Truy tìm bao cao su chứng cứ

Thứ Tư, 31/08/2016, 14:14
Công an Trung Quốc truy quét người bán dâm thường tìm chứng cứ là bao cao su. Vì thế, người bán dâm không dám mang theo bao cao su, không dám yêu cầu người mua dâm sử dụng bao cao su.

Luật pháp Trung Quốc qui định bán dâm là vi phạm pháp luật, nhưng từ việc một số công an viên thường xem bao cao su là tang vật, những nỗ lực phòng chống người bán dâm lây nhiễm HIV bị cản trở.

Trung Quốc có khoảng 1,4 tỷ dân, thuộc nhóm dễ bị nhiễm HIV thấp, với khoảng nửa triệu người sống chung với HIV hoặc bị bệnh AIDS từ cuối năm 2014,theo một báo cáo cấp chính phủ hồi năm ngoái. 

Người bán dâm là nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS lớn nhất Trung Quốc, và người quan hệ tình dục nam-nam. Từ năm 2004,ở Trung Quốc có khoảng từ 1 triệu đến 3 triệu gái bán dâm, cùng người chơi ma túy bằng kim tiêm và người quan hệ tình dục nam-nam được xếp vào nhóm người có nguy cơ cao bị lây nhiễm  HIV.

Khoảng 92 % trong 104.000 ca lây nhiễm do quan hệ tình dục được phát hiện năm 2014. Để đối phó,Bộ Y tế Trung Quốc cùng nhiều tổ chức cộng đồng đã phân phối bao cao su miễn phí, như một phần của các chương trình y tế cộng đồng.Một số tỉnh cũng ra sức kiểm soát các bệnh lây qua đường tình dục.

Ở tỉnh Vân Nam, các địa điểm giải trí và khách sạn đều phải bố trí bao cao su ở tất cả các phòng dành cho khách.Tổ chức phi vụ lợi Asia Catalyst (New York, Mỹ) vốn cổ động quyền thụ hưởng chăm sóc y tế cho những nhóm đứng ngoài xã hội ở Trung Quốc, đã có một báo cáo nêu Trung Quốc cấp miễn phí bao cao su cho người nhiễm HIV và mỗi năm đều cấp kinh phí mua và phân phối bao cao su cho các nhóm người có nguy cơ làm lây nhiễm HIV, kể cả cho người bán dâm.

Nhưng cùng lúc, công an được quyền truy bắt hoạt động bán dâm và chiến thuật chủ đạo của họ là tịch thu bao cao su, theo báo cáo của Asia Catalyst vốn nêu công an vẫn tiếp tục cấm các địa điểm giải trí “nhạy cảm” không được bố trí bao cao su, vì sự hiện hữu của bao cao su có thể bị quy kết là dính líu hoạt động kinh doanh sex.

Theo báo New York Times, tổ chức trên đã phỏng vấn 518 người bán dâm (đủ cả nam, nữ lẫn người chuyển giới) và các nhân viên y tế, công an và chủ các nhà thổ phi pháp ở 3 thành phố lớn ở Trung Quốc. 

Theo các thăm dò từ cuối năm 2014 đến tháng 8.2015, có 48 % người bán dâm bị công an “hỏi thăm” đều cho biết họ không sử dụng bao cao su. Trong khi đó, 76 % người bán dâm không bị công an “hỏi thăm” thì luôn sử dụng bao cao su,so với 48 % người bị công an “hỏi thăm”nói họ luôn đem theo loại phương tiện tránh thai và tránh bị lây nhiễm các bệnh tình dục như HIV/AIDS này.

Báo cáo nói công an Trung Quốc có hai cách để xử lý những vụ bán dâm: ráng bắt quả tang và kiểm tra các địa điểm bán dâm lén lút, tập trung tìm kiếm tang vật là bao cao su để xử phạt, gồm có nên áp giải người bán dâm về đồn công an hay không.

Báo cáo dẫn trường hợp một người chuyển giới tính và bán dâm, được cho một tên giả là Shasha. Cô đã bị công an bắt chỉ vì có bao cao su trong túi xách. Cô kể: “Hôm đó, tôi chẳng có khách khi bị bắt…Họ bắt đầu hỏi tôi: “Cô có bán dâm không ?”. Tôi ráng chối.

Cuối cùng, công an hết kiên nhẫn, bắt đầu đánh tôi để bắt tôi phải khai nhận.Họ lục lọi túi xách của tôi, phát hiện nhiều bao cao su nên kết luận tôi bán dâm, rồi họ tạm giamtôi 15 ngày”.

Jing Wang, người điều hành một tổ chức chăm sóc phụ nữ nhập cư ở Bắc Kinh, nói công an có thể dùng bao cao su chưa mở để bẫy người bán dâm phải nhận tội và để bắt những phụ nữ nhập cư phải bán dâm để kiếm sống.

Nhưng nếu không yêu cầu khách sử dụng bao cao su, những người bán dâm này có thể bị lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục. Wan Yanhai, một nhà hoạt động tuyên truyền phòng chống AIDS người Trung Quốc, nói: “Riêng việc sở hữu bao cao su thì chưa đủ là chứng cứ của hành vi phạm pháp, và việc mang theo bao cao su không phải là một tội hình sự”.

Nhưng Tingting Shen, nhà nghiên cứu của Asia Catalyst, nói thêm: “Khi công an bắt người bán dâm, họ sẽ tìm kiếm bao cao su, từ đó sẽ khiến người bán dâm không dám mang và sử dụng bao cao su. Trong số những người bị công an lấy lời khai hồi năm ngoái, tỷ lệ sử dụng bao cao su rõ ràng rất thấp”.Karyn Kaplan, lãnh đạo Asia Catalyst, nói:  “Hoạt động của cơ quan bảo vệ pháp luật có tác động mạnh đến sức khỏe và sự an toàn của người bán dâm, gồm hành vi và sử dụng bao cao su.

Người bán dâm phải đáp ứng yêu sách của khách làng chơi là không dùng bao cao su. Họ cũng  giảm việc mang theo bao cao su hoặc dùng các chiêu trò để giấu bao cao su. Việc người bán dâm không dùng bao cao su không chỉ làm tăng số người nhiễm HIV, mà còn là sự “chọc phá” vào nỗ lực của chính phủ là phân phối bao cao su miễn phí cho người bán dâm”.

Tổ chức phòng chống AIDS thuộc Liên Hiệp Quốc  (UNAIDS) nóiviệc công an Trung Quốc tịch thu bao cao su và xem việc người bán dâm sử dụng bao cao su là phạm pháp là một vấn nạn tràn lan, nhưng đáng tiếc đây cũng là một vấn nạn ở từng quốc gia trên thế giới.

Steve Kraus, chủ nhiệm UNAIDS ở châu Á-Thái Bình Dương cho biết: “Khi bạn tịch thu bao cao su, các nghiên cứu liên tục cho thấy rất ít người bán dâm sử dụng chúng. Việc kinh doanh sex đang diễn ra ở những chốn nguy hiểm hơn, nơi mà phụ nữ bán dâm dễ bị bạo lực, bị tống tiền, trấn lột, bị tấn công và bị hiếp dâm tập thể”.

Asia Catalyst đề nghị Bộ Công an Trung Quốc hủy việc truy tìm-tịch thu bao cao su và không xem việc sử dụng chúng là tang vật bán dâm nữa. Tổ chức này cũng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hình sự hóa hoạt động bán dâm, và cần có sự hợp tác của công an với giới bán dâm để phòng chống lây nhiễm HIV.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2015 ở Trung Quốc có hơn 575.000 nhiễm HIV, chủ yếu là qua quan hệ tình dục.

Kim Hương
.
.
.