Từ lời nhận xét của một giáo sư tới lời thỉnh cầu của một nhà sư

Thứ Tư, 26/12/2018, 21:18
Vừa rồi, nhân chuyện chính quyền Hà Nội khuyến cáo người dân nên từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo, tránh tạo ra những hình ảnh phản cảm đối với người nước ngoài đến thăm, làm việc và sinh sống tại Thủ đô, nhà văn - PGS.TS Văn Giá đã có bài viết hồ hởi ủng hộ vấn đề này, trong đó nêu một số nhận xét khiến ông phải tới tấp nhận về các loại "gạch đá" từ những nhà... "cẩu thực".

Cũng như nhà văn Văn Giá, tôi rất đồng tình rằng việc giết một con vật nuôi thân thiết với con người "gây nên cảm giác bạo lực, hiếu sát", rằng những người thân, người bạn của chúng ta sẽ "trở nên đáng yêu hơn" khi họ nói "không" với việc ăn thịt chó, mèo. 

Song, phải thú thực là, nghĩ thì nghĩ vậy chứ "vía bố" tôi cũng không dám mạnh miệng đưa ra kết luận kiểu "Trong số các loài vật, con chó có cấu trúc sinh học và hệ thần kinh gần với con người nhất. Ăn thịt chó là ăn thịt người". Tôi biết, với lối suy nghĩ của phần đông dân chúng nước ta hiện nay, cách nói trên, đặc biệt cách so sánh giữa chó với người là vô cùng nhạy cảm, nếu không muốn nói là rất "huý kị", là "không thể chấp nhận được". 

Trước Văn Giá, nhà văn Nguyễn Như Phong từng phải nhận không ít búa rìu của dư luận khi đưa ra nhận xét "Nghề phóng viên là phải như con chó ấy". Điều đáng nói là, để đi đến những so sánh kiểu trên, cả hai nhà văn Nguyễn Như Phong và Văn Giá đều "rào trước" rằng, đó  không phải tự thân các ông nghĩ ra - mà một là của ông chủ bút tờ Bangkok Post, một của cố GS Nguyễn Hoàng Phương - song không vì thế mà các ông "né" được "đòn hội chợ". 

Lại nhớ, cách đây non tám mươi năm, khi thi sĩ Trương Tửu viết câu thơ "Nhà văn An Nam khổ như chó", ông đã bị một lão thi sĩ đàn anh quở mắng "Sao cậu lại ví nhà văn chúng mình với chó". Thế mới biết, có những tín điều, sau ngần ấy thời gian hầu như vẫn chưa cải thiện được là bao.

Nhà văn, PGS.TS Văn Giá - người từng làm dậy sóng dư luận khi dẫn lại lời nhận xét của cố GS Nguyễn Hoàng Phương "Ăn thịt chó là ăn thịt người".

Kể thì, ở vào một không gian khác, những ý kiến kiểu trên của các nhà văn Nguyễn Như Phong, Văn Giá sẽ được tiếp nhận một cách hết sức bình thường. Bởi việc thể hiện tình cảm với loài chó như vậy hoàn toàn là quyền riêng của mỗi người, và không phải đây đó không nhận được sự đồng cảm, sẻ chia. Thì chẳng phải Tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin đã nhận xét "Càng hiểu con người, tôi càng thêm yêu loài chó" và đây được bình chọn là một trong những phát ngôn ấn tượng nhất của ông đó sao? 

Xét ở góc độ nào thì câu nhận xét này vẫn đề cao loài chó hơn nhiều so với mấy câu mà các nhà văn Văn Giá, Nguyễn Như Phong viện dẫn chứ? Vấn đề là Nguyễn Như Phong và Văn Giá không phải là Putin. Và đối tượng tiếp nhận câu nhận xét của các ông không phải là người dân Nga - những công dân của một quốc gia không có "truyền thống ăn thịt chó".

Dù sao, qua những phản ứng đối với bài viết của nhà văn Văn Giá nói riêng, với văn bản của lãnh đạo Thành phố Hà Nội nói chung, ta có thể thấy con đường tiến tới việc xoá bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo của người dân Thủ đô chắc chắn vẫn còn là "con đường đau khổ". Và, không biết có phải vì thịt chó mang tính "nóng", hầu hết các ý kiến tranh luận lại mà tôi đọc được đều khá gay gắt.  Tựu trung  xoay quanh mấy ý chính sau:

"Nói ăn thịt chó là kém văn minh, vậy tại sao Hàn Quốc, một quốc gia phát triển, người dân vẫn coi thịt chó là món khoái khẩu. Hay như Trung Quốc, có nơi còn tổ chức cả lễ hội thịt chó".

"Nói con chó nuôi rồi thịt thấy tội. Vậy con gà, con lợn nuôi rồi thịt không tội sao? Nếu bảo nhìn chó giết mổ phản cảm thì con lợn khi bị giết mổ không phản cảm à?".

"Nếu vì thương mà không ăn thịt chó thì tốt nhất cấm ăn thịt hết đi, quay sang ăn chay trường xem có trụ nổi không".

"Cấm không ăn thịt chó, mai kia nó sinh sản nhung nhúc như lợn thì vứt cho hổ ăn à".

Không ít ý kiến kiểu mỉa mai:

"Ừ thì chó là loài vật trung thành. Nhưng nó chỉ trung thành với chủ thôi bạn ạ. Không phải trung thành với bất cứ ai khác. Không tin bạn cứ thử vào nhà ai nuôi chó mà xem".

"Mỗi người có một cách yêu chó khác nhau. Người thì yêu chó theo từng con; người thì yêu chó theo từng...đĩa".

"Cứ cấm nuôi chó, mèo luôn là hay nhất. Khỏi lo vấn đề mầm bệnh, đỡ gây phiền hà cho những người xung quanh mà cũng chẳng phải bàn cãi về việc ăn thịt chúng nữa. Lợi đủ bề".

Cũng có ý kiến kiểu "chuyện nọ xọ chuyện kia", nhưng để "đấu lý" được với họ quả... không dễ: "Văn minh phương Tây có những cái chúng ta cần học hỏi, nhưng quan điểm người ăn thịt chó là man rợ và lạc hậu, vậy mang bom đạn giội lên đầu một dân tộc khác là văn minh?".

Không dừng ở đấy, có ý kiến còn chửi... thẳng cánh những người cho rằng ăn thịt chó là không hợp với đời sống văn minh, gây phản cảm cho khách du lịch phương Tây: "Mẹ kiếp, cái loại me Tây như ông nên cắm đầu vào đống rác mà chết. Dân ta ăn thịt chó là nét văn hoá, mấy thằng Tây không ăn thì biến, mắc mớ gì nó dám bảo ông không được phép ăn gì trên đất nước của ông".

Đương nhiên, không ít ý kiến xem con chó thuần tuý là thực phẩm và họ thấy "Vì chó không được nuôi công nghiệp phổ biến như gà, heo nên rất ít con bị tiêm chất tạo nạc, thuốc tăng trọng. Bởi vậy ăn thịt chó sẽ hạn chế được những rủi ro khi nguồn thức ăn không đảm bảo". Hỡi các chú chó thân yêu, nếu hiểu được tiếng người, các chú sẽ nghĩ sao về ý kiến trên? Hẳn các chú chỉ còn biết cúi đầu thở dài mà "bó tay chấm com", hoặc nghẹn ngào thốt lên "Chết con rồi mẹ ơi". Qua đó càng thấy, con đường giải thoát giống nòi mình khỏi bị đưa lên bàn nhậu ở nước Việt vẫn còn xa lơ xa lắc. 

Nói như PGS.TS Trịnh Hoà Bình - một cách nói phũ phàng mà ẩn chứa một sự thật cay đắng - rằng "chừng nào nhận thức xã hội được thông suốt, hay hài hước hơn, thịt chó không còn gì hấp dẫn để mời gọi người dân thì may ra họ mới ngán thứ thực phẩm đó".

Sư thầy Thích Phước Tiến và bìa cuốn "Những người bạn nhỏ" tập hợp nhiều bài viết cảm động về loài chó của một số tác giả Mỹ.

Trước mớ ý kiến "nóng hầm hập"  và "tầng tầng dây thép gai" như vậy, chắc chắn cách đặt vấn đề thiên về cảm xúc như của nhà văn Văn Giá sẽ khó làm xoay chuyển được thú đam mê của các nhà "cẩu thực". Và đó chính là lúc cách đặt vấn đề của sư thầy Thích Phước Tiến (bài "Vì sao số đông phản đối việc ăn thịt chó" tải trên trang Thư viện Hoa Sen) khả dĩ phần nào phát huy tác dụng. 

Điều tôi vô cùng ngạc nhiên là ở vị thế một nhà tu hành, song trong ý kiến của mình, sư thầy Thích Phước Tiến không hề dùng những ngôn từ cao siêu, cũng không nói đến chuyện tâm linh, luật nhân - quả xung quanh việc giết chó, ăn thịt chó. Cách đặt vấn đề của sư thầy gần gũi với đời thường, và vì vậy, trong chừng mực nào đó con người thấy mình có thể thực hiện được: 

"Ngày hôm nay, nhằm thể hiện đỉnh cao của văn minh và lòng nhân đạo khi đã có quá nhiều loại động vật phục vụ cho nhu cầu thực phẩm con người thì loài nào tha thứ được chúng ta hãy cho chúng một con đường sống, như loài chó hay các loài động vật hoang dã quý hiếm, để chúng trở thành những động vật đa dạng cùng đồng hành một cách an lành với con người trên hành tinh này". 

Khác với các nhà tu hành khác, ở đây sư thầy Thích Phước Tiến không kêu gọi con người ăn chay, bỏ qua việc sát sinh các loài động vật. Sư thầy cũng không nói các loài động vật đều hiển linh, "chúng sinh bình đẳng" như quan điểm nhà Phật mà sư thầy đặt vấn đề một cách rất thực tế, với những đối tượng cụ thể trước mắt, rằng hiện loài người đã có quá nhiều thực phẩm thay thế, vậy nên thể hiện lòng nhân đạo đối với một số loài vật có nghĩa có tình như loài chó. 

Thú thật, tôi đọc mà rớt nước mắt khi thấy một sư thầy gần như là "hạ mình" để cất lời cầu xin cho loài chó, với những ngôn từ không thể khiêm cung hơn. Nào là "tha thứ", nào là "cho chúng một con đường sống", rồi thì khi được "cùng đồng hành" với con người thì "đồng hành một cách an lành". Điều ấy chứng tỏ sư thầy rất biết "sợ" sức mạnh hiện tại của con người, mà cụ thể ở đây là đội ngũ "cẩu thực" trùng trùng điệp điệp. 

 Tôi vừa đọc vừa xa xót nghĩ, không biết từ bao giờ con người cho phép mình cái quyền được định đoạt số mệnh của tất cả các sinh vật khác trên thế gian này; cho rằng mọi vật sinh ra là để phục vụ con người, để đến nỗi một bậc chân tu phải thỉnh cầu con người "tha thứ" cho loài chó, suy xét cho nó "một con đường sống". 

Trong khi thực tế, với loài chó, cả đời chúng chỉ biết một lòng cúc cung phục vụ con người, làm gì nên "tội" để phải xin "tha thứ", cầu "một con đường sống"? Nghe mà ai oán, chua xót! Hãy nghe tác giả Joger Caras (người Mỹ) đúc kết: "Loài chó đã cống hiến hết mình cho chúng ta. Chúng ta là trung tâm vũ trụ của chúng. Chúng ta cũng là nơi hội tụ tình yêu, lòng tin và sự tin cậy của chúng. Chúng phục vụ ta chỉ để đổi lấy chút cơm thừa canh cặn. Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là thoả thuận có lợi nhất mà loài người từng đạt được".

Phạm Khải
.
.
.