Trung Quốc:

Dược khí giả khiến nhiều người bị mù

Thứ Sáu, 06/05/2016, 10:29
Vụ bê bối vaccine giả tại tỉnh Sơn Đông tồn tại nhiều năm trên diện rộng không được kiểm soát gây chấn động còn chưa lắng xuống thì một bê bối mới trong ngành Y tế Trung Quốc đang khiến nhiều người bàng hoàng. Bởi tại Bắc Kinh và Giang Tô có nhiều người bị mù vì khí độc y tế và theo thống kê hiện đã có ít nhất 30 người không thể nhìn thấy gì. Câu chuyện, xảy ra gần một năm trước, nhưng tới giờ cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời về chất độc khiến bệnh nhân bị mù lòa là chất gì?


Những ngày giữa tháng 4/2016, truyền thông Trung Quốc liên tục đưa tin, vào tháng 6/2015, 26 người bị bong võng mạc ở thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô đã đến bệnh viện của Đại học Nam Thông trị liệu, sau khi tiêm khí perfluoropropane vào mắt bệnh nhân đã xảy ra phản ứng bất thường. Hiện, có 12 người đã bị mù một mắt, một người bị mù cả 2 mắt, 13 người khác đang bị suy giảm thị lực nghiêm trọng.

Cùng thời điểm trên cũng xảy ra sự kiện liên quan đến khí perfluoropropane đối với 59 người đang điều trị tại Bệnh viện số 3 - Đại học Bắc Kinh. Trung tâm Giám sát Dược phẩm Trung Quốc đã điều tra và cho biết, từ ngày 1- 29/6/2015, Bệnh viện số 3- Đại học Bắc Kinh đã dùng sản phẩm khí perfluoropropane từ lô 15040001 cho 59 bệnh nhân nêu trên, trong đó 4 người đã có phản ứng nghiêm trọng, 45 người bị viêm mắt nặng sau khi phẫu thuật. Sau khi liên lạc với 19 người gần đây thì có 18 người bị mù một mắt, người còn lại thị lực chỉ còn 1/10, người bệnh nhỏ nhất chưa đến 20 tuổi.

Dược khí giả khiến nhiều nạn nhân bị mù.

Theo trang thông tin của tỉnh Giang Tô (vojs.cn), hiện đa số những bệnh nhân ở Bắc Kinh và Nam Thông đã chấp nhận phương án mổ loại bỏ perfluoropropane và thay bằng dầu silicone. Nhưng có bệnh nhân sau khi phẫu thuật thay dầu, cho dù thoát nạn mù đơn nhưng có thể phải bỏ tròng mắt và đứng trước nguy cơ cả đời phải dùng mắt giả.

Được biết, khí perfluoropropane dùng bổ sung trong phẫu thuật mắt giúp cố định võng mạc, thường xuyên được sử dụng trong phẫu thuật mắt. Trong trạng thái bình thường, khi đưa khí này vào mắt phải thực hiện từ từ, sau khoảng 3 tuần phẫu thuật thì người bệnh có thể nhìn thấy đồ vật.

Hôm 21/4, Bệnh viện Đại học Nam Thông cho biết, loại khí trên do bệnh viện mua của một công ty có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Công ty Phát triển Công nghệ mới Tinh Minh tại Thiên Tân, đơn vị cung cấp lô hàng khí perfluoropropane cho Bệnh viện số 3 - Đại học Bắc Kinh đưa ra bản kê khai hàng hóa cho thấy, kết quả kiểm nghiệm khí perfluoropropane có 99,8% hàm lượng đạt tiêu chuẩn.

Nhưng theo báo cáo kiểm tra của Viện Nghiên cứu Dược phẩm Trung Quốc, hàm lượng không đạt chuẩn trong mẫu perfluoropropane lần lượt là 69,64% và 86,8%, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc gia là 99,5%.

Tính từ tháng 6/2015 đến nay, sự việc nghiêm trọng này đã xảy ra được hơn 9 tháng, nhưng cơ quan chức năng chưa có công bố cụ thể về thành phần không rõ ràng của loại khí dược này, còn những người bị hại vẫn sống trong oan khuất.

Có rất nhiều vấn đề không được cơ quan chức năng giải thích: Chất gây hại khiến người bệnh bị mù đơn là chất gì? Lô sản phẩm trên đã được đưa vào những tỉnh nào, bệnh viện nào? Tại sao sau hơn 9 tháng xảy ra sự cố, vấn đề mới được đưa ra ánh sáng? Kết quả kiểm tra hàm lượng thành phần khí và Báo cáo kiểm tra của Viện Nghiên cứu Dược phẩm Trung Quốc tại sao không thống nhất?

Nguyễn Minh (tổng hợp)
.
.
.