo đã phải quay về vì ngã đau không thể đi tiếp. Ôtô của nhóm chỉ quen đi đường nhựa, giờ phải thử thách trượt trên tuyết đã đóng thành băng dưới lốp xe. Tiếng băng gãy vụn nghe lạo xạo. Ngồi trên thấy ghê ghê. Anh tài vốn không phải tay lái lụa nói chơi chơi, mọi người xuống xe để anh thử lái qua chặng đường trơn này. Nhưng ba người ngồi trên nhất định không xuống sau khi thống nhất, cửa mở sẵn, nếu có chuyện gì cứ tông xe mà nhảy xuống, mặc xe lao đi đâu thì đi… Và sau đó, ôtô đi tốc độ dò mìn… Có chặng thấy những phụ nữ đứng bên đường chờ ôtô đi qua. Hỏi ra được biết, đó là các cô giáo Bản Khoang đi từ Sa Pa vào trường. Nhưng đường ngập tuyết khó đi quá, nhiều cô ngã sưng tay chân. Họ chờ ôtô đi qua để theo dấu lốp xe mới dám đi tiếp…

Ô Quy Hồ là một trong tứ đại đèo đẹp nhất vùng núi phía Bắc giờ chìm trong tuyết. Vẻ đẹp hoang sơ, lạnh lẽo của tuyết làm nồng ấm tâm hồn những kẻ muốn khám phá vẻ đẹp bất ngờ, lạ lẫm không dễ thoát hiện. Nghe nói nửa thế kỷ nay mới có trận tuyết rơi lạ lùng, rực rỡ đến nhường ấy. Phải có duyên mới tới được Sa Pa đúng ngày tuyết đáp xuống vùng núi này… Coi như một ân huệ, một may mắn hiếm hoi trong đời.

Hôm sau vào Sâu Chua (xã Sa Pả). Những tưởng tuyết tan hết sau hai ngày dưới nắng, nhưng bất ngờ khi càng đi sâu vào Sâu Chua thì mở ra một xứ sở mênh mang của tuyết… Màu xanh bỗng trở thành hiếm hoi giữa rặng tuyết sơn trùng điệp.

Gặp những người H’Mông bên đường… Người ta đi hái củi, xúc tuyết đóng tầng lớp trước sân nhà, phụ nữ ngồi thêu bên đường… Cuộc sống thường ngày vẫn diễn ra như khi tuyết không rơi. Có gì đâu mà chộn rộn. Có bé gái đeo gùi đi hái củi, vừa đi vừa nặn chú gấu tuyết. Tay cô bé dính chàm nhuộm vải khiến cả chú gấu ánh màu xanh lợt. Hỏi thì cười, giơ con gấu ra cho chụp ảnh… Lại có một nhóm đàn ông chuẩn bị lên nương đang nói chuyện gì đó rôm rả lắm. Hỏi chuyện, họ nói trâu bò, dê, gà, ngan cũng bị chết, nhưng không chết hết, vẫn còn. Hỏi năm tới có mất mùa không? Họ bảo, mất mùa chứ… Rồi lại cười. Câu chuyện giữa đường bình thản trôi qua, cũng chả nghe ai than phiền câu nào…

Tuyết ở Sa Pa không phải hiếm. Hầu như năm nào cũng rơi ít hay nhiều. Năm nào người ta cũng nô nức kéo nhau lên đó thưởng tuyết. Cũng là lẽ thường… Giữa vùng nhiệt đới, một ốc đảo ôn đới hiền hòa, xinh đẹp, độc đáo, ai mà chả nao lòng. Có người còn bảo nhau, hãy đến khi nơi này còn giữ được vẻ hoang dại, lung linh của vùng núi chưa tỉnh giấc hẳn. Mai này khi nó đã lồ lộ sự phồn thực, no đủ, sặc sỡ mà người đến, người đi khoác lên nó thì chắc gì còn quyến rũ nữa. Cứ nhìn cái cách người ta xây cáp treo lên đỉnh Fansipan mà thấm… Người ta muốn cào bằng đến cả khả năng cảm nhận? Người ta muốn ai cũng có cơ hội chinh phục như nhau? Người ta muốn vẻ đẹp tiềm ẩn phải phô bày trong sự tìm kiếm dễ dãi?

Người dân sống trong rặng tuyết sơn chấp nhận sự khắc nghiệt của thiên nhiên để được hưởng sự khác biệt, độc đáo mà nhiều người thèm muốn. Nếu bạn muốn lên đó để thưởng thức vẻ đẹp tinh khôi, hoang dại của vùng núi thì hãy cứ lên, không cần phải thương hại họ, cũng đừng dằn vặt lương tâm vì cả ngàn lý do suy tưởng của riêng mình… Nhưng hãy cố gắng giúp đỡ, chia sẻ với họ bất cứ cái gì có thể, những khi có thể, dù chỉ là cái khăn quàng lấy trên cổ bạn xuống…

Sa Pa đang đô thị hóa. Những ai yêu Sa Pa đang phấp phỏng lo lắng cho ngày người ta hoàn thành sự tàn phá thị trấn sơn cước giờ không còn hẻo lánh này…

Dù cho giờ này Sa Pa vẫn còn đẹp ngây ngất. Sa Pa vẫn ấm áp kể cả những ngày tuyết rơi ngập trời… Và, đến hẹn lại lên, tuyết vẫn đáp xuống làm thành rặng tuyết sơn ôm lấy thị trấn mơ mộng ấy…

Thùy Linh
.
.
.