Truy tìm nước ngầm trong sa mạc

Thứ Bảy, 03/06/2017, 08:13
Nước là thứ khan hiếm tại Vương quốc Saudi Arabia. Nay nhà vua bắt đầu thuê một nhóm các nhà khoa học Đức để tìm kiếm nguồn nước ngầm ở bên dưới những sa mạc cát mênh mông của nước này. Công việc này có thể mở ra hy vọng cho những đất nước đang bị sa mạc hóa khác.


Nhà địa chất người Đức Randolf Rausch, 59 tuổi, đi chầm chậm qua những đụn cát, để lại dấu chân như một vũ công ballet. Nhưng những cơn gió ngay lập tức xóa đi những dấu vết đó. Nhiệt độ tại sa mạc Ad Dahna vào mùa này chỉ 32oC, nhưng đến mùa hè, nhiệt độ thường trên 50oC. Rausch dừng lại trên đỉnh một đụn cát lớn nhất, trải cái nhìn ra không gian vô tận: “Đây là giấc mơ của bất kỳ nhà địa chất nào”.

Rausch đã làm việc cho GTZ International Services, một bộ phận của GTZ liên bang Đức, ở Riyadh trong suốt 6 năm qua. Nhà vua Saudi thuê ông và các cộng sự, những người đến từ Trường đại học Kỹ thuật Darmstadt, để tìm kiếm nguồn nước trên sa mạc. Bằng việc khoan những lỗ sâu tới 2.000m, cộng với những kỹ thuật phức tạp, họ đang cố tìm kiếm xem có bao nhiêu nước ngầm còn lại ở giữa những lớp đá bên dưới bán đảo Arab.

Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz (UFZ) ở thành phố Leipzig, nước Đức cũng liên quan đến dự án tầm cỡ này. “Sử dụng các siêu máy tính ở UFZ, chúng tôi có thể tìm được nguồn nước ngầm còn lại từ Kỷ Băng Hà”, Rausch nói.

Rausch cùng 2 cộng sự Christoph Schuth (47 tuổi) và Andreas Kallioras (34 tuổi), đang tiến hành các công tác chuẩn bị rất chu đáo. Họ kiểm tra các thiết bị thử và đầu dò dùng để đo độ ẩm trong đất, cũng như dòng chảy và độ tuổi của nước, trên mặt đất ở sân bay bị bỏ hoang gần Darmstadt.

"Một công việc như thế này không tồn tại ở bất cứ đâu trên thế giới” - Rausch nói - “Ví dụ như ở Đức, một nhà địa chất học chỉ có thể làm những việc nhỏ nhặt như khai hoang các bãi đất nâu bị ô nhiễm, bãi chôn rác và những thứ tương tự". 

Trong khi đó, ở Arab Saudi họ phải giải quyết những câu hỏi cấp bách liên quan đến sự tồn vong: Nước còn lại trong tầng chứa nước ngầm nhiều hay ít? Và cách tốt nhất để sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này là gì, để đảm bảo cả nước có nước sinh hoạt càng lâu càng tốt?

Nước ngầm hóa thạch là nguồn nước tự nhiên duy nhất trong vùng không có sông ngòi như Arab Saudi, nơi mỗi giọt mưa là một sự kiện. Sau Kỷ băng hà cuối cùng, nước tràn vào đất và cuối cùng tích tụ trong không gian rỗng giữa các lớp đá trầm tích.

Hầu hết lượng nước này nằm ở phía đông Saudi, cũng chính là nơi tập trung trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên của đất nước này. Vì vậy, các nhà địa chất tìm kiếm dầu đôi khi lại tìm thấy nước, hoặc ngược lại. Và giống như dầu, những giọt nước quý giá từ thời kỳ Băng hà cuối cùng đều có giới hạn. Quá nhiều nước ngầm hiện đang được bơm ra khỏi các giếng sâu hơn, làm cho mực nước tụt xuống. Điều này cho phép nước muối xâm nhập vào nước ngầm dọc theo bờ biển.

Ở Wasia, 100 km về phía đông của Riyadh, nhóm của Rausch đang khoan lỗ sâu thăm dò. Mario Rescia, Giám đốc điều hành của Công ty Khoan Saudi Hajjan Drilling, phụ trách việc kiểm tra bơm. Các công nhân nhập cư trong bộ quần áo và mũ bảo hiểm màu vàng phải làm việc 12 giờ trên giàn khoan 27m, ở nhiệt độ lên đến 50oC khi ở trong bóng râm. Rescia cho biết: "Chúng tôi cố gắng hết sức để giúp họ đứng vững bằng tủ lạnh và đồ uống".

Và, như dự đoán của Rausch, nước đột nhiên phun lên từ cát sa mạc, nước trong và ấm, một cảnh tượng tuyệt vời trong một khu vực có vẻ như không còn sự sống. Nước sạch đủ để uống luôn, mặc dù nó có vị hơi ứ đọng - điều chẳng có gì lạ khi biết rằng nó đã có 25.000 năm tuổi.

Bảo Uyên
.
.
.