Trung Quốc: Ngăn tăng dân cơ học

Thứ Sáu, 20/04/2018, 17:07
Giảm dân số được Trung Quốc xem như phương thuốc cho "bệnh đầu to" - tức một thành phố bị quá tải, ô nhiễm vì dân số quá đông.


Điều này thôi thúc cả Thượng Hải và Bắc Kinh, 2 thành phố lớn nhất nước, thực hiện áp trần dân số vào năm ngoái. Thượng Hải có kế hoạch giới hạn dân số ở 25 triệu người, Bắc Kinh ở 23 triệu người.

Dường như các chính sách quy hoạch đô thị để kiểm soát dòng chảy nhập cư và ép người có tay nghề thấp rời khỏi thành phố đang có hiệu lực. Theo số liệu chính thức, Bắc Kinh có 21,7 triệu người vào cuối năm 2017, thấp hơn khoảng 20.000 người so với cuối năm 2016, trong khi dân số Thượng Hải giảm khoảng 10.000 người, còn 24,18 triệu người. Các yếu tố nhân khẩu học cũng phát huy tác dụng. Bất chấp việc bãi bỏ chính sách một con, năm ngoái số trẻ sinh ra đã giảm ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính các quy định của nhà nước mới là nguyên nhân gốc rễ của sự sụt giảm dân số ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Những nỗ lực đang được thực hiện để "làm đẹp" cả hai thành phố bao gồm việc xây dựng lại các khu phố chật hẹp, bắt những người buôn bán đường phố, đóng cửa hoặc di dời hàng trăm ngôi chợ và đóng cửa các nhà hàng, quán bar và cửa hàng không có giấy phép. Mặc dù chính phủ nói các chính sách không nhắm mục tiêu người lao động nhập cư, các nhà phê bình cho rằng nó đã tác động lớn đến đời sống của họ.

Hàng chục ngàn người nhập cư đã bị buộc phải rời khỏi Bắc Kinh hồi tháng 11 năm ngoái như một phần của cuộc chấn chỉnh của nhà nước về nhà ở bất hợp pháp. Sau khi đám cháy tại một khu đông dân ở ngoại ô phía nam thành phố đã làm 19 người thiệt mạng, chính phủ đã tiến hành một đợt phá hủy và trục xuất hàng loạt, nhiều cư dân chỉ được cho phép vài phút để thu dọn đồ đạc và rời khỏi nhà.

Tại Thượng Hải, chính phủ cũng đã tiến hành di dời các "làng trong đô thị" - khu nhà ở giá rẻ tập trung dân nhập cư, và xây dựng lại các khu phố cổ. Ông Saskia Sassen, Giáo sư về Xã hội học tại Đại học Columbia, tác giả cuốn sách “Sự trục xuất” (Expulsions), nói: "Nơi từng là nhà của 4 thế hệ bây giờ là tầng trệt cao cấp của tòa nhà dành cho một người giàu có. Chính phủ Trung Quốc đang đuổi dân chúng ra khỏi các thành phố lớn để đến các thành phố ‘ma’ - nơi các công ty bất động sản xây dựng các thành phố trống rỗng, chỉ tạo điều kiện cho các công ty xây dựng kiếm tiền".

Giáo sư Sassen cho rằng các thành phố như Thượng Hải và Bắc Kinh đã thực thi một cách có hệ thống để tạo không gian cho một "tầng lớp trung lưu mới có thu nhập cao" và đẩy các tầng lớp có thu nhập thấp hơn ra rìa. Những căn hộ được xây dựng mới ở những thành phố này vượt xa tầm tay của nhiều công dân, có giá lên tới 20 lần thu nhập trung bình hàng năm của họ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhu cầu về các công việc và dịch vụ có tay nghề thấp sẽ luôn luôn có, vì vậy việc lực đẩy lao động nhập cư ra khỏi thành phố có thể sẽ gây thêm những vấn đề mới.

"Dân số không phải là gốc rễ của ‘căn bệnh đô thị’ này. Đó là do sự quản lý kém của các thành phố, và các cấu trúc đô thị nghèo nàn gây ra nhiều sự tắc nghẽn không cần thiết, đông đúc, tắc nghẽn giao thông và quá tải ", Tiến sĩ Song nói. " Nếu có quá tải hoặc thiếu dịch vụ, tại sao không mở rộng các dịch vụ công? Cung cấp thêm giáo dục, cơ hội, chăm sóc sức khỏe, bệnh viện - đó là điều mà chính phủ có thể làm, chứ không cố gắng đẩy đuổi người nhập cư".

Văn Nguyễn
.
.
.