Tục " tằng cẩu" của người Thái

Thứ Ba, 10/05/2016, 15:40
Người dân tộc Thái có tục “tằng cẩu”. Tục này được duy trì đã bao đời nay. Theo tục thì người con gái Thái trước khi chính thức làm vợ người con trai nào đó thì đều phải làm lễ dựng “tằng cẩu”. Một nghi thức bắt buộc và thể theo nghi thức ấy thì sau khi làm lễ xong thì người con gái đó đã “có chủ”.

Khi những cánh hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc báo hiệu mùa xuân chín. Khi trên nương còn chưa hết vệt sương giăng lãng đãng ta đã nghe dìu dặt tiếng kèn Pí ngân nga gọi bạn. Đó cũng là lúc trong bản ngoài làng của người Thái vùng Tây Bắc rộn ràng câu hát đối. Lời ca đối đáp nam nữ ngoài ý nghĩa là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng ra, còn cho thấy đây cũng là dịp để trai gái được rãi bầy tình cảm bao ngày nay giấu kín trong lòng, được đưa ra để tỏ tình với nhau.

Chiều ấy chúng tôi về thăm bản Phiêng Bua. Trong tiếng Thái thì “Phiêng Bua” nghĩa là hoa sen. Hoa sen nơi núi rừng phía Tây kể cũng làm lòng người ghé thăm xôn xao nỗi nhớ đồng bằng. Hoa sen nơi núi rừng Tây Bắc kể cũng ngát lên thứ thanh sạch. Câu hát cất lên bên bờ suối nơi có “cánh hoa sen” đủ để chúng tôi phải nhủ lòng mà níu nhau nán lại.

Anh Vũ Tiến, một người Kinh chính cống nhưng có nhiều năm gắn bó với núi rừng Tây Bắc nói chung, gắn bó với mảnh đất Điện Biên nói riêng, ghé tai chúng tôi mà thêm vào. Các anh có thấy không? Nửa đầu của câu hát nghe rất thật thà. Người núi rừng là như vậy đó. Các anh cứ nghe đi. Đúng là cái thật thà là lạ mà đầy tinh ý. Còn nửa cuối của câu hát các anh nghe nó có tồi tội không? Các anh nghe có thấy lời thầm trách móc không?

Quả đúng là anh Vũ Tiến không thẹn với lời giới thiệu lúc chúng tôi gặp anh ở ngoài thành phố. “Ông Tiến này thạo chuyện Tây Bắc có khi còn hơn cả người Thái ấy”. Chỉ nghe câu hát thôi mà “đọc” vanh vách cái tâm trạng, cái tình của người hát lên câu hát. Đúng là một khi gắn bó với điều mà mình tâm đắc thì mọi sự đều có thể được khai mở rõ ràng.

Bản bắt đầu vào hội. Hội xòe mở ra không cầu kỳ, không vẽ vời. Hình như người Thái một khi đã vui trong bụng, một khi muốn bầy tỏ lòng thành đãi khách phương xa tới là họ sẵn sàng “mở hội”. Một hội xòe tự thân, giản dị và đầy bất ngờ với những người khách “phương xa” như chúng tôi.

Đám lửa giữa sân cháy đùng đùng. Trong tiếng củi lửa reo lép bép tôi như thấy mình đang bay trong muôn ngàn lâng lâng. Những ánh mắt long lanh dưới ánh lửa hồng. Những nụ cười rạng ngần trong ánh sáng của lửa. Dường như lửa đã giúp con người cho dù trước đó còn nhiều xa lạ xích lại gần nhau.

Không đành lòng với những điều còn chưa tỏ, tôi níu tay anh Vũ Tiến hỏi nhỏ “Con gái Thái chắc… chắc dễ yêu lắm phải không anh?”. Một cái nhìn ý nhị của anh Vũ Tiến thay cho câu trả lời. Cái nhìn cho tôi lờ mờ hiểu rằng: Đâu dễ như tôi nghĩ.

Càng về đêm nhịp xòe càng náo nức. Những chén rượu đầy sóng dường như luôn chực chờ sẵn trên tay những cô gái làm nhiệm vụ dâng rượu bên vòng xòe. Hễ một lượt vòng xòe đi qua là những chén rượu thêm một lần đến với người đang vui trong điệu xòe. Rượu và lửa ngấm quện trở thành tâm hồn rừng rực. Nhìn ai cũng thấy “muốn ghé môi hôn”. Thú thực là tôi đã chợt nghĩ vơ vẩn như vậy.

Thực tình cánh đàn ông dưới xuôi như tôi chẳng hạn không “chịu nổi” những bước chân xoay chuyển liên tục. Tôi được anh Vũ Tiến kéo tới ngồi ké bậc cầu thang lên nhà sàn. Một nơi ngồi vô cùng lý tưởng. Xa mà vẫn rất gần với vòng xòe đang nhún nhẩy bởi chỗ chúng tôi ngồi đủ cao để tường tận mọi việc đang diễn ra ngoài sân.

Những cô gái Thái duyên dáng trong  điệu múa truyền thống.

Anh Vũ Tiến chỉ tay vào một đám chị em đang túm tụm bên góc sân. Hình như đám chị em này chỉ đứng xem chứ chưa thấy “lượn” vào vòng xòe. “Anh nhìn xem đám chị em kia thấy có gì khác lạ không?”. Một câu hỏi khó đối với tôi, người như lần đầu đến với đêm xòe này. Nhưng câu hỏi của anh Vũ Tiến đã đưa ra chắc chắn phải có lý do rồi. Tôi đưa mắt chăm chú quan sát. Lâu lâu nhưng chưa nhận ra “có gì khác lạ” như anh Tiến hỏi. Tôi lắc đầu thú thật “Chịu”. Nói chung là chỉ thấy chị em ăn mặc rất đẹp. Hình như người phụ nữ Thái lúc nào cũng chuẩn bị đi hội ấy. 

Anh Vũ Tiến bật cười bởi lối suy nghĩ thật như đếm của tôi. Anh Tiến chưa vội nói ngay mà hỏi thêm “Anh chú ý kỹ về…. về trang phục ấy”. Tôi vẫn lắc đầu chịu thua nhưng là cái chịu thua muốn nhận được câu giải thích ngay. Anh Vũ Tiến tủm tỉm ghé tai tôi nói rành mạch “Phụ nữ Thái có chồng được đánh dấu bằng tằng cẩu. Nhìn mắt ông tôi biết. Cẩn thận đấy. Người có tằng cẩu trên đầu là các ông dứt khoát không được léng phéng đâu đây. Ấy tôi nhắc vậy để các ông lưu ý. Gớm cái mắt kìa. Nhìn cứ như muốn nuốt hết mọi đàn bà con gái ngoài kia vậy”.

Thì ra là vậy. Người dân tộc Thái có tục “tằng cẩu”. Tục này được duy trì đã bao đời nay. Theo tục thì người con gái Thái trước khi chính thức làm vợ người con trai nào đó thì đều phải làm lễ dựng “tằng cẩu”. Một nghi thức bắt buộc và thể theo nghi thức ấy thì sau khi làm lễ xong thì người con gái đó đã “có chủ”. Người khác nhìn thấy vậy dĩ nhiên là phải “tránh”. 

Anh Vũ Tiến giải thích thêm “Sau khi đã làm lễ tằng cẩu xong đôi trai gái ấy mới được công nhận là vợ chồng. Và đương nhiên sau đó họ mới được ở chung. Nghĩa là được sống chung một nhà và được ngủ cùng nhau”. 

Anh Tiến nói rõ ràng hơn: “Tằng cẩu là tục lệ. Mà đã là tục lệ thì có nghĩa nó phải như một thứ “luật” vậy. Người con gái Thái sau khi được làm lễ tằng cẩu tức là người con gái đã có chồng. Người này sẽ không được quan hệ với ai. Cũng như vậy. Nếu như có người con trai khác đem lòng thích hay yêu người con gái đã dựng tằng cẩu cũng không được nẩy sinh quan hệ luyến ái.

Lễ hay tục “dựng tằng cẩu” của người dân tộc Thái là một lễ rất đàng hoàng theo như cách thức tiến hành. Theo đó việc dựng tằng cẩu là việc của cả một đời người nên nó được mọi người hết sức trân trọng. Để có được lễ này trước tiên phải có đôi trai gái nào đó mến nhau, yêu nhau và mong muốn được sống bên nhau thực lòng. 

Đôi trai gái ấy một khi đã đi đến quyết định làm vợ làm chồng của nhau thì phải làm những bước như: Bên nhà trai tìm một người trong bản để làm người làm mối, thông thường sẽ chọn tìm những người là đàn bà để làm bà mối. Người được chọn làm bà mối phải là người có đạo đức tốt, người này sống tử tế với xóm làng. Sau khi bên nhà trai đã tìm được người như vậy thì người đó cùng với cha mẹ người con trai đến nhà người con gái để nói chuyện chính thức. Và “tằng cẩu” đều phải do nhà người con trai chuẩn bị.

“Cẩu” được làm bằng tóc rối gom lại qua nhiều năm của chính những người trong gia đình của người con trai. Do vậy gia đình người Thái mỗi khi chải tóc, hay gội đầu đều có ý thức gom và cất giữ tóc rối lại. Tóc được phơi khô và cất giữ để không bị hỏng hay hao hụt. Khi chuẩn bị làm “cẩu” thì tóc đã gom nhiều năm được đem ra chải chuốt sạch sẽ. Sau đấy mới túm lại cẩn thận để làm “cẩu” trước khi đem đến nhà người con gái để làm lễ “dựng tằng cẩu”.

Những phụ nữ mang “tằng cẩu” trên đầu nghĩa là đã có chồng.

Nghi lễ “dựng tằng cẩu” thường được tiến hành vào buổi chiều. Sau khi thắp hương khấn bái ông bà tổ tiên xong thì bà mối sẽ cất lời chúc tụng nhà gái những lời chúc tốt đẹp. Lễ đã xong. Lời chúc của bà mối đã được đưa ra nhưng người con gái sẽ làm vợ người con trai kia chưa được theo về nhà chồng ngay mà phải đợi tới sáng hôm sau.

Sáng hôm sau, người con gái chuẩn bị đi về làm dâu nhà người ta được gia đình tiến hành làm bước tiếp theo. Một nghi thức gội đầu bằng nước lá thơm được tiến hành rất chu đáo. Đầu và mái tóc của người con gái sắp về nhà chồng được gội chải kỹ càng. Dường như sự thanh sạch trước khi làm vợ bao giờ cũng là một “yêu cầu” không thể bỏ qua. Mái tóc được gội được chải để chờ cho một nghi thức trang trọng đánh dấu cho một “bước ngoặt” hệ trọng. Nhận “tằng cẩu” và về nhà chồng.

Giờ tốt đã tới. Gia đình người con trai cùng bà mối đã tới. Bố mẹ người con trai ngồi một bên. Bố mẹ người con gái ngồi một bên. Hai bên bố mẹ ngồi chính giữa nhà, trang trọng chờ đợi giây phút làm nghi thức trao cẩu. Anh con rể cúi đầu chắp tay lạy bố mẹ mình, lạy bố mẹ vợ. Lạy xong xuôi thì bà mối mới chính thức tuyên bố và tiến hành “trao cẩu”. 

Người con gái e lệ cúi đầu về phía bà mối. Bà mối lần nữa cẩn thận chải mái tóc cô dâu và sau đó từng múi tóc của mớ tóc sẽ làm tằng cẩu được đan vào nhau. Sau đó lại được bện thành những đường tóc và dựng thành vòng xoáy dần lên đỉnh đầu. Khi búi tóc đã được dựng đủ chín múi như những quả xôi. Lúc đó bà mối mới thong thả đính vào chiếc trâm đã cài giữ những múi tóc đó một đồng bạc trắng. 

Đồng bạc trắng tượng trưng cho mặt trời. Tượng trưng cho mối tình này không bao giờ tắt. Lễ dựng tằng cẩu đến giờ mới gọi là xong. Nhà trai lúc này mới được đón cô dâu về nhà mình.

Kể từ đó trở đi người con gái Thái đã có chồng. Cô sẽ luôn luôn mang trên đầu chiếc tằng cẩu biểu tượng chung thủy của cuộc hôn nhân của người dân tộc Thái miền Tây bắc.

Nguyễn Trọng Văn
.
.
.