Tươi đẹp như Paris

Thứ Tư, 06/03/2019, 10:53
Ở thế kỷ XXI, người sống tại Thủ đô vẫn khó tin Hà Nội phải như Paris. Một số người đã tự gọi nơi mình sống là Paris với kiểu nói châm biếm.


Đây không phải là mong muốn của người lãnh đạo hiện nay mà là mong muốn được trích dẫn từ câu nói nổi tiếng của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi: "Tôi muốn làm cho Hà Nội tươi đẹp như Paris". Xin đừng châm biếm con người nói được, làm được từ thế kỷ trước.

Khoảng chục ngày cuối tháng 2 - 2019, Hà Nội thay đổi ngỡ ngàng. Một số khu phố đã sạch bong, ngăn nắp và đẹp như một góc Paris. Nguyên nhân từ cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chọn nơi đây. Cuộc đàm phán của hai ông chưa đạt được thỏa thuận mong muốn, nhưng hình ảnh Hà Nội thân thiện, tươi đẹp đã theo ống kính phóng viên quốc tế mà tỏa khắp toàn cầu.

Người Hà Nội tự nhiên bị đánh mất ký ức. Ô! Đống rác to đùng ở góc phố của tôi đâu rồi? Ô! Những bức tường bị vẽ bậy, bôi bẩn đâu mất rồi? Những vỉa hè bừa bãi được tận dụng để bán hàng và để xe máy, không có lối đi cho người đi bộ đâu rồi? Cổng ngõ nhà tôi sao lại được treo nhiều chậu hoa tươi thế, cứ như là lạc vào mùa xuân ở Mộc Châu. Tại sao lại đẹp nhanh như vậy được?

Cái đẹp này thực ra được tạo từ mong muốn và đầy tính lý trí chứ chưa phải là nếp sống thường nhật. Việc duy trì là điều khó, nhưng phải thấy ít nhiều đã làm được. Tuy hai nhà lãnh đạo "hot" nhất thế giới chưa tìm được tiếng nói chung, nhưng chính chúng ta lại nhận thấy cái đẹp mà chúng ta mong muốn không phải là không thể.

Minh họa Tả Từ

Có một thực tế rất dễ quan sát, chúng ta rất chịu khó chăm sóc cho căn nhà của mình sạch rác, nhưng với hàng xóm hoặc khu công cộng thì chúng ta lơ đi. Ta hay nói "hơi đâu mà lo chuyện thiên hạ". Đó là cơ hội cho nơi tụ họp của rác.

Nếu nói trả lại vỉa hè cho người đi bộ ngay lập tức thì điều đó không dễ do liên quan đến sinh kế của dân. Nhưng trả lại vỉa hè sạch sẽ thì khả thi. Thực khách của chúng ta có thói quen xả rác, giấy ăn ngay dưới chân bất chấp sọt rác của chủ hàng để ngay góc bàn. Thói quen này có thể sửa được. Loại "rác" khác: Ôtô đỗ bừa bãi cũng là một loại "rác".

Ở các nước trong khu vực gần chúng ta chẳng hạn, nơi đỗ xe cửa khách sạn luôn hạn chế thời gian cho người đón chứ không cho phép một xe đợi người bắt các xe khác phải chờ. Nếu xe đón vào đến nơi mà người được đón chưa sẵn sàng vào xe thì xe đó phải chạy tiếp vòng nữa. Xe luôn di chuyển thì xe không là "rác". Ở Mỹ thì một số nơi ở trung tâm cho phép đỗ tính tiền theo hạn mức thời gian. Ít người chịu được phí đỗ xe nên họ tìm cách gửi bãi miễn phí và đi bộ xa hơn.

Ở ta thì đỗ xe phổ biến là theo phong cách "chướng". Và thế là xe ôtô thành đống rác chình ình. Loại "rác" này tính từ ôtô con đến xe bus. Tây thì không gọi loa mà chỉ có phạt cực nặng. Ta thì có xe gọi loa nhắc nhở kiểu như mẫu giáo. Cách đây mấy hôm, xe nhắc gọi loa "Các tài xế cho đúng nơi đỗ chỉ có 25 nghìn đồng thôi. Trước khi lái xe hãy chuẩn bị 25 nghìn đồng!".

Hãy thực hiện câu "Hà Nội không vội được đâu" theo kiểu đừng vội xả rác. Kiềm chế xả rác là đã đạt cảnh giới cao hơn rồi đấy.

Còn bạn. Bạn có muốn Hà Nội tươi đẹp như Paris không?

Lê Tâm
.
.
.