Trung Quốc đang “bỏ rơi” Vành đai - Con đường?

Thứ Bảy, 02/03/2019, 10:55
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), từng được xem là “xương sống” trong chiến lược đối ngoại của Trung Quốc, có thể sẽ bị Bắc Kinh lặng lẽ khai tử, theo Giáo sư Minxin Pei tại Đại học Claremont McKenna (Mỹ).


Ở trong nước, có những dấu hiệu cho thấy BRI đang dần bị “buông tay”. Chẳng hạn, việc tuyên truyền cho sáng kiến này đang sụt giảm với tốc độ chóng mặt. Đơn cử, vào tháng 1-2018, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng tải 20 câu chuyện về BRI, nhưng trong tháng 1 năm nay, báo này chỉ đăng 7 câu chuyện.

Ở bên ngoài, trong năm qua đã liên tiếp xuất hiện nhiều tin xấu đối với thái độ đón nhận Vành đai - Con đường ở nước ngoài. Tân Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia đã hủy bỏ 2 dự án BRI lớn, bao gồm một tuyến đường sắt trị giá 20 tỷ USD, với lý do chi phí cao. 

Chính phủ mới của Pakistan cũng đã kêu gọi xem xét lại “viên ngọc quý” của BRI, đó là dự án “Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan” (CPEC), mà Trung Quốc đã cam kết tài trợ hơn 60 tỷ đô la. Chính phủ Myanmar cũng nói với Bắc Kinh rằng việc xây dựng một đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ bị tạm ngưng, sẽ không được phép nối lại. 

Trong khi đó, Maldives, quốc đảo nhỏ bé ở Ấn Độ Dương, đang cố gắng đàm phán lại khoản nợ 3 tỷ đô la, bằng 2/3 tổng sản phẩm quốc nội của nước này, mà họ đã vay từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự án BRI.

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng BRI vào năm 2013, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã đạt gần 4 nghìn tỷ đô la. Với núi tiền khổng lồ này, nhiều người tin rằng sẽ là một ý hay khi dùng một phần để đầu tư vào cơ sở hạ tầng khắp thế giới. Cùng với việc sử dụng các nhà thầu và vật liệu của Trung Quốc, BRI cũng có thể giúp giải quyết vấn đề dư thừa của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp thép, xi măng và xây dựng.

Tuy nhiên, 5 năm qua đã có nhiều thay đổi. Kinh tế giảm tốc ở Trung Quốc đã kích hoạt làn sóng tháo chạy dòng vốn khỏi đất nước, khiến Bắc Kinh phải sử dụng hơn 1.000 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường. Và nay, cuộc chiến thương mại với Mỹ đang thêm vào các nhân tố khó khăn, khiến giới quan sát tin rằng trong tương lai Trung Quốc sẽ khó có thể tạo ra thặng dư ngoại hối đủ để tài trợ cho BRI trên cùng một quy mô, do thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ chiếm gần như toàn bộ thặng dư tài khoản vãng lai của họ.

Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm đáng kể, dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai cho Trung Quốc. Cán cân thanh toán xấu đi sẽ buộc Bắc Kinh sử dụng dự trữ ngoại hối, chủ yếu để bảo vệ đồng tiền Nhân dân tệ của mình, và để duy trì niềm tin của các nhà đầu tư vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của Trung Quốc. Kết quả là Bắc Kinh sẽ phải xem xét các cam kết bên ngoài một cách cẩn thận. Các đại dự án được hình thành và khởi xướng khi Trung Quốc có nguồn đầu tư lớn, sẽ bị đánh giá lại. Một số dự án sẽ phải bị giới hạn, hoặc thậm chí bị từ bỏ hoàn toàn.

Một số người có thể cho rằng BRI sẽ “an toàn” trước các khoản cắt giảm ngân sách vì đây là ưu tiên trong chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Tập. Nhưng thực tế kinh tế khắc nghiệt sẽ đưa các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào tình thế rất khó lựa chọn vì các nhu cầu khác nhau, cạnh tranh cho các nguồn lực hạn chế.

Văn Đông
.
.
.