Trung Quốc:

Phụ huynh tiếp thị lý lịch đẹp cho con bằng tờ rơi tuyển dâu, rể

Thứ Năm, 03/10/2019, 16:16
Tại chợ mai mối, giá trị lớn nhất là hộ khẩu Bắc Kinh. Một người đàn ông được cho là người chồng lý tưởng phải có hộ khẩu Bắc Kinh, với một căn hộ ở khu trung tâm, xe hơi tầm trung, bằng cấp cao và lương tháng ít nhất 50.000 nhân dân tệ (57.560 USD).


Tại "chợ mai mối" ở công viên Trung Sơn, một người đàn ông được "định giá" trong khoảng 5,61-13,29 triệu nhân dân tệ (18,7-44,6 tỷ đồng tiền Việt). Dày công chuẩn bị lý lịch và "tiếp thị" hình ảnh, nhưng loại hình mai mối này không mấy hiệu quả. Một phụ huynh cho biết cô con gái không chịu gặp bất cứ chàng trai nào mà ông ưng ở công viên này.

Định giá như… đồ vật

Trong góc nhỏ ở công viên, các phụ huynh treo biển giới thiệu con cái mình "có việc làm ổn định", "có hộ khẩu" hay "không có tật xấu" để tìm dâu, rể. Con người được coi là vô giá, nhưng ở "chợ mai mối" đầy cạnh tranh ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, ai cũng có thể được định giá rõ ràng. 

Cứ vào cuối tuần, các ông bố bà mẹ có con ế lại tập trung tại công viên Trung Sơn ở thủ đô Bắc Kinh, với hy vọng tìm được một mối phù hợp. Trước mặt họ là những tấm biển in thông tin về con, từ hộ khẩu, trình độ học vấn, mức thu nhập, đến tài sản.... Họ đồng thời liệt kê những tiêu chí mong muốn dành cho con dâu, con rể tương lai.

Trong khi đó, một nửa tương xứng của họ phải đạt các tiêu chí như ngoại hình thu hút, sinh ra ở Bắc Kinh, sở hữu một căn hộ ở Đông Thành hay Tây Thành. Ngoài ra, cô ấy cũng cần có ôtô hạng trung trở lên, lương tháng khoảng 20.000 nhân dân tệ và học vị thấp nhất là mức cử nhân. Nếu không có hộ khẩu, ôtô hay lương tháng hơn 5.000 nhân dân tệ, một người đàn ông vẫn có hy vọng tìm được một nửa của mình từ "chợ mai mối" nếu sở hữu một căn hộ gần thủ đô.

Các ông bố, bà mẹ bày thông tin cá nhân của con mình tại chợ mai mối.

Những người đàn ông này thường được "định giá" từ 830 ngàn tới 3,8 triệu nhân dân tệ, phù hợp với một phụ nữ thành công trong sự nghiệp đã sở hữu căn hộ ở Bắc Kinh, một xe hơi và lương tháng 50.000 nhân dân tệ. Trong khi đó, những người không phải gốc Bắc Kinh, cũng không có nhà ở thủ đô hay phụ nữ sinh vào năm Mùi thường không được đánh gia cao tại "chợ mai mối".

Các bậc phụ huynh đôi khi xem xét cả yếu tố quê quán của các "ứng viên", từ giọng địa phương đến lối sống và nghĩa vụ về thăm quê vào các dịp lễ tết. Nhiều người vẫn cố tìm kiếm vận may của mình ở "chợ mai mối" bằng cách kiếm một người đã có hộ khẩu Bắc Kinh. Thậm chí, một người đàn ông còn tuyên bố sẽ cân nhắc việc kết hôn với cô gái mắc khiếm khuyết miễn là cô ấy đến từ Bắc Kinh.

Cứ 5 đàn ông thì 3 người bị bồ "đá" vì không mua được nhà

Khoảng 60% đàn ông Trung Quốc cho biết họ từng bị bạn gái "đá" không thương tiếc vì không đủ điều kiện vay tiền mua nhà, theo kết quả một cuộc khảo sát.

Cuộc khảo sát do trang web hẹn hò Jiayuan.com tiến hành với 165.000 người. Theo kết quả khảo sát, cứ 5 đàn ông thì ba người từng bị bạn gái chia tay vì không đủ khả năng mua nhà. Khoảng 69% phụ nữ được hỏi nói rằng đàn ông hoặc gia đình nhà trai có trách nhiệm phải mua nhà trước khi kết hôn. 

Chỉ 10% phụ nữ nói rằng họ chấp nhận thuê nhà sống cùng chồng sau khi kết hôn. Trong khi đó, hơn 50% nói họ cảm thấy bất an khi sống trong cảnh thuê nhà. Cuộc khảo sát kéo theo nhiều phản ứng tranh luận trái chiều trên mạng xã hội Trung Quốc.

Hàng chục triệu đàn ông Trung Quốc nguy cơ không bao giờ kết hôn hay có bạn gái.

"Không nhà mới, không kết hôn. Đó là dạng điển hình của ''hôn nhân trần tục''. Không cô gái nào chấp nhận kết hôn nếu không có nhà, trừ khi cô ta có khiếm khuyết quá lớn", một phụ nữ ở Thâm Quyến cho biết. Đám cưới là vấn đề đau đầu đối với đàn ông Trung Quốc. 

Việc nam giới phải biếu một khoản tiền mặt lớn cho gia đình vợ sắp cưới, coi đây như một khoản hồi môn, đã trở thành xu hướng phổ biến ở Trung Quốc những năm gần đây. Ngoài tiền mặt làm quà cưới, họ cũng phải chuẩn bị tiền mua nhà, tiền tổ chức tiệc cưới. 

Báo chí cũng từng đăng tin, những dự án bất động sản đình trệ, không thể giao nhà cho khách hàng đúng hẹn đã "đẩy" nhiều thanh niên Trung Quốc vào cảnh "dở khóc, dở cười" khi chuẩn bị kết hôn. 

Lai Nguyễn
.
.
.