Trung Quốc:

Vấn nạn "làm việc đến chết"

Thứ Năm, 22/12/2016, 09:28
Với 600.000 nạn nhân mỗi năm, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia có số người chết vì "làm việc đến chết" nhiều nhất thế giới.


Theo thông tin do Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vừa công bố cho thấy, số người chết vì "làm việc đến chết" có độ tuổi trẻ hơn và trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề như truyền thông, quảng cáo, chăm sóc y tế và công nghệ thông tin.

CCTV cho rằng, sở dĩ có tình trạng kể trên bởi nhiều bạn trẻ hiện đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh khắc nghiệt để có nguồn thu nhập mong muốn, cũng như thăng tiến trong sự nghiệp.

Luật lao động của Trung Quốc quy định, chỉ làm việc 8 giờ/ngày và 44 giờ/tuần, nhưng ở nhiều công ty, những người không làm thêm thường bị coi là lười biếng và không có chí tiến thủ.

Năm ngoái, trang zhaopin.com từng cho biết, hơn một nửa trong số 13.400 nhân viên văn phòng ở Trung Quốc cho biết, họ không có thời gian vận động cơ thể trong giờ làm việc và hơn 2/3 trong số này làm thêm nhiều hơn 5 giờ/tuần.

Và cái chết của một kỹ sư mới 24 tuổi vừa được giới truyền thông Trung Quốc đưa tin là minh chứng cho cảnh báo của vấn nạn "làm việc đến chết". Được biết, kỹ sư này có thói quen làm việc quá tải và anh đã tử vong sau một thời gian dài làm việc không nghỉ.

Biểu tình vì làm việc quá sức tại Trung Quốc.

Giới truyền thông Trung Quốc cho rằng, việc thiếu cơ chế bảo vệ pháp lý được coi là một trong những nhân tố khiến các điều kiện làm việc lành mạnh cho người lao động không được đảm bảo. Bởi làm việc quá nhiều cộng thêm áp lực tinh thần đã dẫn tới tình trạng kiệt sức, thậm chí tử vong của nhiều lao động trẻ.

Và để tránh tình trạng làm việc quá tải dẫn tới kiệt quệ, trang sina.com.cn khuyên nhân viên văn phòng nên ăn nhiều trái cây và rau, tránh cà phê và thức ăn nhanh, ăn sáng đúng giờ, tập thể dục thường xuyên và tắm.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng tuyên bố, thay đổi phong cách làm việc tại đất nước mặt trời mọc sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của kế hoạch cải tổ lao động sẽ được đệ trình vào năm tới.

Theo người phát ngôn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội, chính phủ sẽ chính thức ban hành luật lao động sửa đổi trong tháng 3-2017.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của chính phủ Nhật Bản cho thấy, cứ 5 người lại có 1 người đang đứng trước nguy cơ tử vong do "làm việc đến chết".

Dưới áp lực công việc, nhiều người Nhật Bản đang phải căng mình, thậm chí có người đã tìm đến cái chết để giải thoát do bị vắt kiệt sức lực khi phải làm việc quá giờ trong một thời gian dài.

Trong khi đó, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike đang lên kế hoạch cân bằng cuộc sống cho người dân, khởi đầu bằng việc cấm nhân viên Văn phòng Thị trưởng ở lại cơ quan sau 20h.

Theo báo cáo của chính quyền Tokyo, 1/4 số lao động của các công ty Nhật Bản phải làm thêm hơn 80 giờ/tháng và 12% số lao động phải làm thêm 100 giờ/tháng.

Thống kê so sánh giữa các ngành nghề tại Nhật Bản cho thấy, nhân viên làm việc trong ngành công nghệ thông tin (IT) chịu áp lực công việc nặng nề nhất bởi có tới 44,4% công ty IT cho biết, nhân viên của họ làm thêm giờ hơn 80 giờ/tháng.

Một nhân viên IT 42 tuổi cho biết, các công ty Nhật Bản như một tập thể và nếu tôi rời công ty sớm, ai đó sẽ phải làm thay phần việc của tôi và điều đó khiến tôi cảm thấy tội lỗi.

Gần 40% người làm việc trong ngành giao thông vận tải và bưu chính khẳng định, rất mệt mỏi với làm thêm giờ. Theo giới truyền thông, việc thiếu nhân lực do dân số già và tỷ lệ sinh thấp được coi là một nguyên nhân dẫn đến vấn nạn "làm việc đến chết".

Giới chuyên gia cho rằng, mục tiêu cải tổ văn hóa làm việc tại Nhật Bản sẽ gặp khó khăn do tinh thần trọng danh dự, trung thành và văn hóa truyền thống của nước này đã tồn tại quá lâu.

Văn hóa Nhật Bản vốn coi trọng việc làm thêm giờ và dường như đây là một chuẩn mực cho bất cứ nhân viên của cơ quan hay công ty nào hướng tới. Nhưng điều đó đang trở thành "vấn nạn" và Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng cải thiện vấn đề này. Bởi tình trạng tinh thần sụt giảm, gây ra các rối loạn tâm thần, trầm cảm dẫn đến tự tử, còn gọi là karoshi đã khiến chính phủ phải ban hành luật để giảm karoshi (có hiệu lực từ tháng 11-2014), nhưng tình hình thực tế chưa được cải thiện.

Thuật ngữ karoshi lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1970 khi nền kinh tế Nhật Bản đang phát triển như vũ bão. Tới thập niên 80 của thế kỷ trước, hội luật sư bảo vệ quyền lao động và các nhóm công dân đã yêu cầu chính phủ thay đổi bộ luật lao động và có biện pháp mạnh tay hơn để giải quyết vấn đề karoshi.

Theo ông Jeff Kingston, Giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Tokyo, các công ty Nhật Bản luôn cố gắng trốn tránh trách nhiệm và phủ nhận hiện tượng karoshi.

Trịnh Huyền My
.
.
.